Về tình hình lãi suất ngân hàng cuối tháng 7/2023
Từ đầu tháng 7 đến nay đã có khoảng 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, mức giảm phổ biến là 0,2%/năm. Một số ngân hàng giảm mạnh từ 0,5% đến 0,8%/năm,... Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay thuộc về VietBank (7,4%/năm), VietABank (7,4%/năm). Các ngân hàng huy động tiền gửi 6 tháng với mức lãi suất 7,3%/năm là CBBank, GPBank, PGBank… Các mức lãi suất huy động này đã giảm khoảng 0,3% so với cuối tháng 6. Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đồng loạt áp dụng lãi suất 5% với tiền gửi 6 tháng. Mức lãi suất này cũng được nhóm big 4 áp dụng cho tiền gửi trên 6 tháng và dưới 12 tháng. Lãi suất tiết kiệm từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được hầu hết các ngân hàng áp dụng trong khoảng từ 6,4%/năm đến 6,9%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng đang là 7,6%/năm tại CBBank. Tiếp đến là Bảo Việt, Indovina, GPBank, NCB và PGBank. Mức lãi suất này đã giảm 0,3% điểm lãi suất so với cuối tháng 6. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng 7,4%/năm được áp dụng tại Bắc Á, PublicBank và OceanBank. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của SCB - ngân hàng luôn đứng đầu về lãi suất trong hệ thống đã giảm đáng kể cho kỳ hạn 12 tháng, hiện chỉ còn 6,9%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất tháng 6. Nhóm big 4 áp dụng mức lãi suất 6,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Đối với kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, lãi suất cao nhất là 8%/năm được ngân hàng PublicBank áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 7,7% được OceanBank áp dụng cho kỳ hạng 24 tháng.
Về tăng vốn điều lệ
ACB tăng vốn điều lệ: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại điều lệ công ty. Theo đó, vốn điều lệ của ACB được điều chỉnh tăng thêm 5.066 tỷ đồng, từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Trước đó, ACB đã phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.066 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2022.
SeABank chuẩn bị bán vốn cho nhà đầu tư đến từ Na Uy: SeABank vừa công bố thông tin về việc triển khai chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án đảm bảo việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại SeABank. Cụ thể, SeABank sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cp. Giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.032 đồng/cp (là mức giá tính bằng 120% trung bình giá đóng cửa cổ phiếu SSB trong 30 phiên giao dịch gần nhất tính đến ngày 13/6/2023). Giá chào bán cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thỏa thuận với nhà đầu tư. Như vậy, thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
VPBank thông qua bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược SMBC: VPBank vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC, với giá dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng. Số cổ phiếu trên tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công. Thời gian thực hiện trong quý III, quý IV/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Với tổng số tiền thu được là hơn 35.904 tỷ đông, VPBank sẽ ghi nhận tăng vốn điều lệ thêm 11.905 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần trên 23.999 tỷ đồng
Eximbank cập nhật cơ cấu cổ đông và đại hội bất thường
Tổng lượng cổ phiếu lưu hành của ngân hàng ở mức 1,475 tỷ đơn vị và ngân hàng không có cổ đông lớn. Trong đó, nhóm cổ đông Nhà nước nắm giữ 5,07% cổ phần của Eximbank, còn lại là cổ đông khác. Các cổ đông nước ngoài nắm giữ tổng cộng gần 96 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 6,48% vốn. Trong đó, SMBC sở hữu gần 33,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,26% vốn. Trước đó, SMBC thông báo đã bán ra 132,8 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 13/1/2023, giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,07% (185,3 triệu cp) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cp), và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng. Như vậy, kể từ đó đến nay, SMBC đã bán thêm 19 triệu cổ phiếu Eximbank. Eximbank công bố sẽ hoàn thành việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức 18% trước ngày 31/10/2023. Theo đó, Eximbank dự kiến phát hành gần 265,56 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn thêm gần 2.656 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận để lại lũy kế các năm trước và lợi nhuận năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Ngày 18/9 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (Đại hội đồng cổ đông) bất thường nhằm bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VII (2020-2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông.
