Thứ tư, 17/07/2024
   

ADB dự báo châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2023, do việc tiếp tục nới lỏng các hạn chế về đại dịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư. Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,5% năm 2023

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2023, do việc tiếp tục nới lỏng các hạn chế về đại dịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư. Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,5% năm 2023 và 6,8% năm 2024, với tỷ lệ lạm phát tương ứng là 4,5% và 4,2%.

Theo ADB, tăng trưởng ở châu Á đang phát triển được dự báo là 4,8% trong năm 2023 và 2024, tăng so với mức 4,2% của năm 2022. Sự phục hồi của Trung Quốc và nhu cầu nội địa tốt ở Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính của khu vực trong năm nay và năm tới.

Lạm phát được dự báo sẽ ở mức vừa phải, giảm từ 4,4% năm 2022 xuống 4,2% năm 2023 và 3,3% năm 2024, dần dần tiến gần hơn đến mức bình quân trước đại dịch.

Một loạt các thách thức trước mắt và đang nổi lên vẫn có thể kìm hãm sự phục hồi của khu vực. Trong môi trường hậu đại dịch, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng với lạm phát, lãi suất và nợ cao hơn. Các chính phủ phải tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chống lại những rủi ro của sự rạn nứt toàn cầu.

Triển vọng kinh tế của châu Á đang phát triển đang được cải thiện rõ rệt nhờ việc mở cửa trở lại nhanh chóng tại Trung Quốc. Việc cho phép bình thường hóa việc đi lại tại quốc gia này sau khi kết thúc chiến lược “zero-COVID” và hoạt động trong các ngành dịch vụ đang phục hồi nhanh nhất. Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng khu vực thông qua nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, cũng như các mối liên kết chuỗi cung ứng.

Trong năm 2022, các nền kinh tế châu Á đang phát triển vẫn duy trì khả năng phục hồi. Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế của khu vực được duy trì nhờ mức tiêu dùng và đầu tư được cải thiện khi COVID-19 được kiểm soát ở nhiều quốc gia. Điều này phần nào giúp bù đắp tác động của giá lương thực và năng lượng tăng cao do tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, cùng với điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và suy thoái kinh tế của Trung Quốc vào năm trước.

Theo ADB, một số tiến triển trong hoạt động sản xuất hiện khá rõ ràng. Nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã khiến cho sản xuất đình trệ và sản lượng công nghiệp suy yếu trong nửa cuối năm 2022, đồng thời việc thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã kìm hãm các đơn hàng xuất khẩu ở nhiều nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, các chỉ số về điều kiện kinh doanh vào đầu năm 2023 cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại một số nền kinh tế trong khu vực đang được cải thiện đáng kể.

Khách du lịch đang quay trở lại khu vực; hoạt động chuyển tiền và kiều hối vẫn sôi động. Nhiều nền kinh tế châu Á đang phát triển đã dần mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế và lượng khách đến một số nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đang dần phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Triển vọng du lịch đã được cải thiện hơn nữa khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Lượng kiều hối đến khu vực vẫn mạnh mẽ, với các nền kinh tế ở Kavkaz và Trung Á nhận được dòng tiền lớn.

Các điều kiện tài chính được cải thiện vào cuối năm 2022, tuy nhiên đã có phần chững lại trong thời gian gần đây. Các điều kiện đã thắt chặt hơn trong phần lớn thời gian năm ngoái, nhưng đã giảm bớt trong quý IV nhờ tâm lý thị trường tích cực hơn do lạm phát của Hoa Kỳ hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm bớt quan điểm diều hâu kể từ tháng 11/2022. Chi phí bảo hiểm rủi ro giảm đối với hầu hết các nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán tăng trở lại. Dòng vốn đầu tư nước ngoài bị đảo ngược và nhiều loại tiền tệ trong khu vực đã mạnh lên so với đồng đô la Mỹ kể từ quý IV/2022. Tuy nhiên, việc nới lỏng các điều kiện tài chính đã bị trì hoãn vào tháng 2 và tháng 3, do lạm phát ngày càng dai dẳng và tình trạng hỗn loạn ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Lạm phát chung đang giảm tốc, nhưng lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục tăng cao. Giá cả hàng hóa tăng vọt đã góp phần làm tăng lạm phát vào năm 2022 sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine. Sự mất giá của nhiều đồng nội tệ, được thúc đẩy bởi việc thắt chặt tiền tệ của Fed, đã đẩy giá nhập khẩu tăng cao hơn nữa. Khi giá năng lượng và lương thực toàn cầu giảm cùng với việc giảm bớt tình trạng gián đoạn nguồn cung, lạm phát chung đã đảo ngược xu hướng tăng, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao ở một số nền kinh tế và cần được giám sát chặt chẽ.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang chậm lại và các vị thế tài chính được cải thiện. Tần suất và mức độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong khu vực đang giảm dần. Cán cân tài chính đang được cải thiện ở nhiều nền kinh tế nơi tăng trưởng đã tăng lên và kế hoạch ngân sách ở nhiều nền kinh tế dự kiến tăng trưởng hơn nữa trong năm nay.

Sự phục hồi của Trung Quốc và nhu cầu nội địa lành mạnh ở Ấn Độ sẽ là nguồn hỗ trợ tăng trưởng chính của khu vực trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng ở châu Á đang phát triển được dự báo là 4,8% trong năm nay và năm 2024, tăng so với mức 4,2% của năm ngoái. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang làm triển vọng của Đông Á trở nên sáng sủa hơn với thương mại, du lịch tích cực và các tác động lan tỏa khác đến phần còn lại của châu Á đang phát triển. Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi lên 5,0% trong năm nay từ mức 3,0% vào năm 2022; tăng trưởng năm 2024 dự kiến là 4,5%. Nam Á sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng triển vọng thay đổi đáng kể trong tiểu vùng. Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm tới nhờ nhu cầu nội địa tốt, nhưng Pakistan và Sri Lanka phải đối mặt với một triển vọng đầy thách thức. Tăng trưởng ở Kavkaz và Trung Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á sẽ được cải thiện nhờ mở cửa trở lại và phục hồi trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch.

Lạm phát dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong năm nay và năm tới, dần dần tiến gần hơn đến mức trước đại dịch. Lạm phát toàn phần được dự báo sẽ giảm tốc xuống 4,2% trong năm nay và 3,3% vào năm 2024 từ mức 4,4% của năm ngoái. Trong khi lãi suất cao hơn và giá cả hàng hóa vẫn tăng cao dự kiến sẽ định hình triển vọng lạm phát của khu vực, lạm phát chung sẽ giữ nguyên trong năm nay ở Đông Á và giảm ở các tiểu vùng khác.

Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đem đến những triển vọng khả quan cho sự phục hồi và tăng trưởng cho khu vực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Việc mở cửa trở lại nhanh chóng và suôn sẻ hơn có thể thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong khu vực so với các dự báo hiện tại. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro đối với triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á. Nợ và lãi suất cao hơn đã làm tăng rủi ro với ổn định tài chính mà bằng chứng là các vấn đề gần đây của ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang leo thang và có thể châm ngòi cho những đợt tăng giá hàng hóa mới, gây ra lạm phát toàn cầu và tình trạng thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Bên cạnh đó, sự phân mảnh và rạn nứt toàn cầu cùng với biến đổi khí hậu tiếp tục là những thách thức dai dẳng đối với các nền kinh tế trong khu vực.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay