Từ ngày 23/11 - 25/11/2022 tại Morilia, Mexico, đã diễn ra Đại hội thế giới lần thứ 7 về tài chính nông nghiệp và nông thôn do FIRA phối hợp với NHTW Mexico đăng cai. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), bà Nguyễn Tuyết Dương - Thành viên Hội đồng thành viên đã tham dự và phát biểu tại Đại hội.
Đại hội được tổ chức với sự tham gia của 04 tổ chức Hiệp hội tài chính thế giới (Hiệp hội tài chính phát triển Mỹ Latinh (ALIDE), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn Châu Phi (AFRACA), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp và Nông thôn Châu Á-Thái Bình Dương (APRACA), Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Khu vực Cận Đông-Bắc Phi (NENARACA) và Hiệp hội tín dụng nông nghiệp thế giới (CICA).
Trước sự biến động của thế giới về sản xuất, xuất nhập khẩu lương thực do biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa, hạn chế đa dạng sinh học, sâu bệnh, Covid-19, xung đột và căng thẳng địa-chính trị gia tăng, Đại hội Thế giới lần thứ 7 tập trung vào chủ đề “Ứng phó với kịch bản toàn cầu mới: sử dụng tài chính làm đòn bẩy để giảm thiểu các tác động trực tiếp và gián tiếp đến các doanh nghiệp nông nghiệp và nông thôn'. Đại hội đã thu hút được sự quan tâm của 200 đại biểu đến từ 100 tổ chức tài chính, tổ chức tư vấn toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển và các chuyên gia từ gần 50 quốc gia trên thế giới tham dự.
Với 06 phiên hội nghị chuyên đề, Đại hội tập trung thảo luận các nội dung: (i) Ứng phó với kịch bản toàn cầu mới: Phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững và toàn diện; (ii) Đổi mới công nghệ để tài trợ nông nghiệp ở Mỹ Latinh; (iii) Cung cấp vốn cho Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững ở LAC: Vai trò của các Ngân hàng Phát triển Quốc gia (iv) Tài trợ chuỗi giá trị thủy sản ở Châu Phi: Mở rộng quy mô nền kinh tế xanh; (v) Tài chính toàn diện xanh là yếu tố kích hoạt quan trọng đối với hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững; (vi) Các hệ thống bảo hiểm đóng vai trò là động lực tài trợ cho nông nghiệp - chăn nuôi.
Bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank tham gia toạ đàm và thuyết trình tại Phiên Hội nghị chuyên đề 5.
Tham gia toạ đàm trong phiên thứ 5 với chủ đề “Tài chính toàn diện xanh là yếu tố kích hoạt quan trọng đối với hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững”, Bà Nguyễn Tuyết Dương - Thành viên HĐTV Agribank đã trình bày về chủ đề "Tín dụng xanh trong chiến lược phát triển toàn diện của Agribank". Bài thuyết trình đã nhận đươc sự quan tâm sâu sắc của các tổ chức, đại biểu tham dự Đại hội.
Bà Nguyễn Tuyết Dương nêu bật những thành tựu trong thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam và Agribank. Thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động theo các cam kết và thỏa thuận quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Giai đoạn 2017-2021, đã có 39 TCTD có phát sinh dư nợ cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh với mức tăng trưởng dư nơ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm. Với những định hướng và lộ trình chính sách của Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh tại Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.
Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Agribank đang triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,82 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,63 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,4 triệu tỷ đồng; Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 70% tổng dư nợ Agribank và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam;
Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị hàng hóa cao.
Cùng với đó, Agribank định hướng áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG trong hoạt động, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, từ đó, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Với xu hướng chuyển đổi số, Agribank tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đa dạng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, thu hút, phát triển khách hàng. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong giao dịch thanh toán, Agribank đã và đang nghiên cứu mở rộng hợp tác với các tổ chức viễn thông, công nghệ tài chính, tổ chức trung gian thanh toán phát triển các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân.
Đoàn Agribank tham dự Đại hội thế giới lần thứ 7 về tài chính nông nghiệp và nông thôn do FIRA phối hợp với NHTW Mexico tổ chức
Agribank tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa: chuyển khoản; gửi và thanh toán tiết kiệm trực tuyến; thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, học phí…; mua sắm trực tuyến; đặt vé máy bay, tàu xe, đặt phòng khách sạn…
Hiện, Agribank có mạng lưới rộng lớn khắp các tỉnh, thành phố với 2.224 chi nhánh và phòng giao dịch; 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, 3.635 ATM, CDM, đã giúp cho bà con nông dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển tài chính toàn diện của Chính phủ. Cùng với đó, ngay từ năm 2020, Agribank đã phát động phong trào “Agribank Vì tương lai xanh” - mục tiêu xuyên suốt từ nhận thức đến hành động của gần 40.000 cán bộ Agribank trên toàn hệ thống, chung tay cùng ngành ngân hàng thực hiện thành công chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Theo đó, để hiện thực hóa phát động, mỗi năm Agribank phấn đấu trồng được 1 triệu cây xanh, mỗi cán bộ Agribank cùng hành động từ những điều nhỏ nhất cùng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.
Với những nỗ lực bền bỉ cho sự phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao cũng như những đóng góp ý nghĩa cho môi trường, xã hội; năm 2020 Agribank vinh dự được tổ chức Asian Banking và Finance trao tặng danh hiệu “Ngân hàng thực hiện trách nhiệm xã hội và chương trình Xanh của năm” (Giải Nhì khu vực châu Á - Thái Bình Dương); đồng thời Agribank được nhận giải thưởng “Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao”.
Trong nội dung thuyết trình, Bà Nguyễn Tuyết Dương cũng đề cập đến những rào cản trong tăng trưởng tín dụng xanh mà Agribank cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam phải đối mặt khi đầu tư cho tín dụng xanh, bao gồm: các rào cản về quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đối với tín dụng xanh; việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Tuy nhiên, với vai trò là ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam, vì tương lai xanh của toàn thế giới.