Cập nhật thông tin hoạt động kinh doanh hội viên hết Quý II/2023
Đến ngày 3/7/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,06% so với cuối năm 2022. Mặt bằng tỷ giá ổn định; thanh khoản hệ thống dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.; mặt bằng lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm; trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất đã được các ngân hàng triển khai. Toàn ngành cũng tiếp tục tiết giảm chi phí. Không ít tổ chức tín dụng chấp nhận giảm lợi nhuận để đồng hành với doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến nay đã có 25 ngân hàng có đủ điều kiện tăng vốn trong thời gian tới, tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%. 95% các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với những con số không mấy khả quan. Một số ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng dương về lợi nhuận trong quý 2/2023, trong khi phần lớn các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Biên lãi thuần thu hẹp, tín dụng thấp, trích lập dự phòng rủi ro là 3 lý do chính khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm. Nhóm các ngân hàng duy trì tăng trưởng dương gồm: VCB, BIV, Vietinbank, MB, VIB, Sacombank, MSB, OCB, NamABank, PGBank, SaigonBank. Cụ thể 1 số chỉ tiêu kết quả kinh doanh các ngân hàng như sau:
Vietinbank: Tổng tài sản đạt hơn 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với hồi đầu năm; Dư nợ tín dụng ở mức gần 1,36 triệu tỷ đồng tăng trưởng 6,6% so với cuối năm 2022. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9%, lên hơn 1,31 triệu tỷ đồng; thu nhập lãi thuần tăng 14,7% so với nửa đầu năm 2022, lên mức kỷ lục 25.424 tỷ đồng và chiếm gần 73% tổng thu nhập hoạt động; lợi nhuận trước thuế đạt 12.531 tỷ (tăng 8% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,24% lên mức 1,27% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 188% xuống còn 169%.
Techcombank: Lợi nhuận trước thuế đạt 5.649 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ; lũy kế nửa đầu năm đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (14.106 tỷ đồng). tổng tài sản đạt 732.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt đạt 8,5% và 6,6% so với đầu năm, CAR theo Basel II ở mức 15,1%. Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 381.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. CASA đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
BaoVietBank: Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 24,7 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 78.530 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 37.910 tỷ đồng, tăng 14,2%. Tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng hơn 12% đạt 46.395 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 58,3%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,34% cuối năm trước lên 4,69%. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi so với cuối năm trước từ 746 tỷ đồng lên hơn 1.523 tỷ đồng.
ABBank: Tổng tài sản đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng đến 30/6/2023 đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Huy động từ khách hàng sau 6 tháng đầu năm đạt 95.754 tỷ đồng, CAR cuối quý 2 đạt mức 11,37%, cao hơn so với mức yêu cầu tối thiểu 8%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 2,86%, các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 715 tỷ đồng. ABBank cũng đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
TPBank: Lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.383 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần giảm 6,8% xuống 5.466 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 1.499 tỷ đồng, có tỷ trọng đóng góp khá đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động (gần 20%). Chi phí dự phòng rủi ro giảm so với cùng kỳ, chỉ ở mức 683 tỷ (-51%). tổng tài sản đạt 343.407 tỷ đồng, tăng 4,5%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 10% trong 6 tháng lên 177.113 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 2,1% lên 199.127 tỷ đồng. Nợ xấu tăng lên 3.913 tỷ đồng, chiếm 2,21% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Sacombank: Lợi nhuận trước thuế đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng thu nhập thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động được kiểm soát dưới tiến độ theo kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ CIR đạt 47,8%, giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt hơn 622 ngàn tỷ, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%. Tổng huy động đạt hơn 549 ngàn tỷ, tăng gần 6%; trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%.
MSB: lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm. Đến 30/6/2023, tổng tài sản đạt hơn 237.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng qua đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% so với đầu năm, tiền gửi khách hàng tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ tăng ấn tượt với lần lượt 24% và 30%. NPL riêng lẻ tại 30/6/2023 được kiểm soát ở mức 1,73%..
BacABank: Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%. tổng tài sản đạt 135.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên 96.595 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên 105.366 tỷ đồng. Nợ xấu tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh 316% lên 175 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cũng thuộc nhóm dẫn đầu, đạt 158% tại ngày 30/6/2023. Trước đó, tỷ lệ này đạt tới 204% vào cuối năm 2023.
