Thứ sáu, 22/11/2024
   

VNBA News: Bản tin công tác Hội viên tháng 5.2023

Trang tin Điện tử Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) xin đăng tải chi tiết nội dung Bản tin Hội viên VNBA tháng 5/2023 do Ban Công tác Hội viên xây dựng, tổng hợp nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh hoạt động của các tổ chức tín dụng hội viên.

Trang tin Điện tử Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) xin đăng tải chi tiết nội dung Bản tin Hội viên VNBA tháng 5/2023 do Ban Công tác Hội viên xây dựng, tổng hợp nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh hoạt động của các tổ chức tín dụng hội viên.

1. Cập nhật thông tin của các tổ chức tín dụng (TCTD) Quý 1/2023 về kết quả hoạt động:

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,75% so với cuối năm ngoái. Theo khảo sát tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I, (chiếm khoảng 75% tổng tài sản toàn hệ thống và không bao gồm Agribank), thu nhập hoạt động của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên với tốc độ không mạnh như trước, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản của các ngân hàng tăng 17% đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Trong đó có 17 ngân hàng ghi nhận quy mô tài sản tăng trên 10%; Tổng cho vay khách hàng của nhóm khảo sát tăng 4,1% so với cuối năm trước, con số của cùng kỳ năm trước là hơn 6,4%; Hơn 8,58 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 3,6% so với đầu năm; Lợi nhuận trước thuế giảm 3,5% so với quý I/2022 (lúc đó lợi nhuận các ngân hàng tăng 30% so với cùng kỳ); 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Cụ thể:

- Về TOI: các "ông lớn" Big4 quay trở lại vị trí Top 3 dẫn đầu về thu nhập từ kinh doanh với Vietcombank là quán quân (trước đó là VPBank), tiếp đó là BIDV và VietinBank với hai con số xấp xỉ nhau đều trên 17.000 tỷ đồng. Trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank dẫn đầu về TOI với hơn 12.300 tỷ đồng, mặc dù có giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. MB xếp sau đó với gần 12.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Góp mặt trong top 10 ngân hàng có TOI cao nhất là Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB, Techcombank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank. Trong 28 ngân hàng khảo sát có 8 ngân hàng ghi nhận TOI giảm so với cùng kỳ năm trước và 20 ngân hàng có TOI tăng. Những ngân hàng có TOI tăng mạnh nhất phải kể đến như NamABank (tăng 40%); Kienlongbank (tăng 34,5%); Sacombank (tăng gần 33%); SHB (tăng 32,2%)Bac A Bank (Tăng 24,5%);...

- Về tổng tài sản: BIDV là quán quân có tổng tài sản vượt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm trước. Đứng kế là Vietcombank, VietinBank với tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 đều đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 18% so với năm ngoái. TOP 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất còn có sự góp mặt của Techcombank, MB, Sacombank, ACB, SHB, HDBank và VIB. Nhóm các ngân hàng có quy mô tài sản dưới 100.000 tỷ đồng bao gồm NCB, Kienlongbank, Ngân hàng Bản Việt, PG Bank và Saigonbank.

- Về cho vay khách hàng: BIDV tiếp tục là quán quân về cho vay khách hàng với quy mô đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. VietinBank và Vietcombank xếp liên tiếp phía sau với quy mô cho vay đạt lần lượt hơn 1,3 triệu tỷ đồng và gần 1,2 triệu tỷ đồng. Trong nhóm ngân hàng cổ phần, MB là ngân hàng có số dư cho vay khách hàng lớn nhất (không tính SCB) với hơn 481.000 tỷ đồng, tăng 4,5%. Ngoài các ngân hàng nói trên, góp mặt trong Top 10 ngân hàng có số dư cho vay khách hàng lớn nhất phải kể đến Techcombank, VPBank, Sacombank, SCB, SHB (đều có quy mô cho vay trên 400.000 tỷ) và HDBank (quy mô đạt 288.529 tỷ). Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tăng trưởng cho vay âm gồm: ACB; VIB; Eximbank; Bac A Bank; ABBank; Vietbank và Saigonbank.

- Về tiền gửi khách hàng: BIDV vẫn nắm giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,49 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm. Vietcombank đã thay thế VietinBank ở vị trí á quân. Sacombank đang dẫn đầu khối tư nhân trong bảng xếp hạng với gần 478,79 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 5,3% so với đầu năm, MB ở vị trí thứ 5 với 445,41 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 0,4% so với đầu năm và tiếp theo sau là ACB (hơn 422,76 nghìn tỷ đồng), SHB (hơn 391,4 nghìn tỷ); Techcombank (387,3 nghìn tỷ); VPBank (331,18 nghìn tỷ); HDBank (249,8 nghìn tỷ).

- Về lợi nhuận trước thuế: VPBank, ngân hàng từng giành vị trí "quán quân" lợi nhuận quý I/2022 từ Vietcombank với mức lãi tăng đột biến 178% đạt trên 11.000 tỷ đồng thì nay lợi nhuận của ngân hàng đã giảm về 2.550 tỷ đồng, giảm 77%. Nguyên nhân của sự chênh lệch này một phần do trong quý I năm nay, VPBank không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước hợp đồng bancassurance (ghi nhận khoảng 5.000 tỷ đồng trong quý I/2022). Vietcombank giành lại vị trí quán quân lợi nhuận từ VPBank với hơn 11.200 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12,8% so với cùng kỳ. BIDV ghi nhận mức tăng trưởng gấp rưỡi về lợi nhuận, vươn lên giành vị trí thứ hai, MB ở vị trí thứ 3 với 6.512 tỷ đồng, còn con số lợi nhuận của VietinBank chỉ nhích nhẹ 2,7% so với cùng kỳ (5.980 tỷ đồng). 8 nhà băng đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý đầu năm. Mức giảm sâu nhất ghi nhận tại VietcapitalBank (giảm hơn 85%) đưa lợi nhuận trước thuế từ 174 tỷ đồng về còn 26 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận các ngân hàng này giảm so với cùng kỳ là gần 10.500 tỷ đồng;

- Về thanh toán không dùng tiền mặt: Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%; giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.

