Đưa ra mức lợi nhuận khó tin tới 150%/năm, thậm chí còn được nhận lợi nhuận theo ngày, nhưng Công ty Capel lại không công bố bất kỳ một dự án kinh doanh nào cụ thể.
Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần tập đoàn Capel cũng cho thấy, năm 2019, 2020 và 3 quý đầu năm 2021, doanh nghiệp này không hề ghi nhận có doanh thu. Vậy Công ty Capel đã lấy tiền ở đâu để trả lợi nhuận hàng ngày cho các nhà đầu tư?
Chuyển giao công nghệ ngành may, du lịch và vận tải du lịch, dự án nông nghiệp công nghệ cao... đều được Công ty Capel quảng cáo là đem về lợi nhuận từ 200 - 500%/năm. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, ngành nghề chính của công ty, cũng có lợi nhuận từ 200 - 300%/năm.
"Hiện công ty đang tập trung vào việc tách sổ, bán ra thị trường. Công ty đang tập trung mua nguồn đất giá rẻ, có diện tích lớn", nhân viên môi giới của Công ty cổ phần Capel cho biết.
"Em đi thâu tóm quỹ đất lớn mà có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thành đất ở thì thời gian nó có x5, x10 được không, khi nó thành sổ riêng từng cái", đại diện Công ty cổ phần Capel nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một dự án bất động sản thông thường phải mất vài 3 năm để triển khai từ thủ tục, đền bù giải phóng mặt bằng, đến xây dựng cơ sở hạ tầng và lợi nhuận thu về cả dự án chỉ ở khoảng 20 - 30%.
"Thủ tục, đền bù, xây dựng… lãi được 20 - 30% đã là thành công. Không có dự án bất động sản nào mà lãi gấp đôi. Còn hiện tượng sốt đất không nằm ở các dự án chính thống, từ đất đai, ruộng vườn họ tự san lấp, tự bán, nhưng dự án bất động sản đó có rủi ro khi nhà đầu tư có thể mất trắng vì sai quy định của pháp luật", Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.
Ông Đính cũng đưa ra dẫn chứng, năm 2019, 2020 đã từng có vụ việc nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại do đầu tư vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel khi chủ đầu tư không thể chi trả lợi nhuận như đã cam kết từ 8 - 12%/năm. Vì vậy, theo ông Đính, lợi nhuận cao tới 150%/năm của Công ty cổ phần Capel hứa hẹn trả cho nhà đầu tư là một điều rất bất thường.
"Chúng ta đã chứng minh bất động sản hàng năm trả lãi trên 10% đều vỡ trận cả rồi, không có một trường hợp nào trên 300% mà tồn tại được. Đây là câu chuyện ảo, phi lý 100%, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn khi ném vào đây là rất lớn", ông Nguyễn Văn Đính nói.
Thực tế đã chứng minh, dù đã triển khai việc huy động vốn từ cuối năm 2019, nhưng qua tìm hiểu báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Capel, năm 2019, 2020 và 3 quý đầu năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận không có doanh thu và cũng chưa nộp đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Vậy khi không có doanh thu, công ty Capel đã lấy tiền ở đâu để vẫn có thể trả lãi hàng ngày cho nhà đầu tư?
"Chỉ có 2 khoản tiền, một là họ lấy tiền từ những người trước đã đóng tiền vào để trả ngay cho người vừa mới nộp. Đó là tiền lãi. Hai là chính tiền của mình vừa nộp vào cho công ty và công ty cắt ngược ra để trả. Rõ ràng là không có hoạt động kinh doanh nào đưa ra khoản lãi nhanh và lớn như vậy. Chắc chắn đấy chính là tiền của họ, máu thịt của nhà đầu tư cắt ra trả cho họ", Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự, đánh giá.
Lấy của mình trả cho mình, thậm chí là lấy của người trước trả cho người sau, khi Công ty Capel cũng hứa hẹn trả hoa hồng cao cho nhà đầu tư nào mời chào thêm được người tham gia mới.
Không có dự án kinh doanh cụ thể, không có doanh thu, nhưng vẫn trả lợi nhuận theo ngày, dù vậy hiện vẫn có hàng nghìn nhà đầu tư đang tham gia ký kết vào hợp đồng "Hợp tác kinh doanh" với Công ty cổ phần Capel.
Theo VTV.VN