PGBank: Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24%. tổng tài sản đạt 46.986 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,1% xuống 31.228 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng tăng 12,7% lên 839 tỷ đồng, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng so với mức 2,56% hồi đầu năm.
LPBank: lợi nhuận quý 2/2023 ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ, giảm 32%. tổng tài sản đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126 tỷ. Nợ xấu LPBank tăng tới 65% trong 6 tháng lên 5.656 tỷ đồng. Trong đó, nợ có nợ nhóm 5 tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay từ mức 1,46% hồi đầu năm tăng lên 2,23% vào cuối tháng 6. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm, từ 142% xuống 78%.
VietABank: Tổng tài sản đạt 104.583 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 84.092 tỷ đồng, tăng 26,65% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 102,37% kế hoạch năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 66.669 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt 19 tỷ đồng, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước. Thu lãi thuần đạt 878,2 tỷ đồng, tăng 33,23% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu là 2,6%, tuân thủ quy định của NHNN. Lợi nhuận trước thuế đạt 523 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
HDBank: Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 483.936 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 430.123 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%; tổng dư nợ đạt 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.484 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ và nối mạch tăng trưởng 10 năm liên tiếp. ROE đạt 22,01%, duy trì vị thế ở nhóm đầu trên thị trường. CAR đạt tới 12,3%. LDR chỉ ở mức 70,96%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn 85% quy định. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 11,2%, chưa tới 1/3 so với giới hạn 34% quy định hiện hành..Đầu tháng 7 vừa qua HDBank công bố đã hoàn tất việc triển khai toàn diện Basel III.
MB: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý 2/2023 đạt 6.223 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất đạt 12.735 tỷ, tăng 7%. Với kết quả này, MB đứng thứ 3 trong hệ thống về lợi nhuận, sau BIDV (13.862 tỷ), Vietcombank (20.499 tỷ) và đứng trước VietinBank (12.531 tỷ). Với riêng ngân hàng mẹ MB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 11.950 tỷ đồng, tăng 11,7%.
NCB: Luỹ kế 6 tháng, Lợi nhuận trước thuế đạt 14 tỷ đồng.Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản ở mức 84.616 tỷ đồng, giảm 5,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,1% lên 48.246 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,4% xuống 70.381 tỷ.
Vietcombank: Lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt lần lượt 20.499 tỷ đồng và 16.420 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. tổng tài sản dừng ở mức hơn 1,704 triệu tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ so với hồi đầu năm, tương đương giảm hơn 6%. Nguyên nhân chính khiến quy mô tài sản Vietcombank sụt giảm đến từ sự thu hẹp của các khoản Chứng khoán đầu tư (-39.300 tỷ), Tiền gửi tại NHNN (-36.127 tỷ) và Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (-27.231 tỷ đồng). Ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt nhất, với tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay được ghi nhận ở mức 0,8%. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 387%, cao nhất hệ thống.
BIDV: Tổng tài sản tăng 0,2% trong 6 tháng đầu năm và đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 7% lên hơn 1,6 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 4,9% lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,16% lên 1,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 153%. Tỷ lệ CASA khoảng 17%. Lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 13.000 tỷ đồng, vượt Techcombank
VPBank: Tín dụng hợp nhất tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, cao gấp gần 3 lần so với mức 4,7% của toàn ngành. Kết thúc quý 2, huy động từ tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng 28% so với cuối năm 2022, đạt gần 388 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank đạt 7.897 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do công ty con FE Credit bị lỗ nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt 5.162 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
OCB: Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Nhiều mảng kinh doanh có kết quả khả quan. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 5,8%, đạt 3.568 tỷ. Đặc biệt, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng tới 5 lần, đạt 111 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 332 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 167 tỷ. Dư nợ cho vay tăng 6,5% trong 6 tháng đầu năm và đạt 127.572 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 8,1% và đạt 110.455 tỷ đồng.
Eximbank: Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 chỉ đạt 535 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.405 tỷ, giảm 26%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1% trong nửa đầu năm và đạt 131.850 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8%, đạt 154.278 tỷ đồng.
