Dựa trên hệ thống Saas để nghiên cứu thị trường, gần đây, Tracxn công bố “Báo cáo tài trợ trong nửa đầu năm 2023 của FinTech Việt Nam”. Theo báo cáo này, lĩnh vực FinTech ở Việt Nam đã trải qua một đợt suy thoái về nguồn vốn trong suốt năm 2023. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng kéo dài của mùa đông vốn và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Theo đó, tổng nguồn vốn tài trợ cho các startup công nghệ Việt Nam đã giảm 82% xuống còn 66 triệu USD trong nửa đầu năm 2023 từ mức 372 triệu USD trong nửa đầu năm 2022.
Một yếu tố khác cũng góp phần vào sự suy giảm của thị trường là thiếu các vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối. Cụ thể, các nhà phân tích cho biết thị trường fintech Việt Nam gần như thiếu vắng hoàn toàn nguồn tài trợ giai đoạn cuối trong suốt năm 2022 và 2023. Trên thực tế, trong số các vòng cấp vốn đã được thực hiện trong năm nay, các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu chiếm đa số, đóng góp 5,1 triệu USD vào tổng nguồn vốn trong nửa đầu năm 2023, giảm mạnh 97% so với số vốn 195 triệu USD huy động được trong nửa đầu năm 2022.
Hơn nữa, nguồn tài trợ giai đoạn đầu trong nửa đầu năm 2023 cũng thấp hơn 32% so với mức 7,5 triệu USD được đảm bảo vào nửa cuối năm 2022. Cùng với đó, nguồn tài trợ ở giai đoạn hạt giống cũng giảm đáng kể, chỉ còn 1,1 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Con số này đánh dấu mức giảm 82% so với 6 triệu USD huy động được trong cùng kỳ năm 2022 và giảm 89% so với tổng vốn đầu tư 10,4 triệu USD nửa cuối năm 2022.
NGUỒN TÀI TRỢ THEO QUÝ
Quý đầu tiên của năm 2023 ghi nhận tổng nguồn tài trợ là 5,1 triệu USD, giảm 76% so với mức 21,2 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2022. Trong quý II/2023, nguồn vốn đã giảm đến 99%, từ 180 triệu USD trong quý II/2022 xuống chỉ còn 1,1 triệu USD trong quý II/2023.
Theo Tracxn, thị trường FinTech tại Việt Nam chỉ trải qua một vòng cấp vốn duy nhất vượt quá 100 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Kể từ đó, chưa có vòng cấp vốn nào vượt qua được cột mốc này.
Hơn nữa, lĩnh vực này của Việt Nam hiện chưa tạo ra bất kỳ kỳ lân nào, cũng như không chứng kiến bất kỳ thương vụ mua lại hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm qua.
Hà Nội là thành phố đạt được nguồn tài trợ nhiều nhất cho lĩnh vực FinTech trong nửa đầu năm 2023. Các nhà đầu tư chính đóng vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh FinTech tại Việt Nam trong hai năm qua bao gồm CIE IIITH, Y Combinator, WeFounder Circle, Integra Partners và Genting Ventures. Đáng chú ý, CIE IIITH, Y Combinator và WeFounder Circle là những người chơi quan trọng trong lĩnh vực đầu tư giai đoạn hạt giống. Trong khi đó, Integra Partners và Genting Ventures nổi tiếng là những nhà đầu tư trong các vòng cấp vốn giai đoạn đầu.
TRACXN LẠC QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG FINTECH VIỆT NỬA CUỐI NĂM
Trong khi những thách thức trên đã ảnh hưởng đến bối cảnh tài trợ khởi nghiệp của đất nước, Tracxn cho biết các chuyên gia vẫn lạc quan về sự phục hồi của ngành khi nền kinh tế toàn cầu ổn định. Tổ chức này cho biết trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đáng kể, gấp 3,6 lần từ năm 2002 đến năm 2021.
Nền kinh tế của đất nước được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,3% vào năm 2023, điều này càng cho thấy tiềm năng phát triển không chỉ trong fintech mà còn nhiều ngành khác. Cũng cần lưu ý, chính phủ đang tích cực phát triển lĩnh vực FinTech bằng cách phát động Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia, trong đó có cam kết của chính phủ trong việc thiết lập một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Sáng kiến đầy tham vọng này nhằm đạt được các cột mốc quan trọng, bao gồm chuyển đổi 50% hoạt động ngân hàng trực tuyến, cung cấp cho 50% dân số tài khoản ngân hàng kỹ thuật số và tạo điều kiện thuận lợi cho 70% giao dịch thông qua các kênh kỹ thuật số.
Bất chấp điều kiện thị trường đầy thách thức, Tracxn cho biết với những động lực như thu nhập của người dân tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số liên tục và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực FinTech.
Theo các nhà phân tích tại Tracxn, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu dần ổn định và các nỗ lực chuyển đổi số của chính phủ thực sự thiết thực, họ kỳ vọng một quỹ đạo tích cực cho lĩnh vực FinTech tại Việt Nam trong dài hạn…