VIB: Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, ROE đạt 29%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường về hiệu quả hoạt động. Tổng thu nhập hoạt động gần 10.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt gần 1.590 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu. Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ Thu nhập lãi tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.700 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang biến động, VIB vẫn duy trì NIM hiệu quả cao ở mức 4,7% nhờ tối ưu hóa nguồn vốn và các tài sản sinh lời tốt. tổng tài sản ghi nhận đạt gần 379 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng tín dụng tính đến hết quý 2 đạt gần 235.000 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,62% cuối quý 1/2023 về còn 2,45% tại thời điểm cuối quý 2/2023. VIB đã hoàn tất chi trả cổ tức 35% bao gồm 15% cổ tức tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu theo kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông trong quý 1.
SeABank: Tổng tài sản đạt hơn 245.206 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2022; Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.016 tỷ đồng. Tổng dư nợ hơn 161.889 tỷ đồng, tăng 5,15% so với thời điểm 31/12/2022. Tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức thấp 1,73% nhờ Ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tổng huy động vốn từ khách hàng lũy kế 6 tháng đạt 144.788 tỷ đồng, tăng trưởng 5,64% so với đầu năm, đến 30/06/2023 tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức quốc tế đạt gần 11.772 tỷ đồng quy đổi, tăng trưởng 26,15% so với cuối năm 2022. Tổng doanh thu trong nửa đầu năm đạt gần 12.109 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu đến từ các hoạt động kinh doanh truyền thống tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ; Doanh thu phí đạt 466 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí quý II/2023 tăng trưởng gấp 2 lần so với quý I/2023.
ACB: Quy mô tín dụng đạt hơn 434 nghìn tỷ, tăng 4.9% so với đầu năm. Riêng trong quý 2, tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện mạnh mẽ, ở mức tăng 5.5% tương đương gần 23 nghìn tỷ so với quý 1. Nợ xấu cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường, khi tăng lên 1.07% nhưng vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. Tỷ lệ CASA tuy còn thấp so với mức đầu năm nhưng đã có dấu hiệu tích cực khi tăng trở lại sau đợt giảm liên tục từ quý 2 năm 2022. Tỷ lệ CASA đã tăng lên 20.9% từ mức 19.8% tại cuối quý 1. Tỷ lệ LDR đạt mức 79% (dưới mức 85% so với quy định), Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 19%. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12.4%.
NamABank: Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản đạt quy mô hơn 200,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12,74% so với đầu năm). Nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng trưởng tốt đạt gần 151,197 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 16% so với đầu năm, hoàn thành 98% kế hoạch năm 2023); Dư nợ cho vay khách, đạt hơn 129,3 nghìn tỷ đồng (tăng 8,1% so với đầu năm, hoàn thành gần 98% so với kế hoạch năm 2023). Nợ xấu không nằm ngoài xu thế chung của ngành, hiện đang tăng nhẹ mức 2,7% (tuy nhiên nợ cần chú ý - nhóm 2 của Nam A Bank giảm hơn 21%). Lợi nhuận trước thuế đạt 1524,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023 (tăng gần 30,21% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 46% so với kế hoạch năm 2023).
BVBank: tổng tài sản tăng mạnh trở lại trong quý 2/2023, vượt qua mốc 80.000 tỷ, đạt 81.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. Tổng số dư huy động tại 30/06/2023 đạt hơn 74.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cuối năm 2022. CASA duy trì ổn định so với đầu năm, chỉ giảm nhẹ 0,95 điểm %. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức thấp 16,2% (so với mức 34% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), duy trì cơ cấu tài sản an toàn. Lợi nhuận trước thuế đạt 13 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu đạt 39 tỷ đồng.
Về hoạt động giao dịch và hợp tác
SCB chấm dứt hàng loạt hoạt động phòng giao dịch, trong hơn 1 tháng qua, SCB đã liên tiếp chấm dứt hoạt động 9 phòng giao dịch trên cả nước: phòng giao dịch Minh Khai - Chi nhánh Cống Quỳnh chấm dứt hoạt động từ ngày 14/7; phòng giao dịch An Đông Plaza - Chi nhánh Sài Gòn chấm dứt hoạt động từ ngày 21/7; phòng giao dịch Trần Quang Khải - Chi nhánh Tân Định chấm dứt hoạt động từ ngày 21/7. Trước đó, phòng giao dịch Hưng Dũng - Chi nhánh Nghệ An chấm dứt hoạt động từ 1/6; phòng giao dịch Thành Công - Chi nhánh Hai Bà Trưng và phòng giao dịch Quận 1 - Chi nhánh Cống Quỳnh cùng chấm dứt hoạt động từ 10/6. phòng giao dịch Bàu Cát - Chi nhánh Thống Nhất và phòng giao dịch Nhà Rồng - Chi nhánh Sài Gòn cùng chấm dứt hoạt động từ 30/6. phòng giao dịch Cô Giang - Chi nhánh Cống Quỳnh chấm dứt hoạt động từ ngày 7/7. SCB cho biết mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Techcombank thúc đẩy hợp tác tại hai nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á: Trong khuôn khổ diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore, Techcombank đã công bố hai thỏa thuận hợp tác quan trọng cùng cộng đồng doanh nghiệp Singapore, gồm Thỏa thuận cùng Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore và Thỏa thuận Hợp tác triển khai giải pháp Quản trị Nguồn vốn và Thanh khoản cho doanh nghiệp cùng các đối tác Kyriba SEA Pte, Deloitte Touche Tohmatsu Ltd, PwC…
HDBank triển khai toàn diện Basel III: Là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai toàn diện Basel III Reforms, từ tháng 7/2023, HDBank chính thức triển khai thành công chuẩn mực theo Basel III Reforms với sự tư vấn của Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam. Trước đó, từ giữa năm 2019, HDBank đã triển khai việc hoàn thiện và nâng cấp Basel III theo từng hạng mục, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống phương pháp luận, các chính sách, cơ cấu tổ chức và các công cụ tính toán khá phức tạp về quản lý rủi ro thanh khoản, quản lý rủi ro thị trường,… nhằm hướng đến triển khai theo các chuẩn mực này. HDBank đã sớm áp dụng tính toán 2 chỉ số thanh khoản là LCR - Tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio) và NSFR - Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio). Từ nền tảng đó, để triển khai áp dụng Basel III, HDBank đã chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nền tảng số hoá, công bố thông tin minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách... Việc triển khai toàn diện tiêu chuẩn Basel III Reforms cho thấy HDBank đang là một trong những ngân hàng tiên phong, áp dụng tiêu chuẩn hàng đầu về quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Cập nhật thay đổi nhân sự cấp cao và kỷ niệm ngày thành lập:
Về thay đổi nhân sự:
PGBank: Từ ngày 2/7, ông Nguyễn Phi Hùng chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025. Ngân hàng cũng bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Quyền Tổng Giám đốc, thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc theo điều lệ.
Ngày 20/7/2023, Hội đồng quản trị PG Bank đã nhận được Đơn xin từ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát và rút khỏi vị trí thành viên Ban Kiểm soát của ông Nguyễn Tuấn Vinh vì lý do cá nhân. Ông Vinh sẽ thôi làm Trưởng BKS của PG Bank từ ngày 31/7/2023 và việc thôi chức danh Thành viên BKS sẽ được Đại hội đồng cổ đông gần nhất thông qua. Đồng thời, PG Bank bổ nhiệm bà Dương Ánh Tuyết, thành viên chuyên trách BKS lên làm Trưởng ban từ ngày 31/7/2023.
LPBank: Hội đồng quản trị LPBank đã có Quyết định miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Tổng Giám đốc LPBank kể từ ngày 1/7/2023. Quyết định căn cứ theo Đơn xin thôi việc của ông Thành.
SeABank: Ngày 31/7/2023, Hội đồng quản trị SeABank đã ban hành Nghị quyết về việc bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc thường trực Lê Quốc Long đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng Giám đốc phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng kể từ ngày 1/8/2023.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị SeABank cũng ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận cho ông Loic Faussier thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 1/8/2023 vì lý do cá nhân.
Về kỷ niệm ngày thành lập: Ngày 4/7/2023 vừa qua, VietABank đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (4/7/2003 - 4/7/2023). Theo đó, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký đã thay mặt Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng gửi Thư chúc mừng các tân Lãnh đạo là Chủ tịch/Tổng Giám đốc của tổ chức hội viên và gửi Thư, tặng hoa chúc mừng các tổ chức hội viên nhân kỷ niệm ngày thành lập.