Thu nhap hoat dong cao nhat

 Tong tai san cao nhat

 Loi nhuan truoc thue cao nhat

 Cho vay khach hang nhieu nhat

 Tien gui khach hang cao nhat

 2. Thay đổi nhân sự cấp cao:

  • PG Bank: HĐQT đã bầu ông Oliver Schwatzhaupt, Thành viên HĐQT, Phó Trưởng ban Ủy ban Quản lý rủi ro của PG Bank làm Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 4/5/2023.
  • FE Credit: HĐTV cũng đã thông qua quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc từ ngày 4/5/2023. Trước đó, bà Nguyệt là thành viên Ban điều hành VPBank, giữ vị trí Giám đốc Khối Vận hành.
  • MB: Kể từ ngày 18/5/2023, ông Phạm Như Ánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc MB.
  • EVNFinance: bổ nhiệm ông Mai Danh Hiền, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc EVNFinance giữ chức Quyền Tổng Giám đốc. HĐQT EVNFinance cũng phê duyệt ông Mai Danh Hiền là nhân sự dự kiến được bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc sau khi được NHNN chấp thuận.
  • LOTTE Finance: Được sự chấp thuận của NHNN, ông Kong Sung Sik được chính thức bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của LOTTE Finance. Sự kiện này nằm trong kế hoạch kiện toàn công tác quản trị nội bộ doanh nghiệp và tiến đến giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ của LOTTE Finance.

3. LietvietPostBank và VietCapital Bank thay đổi tên viết tắt tiếng anh:

-Ngày 12/5/2023 NHNN ra Quyết định số 899/QĐ-NHNN cho phép Lienvietpostbank đổi tên viết tắt tiếng anh thành LPBank. Việc thay đổi tên và nhận diện thương hiệu của LPBank đánh dấu giai đoạn Ngân hàng chuyển mình, thay đổi toàn diện và mạnh mẽ sang giai đoạn mới.

-Ngày 26/5/2023, NHNN ban hành quyết định số 1001/QĐ-NHNN về việc đổi Tên viết tắt bằng tiếng anh của Ngân hàng VietCapital bank thành BVBank. Việc thay đổi tên viết tắt mới BVBank hoàn toàn phù hợp với tiêu chí ngắn gọn, dễ gọi, dễ nhớ, tạo sự thuận tiện trong việc gọi tên khi giao dịch với ngân hàng của khách hàng.

4. Về kế hoạch tăng vốn điều lệ:

- TPBank: NHNN vừa có văn bản chấp thuận việc TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của TPBank thông qua. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. Nguồn tiền dùng để tăng vốn là 6.199 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 2.102 tỷ đồng lấy từ lợi nhuận năm 2022, ngân hàng cũng trích 1.536 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 và 2.561 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần.

- Agribank và Vietcombank: NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Đồng thời trình Thủ tướng và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank thêm 17.100 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15. Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

- OCB: chuẩn bị phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Kế hoạch phát hành cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua ngày 28/4. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

- VIB:  sẽ phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP), với tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%. Nếu các đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của VIB tăng từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.

- SeABank: ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của SeABank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.633 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.903 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho Người lao động (ESOP). HĐQT cũng tiếp tục bầu ông Lê Văn Tần giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Nga giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực cùng các Phó Chủ tịch là bà Lê Thu Thủy và bà Khúc Thị Quỳnh Lâm. Đồng thời, Đại hội đã bầu 03 thành viên BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh - Trưởng ban, ông Nguyễn Thành Luân - Thành viên và bà Vũ Thu Thủy - Thành viên

5. Các giải thưởng vinh danh:

- Standard Chartered: được chứng nhận là “Nơi làm việc xuất sắc” năm 2023 bởi tổ chức quốc tế Great Place to Work. Giải thưởng danh giá này ghi nhận cam kết của ngân hàng trong việc mang đến một môi trường làm việc tích cực và hòa đồng tại Việt Nam. Chứng nhận “Nơi làm việc xuất sắc” dành cho Standard Chartered ghi nhận nỗ lực của ngân hàng trong việc mang đến một môi trường làm việc và văn hóa đề cao sự đa dạng và hòa đồng.

- MSB : đạt danh hiệu ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu do HHNH phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) trao tặng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp MSB được vinh danh tại hạng mục này.

- Vietcombank: được Ban Tổ chức Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2023 vinh danh và trao 03 giải thưởng quan trọng: “Ngân hàng Bán lẻ tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng Chuyển đổi số tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023”.

- LPBank: được ControlCase (tổ chức toàn cầu chuyên đánh giá chất lượng bảo mật quốc tế có trụ sở tại Mỹ) trao chứng chỉ tiêu chuẩn bảo mật quốc tế PCI-DSS phiên bản 3.2.1 cho hệ thống thanh toán thẻ và tiêu chuẩn bảo mật CSP cho hệ thống SWIFT cho LPBank. PCI-DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) là tiêu chuẩn bảo mật được xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council) gồm các thành viên: Visa, MasterCard, American Express, Discover Financial Services, JCB International. Tiêu chuẩn bảo mật PCI-DSS phiên bản 3.2.1 giúp bảo đảm an ninh cho dữ liệu của thẻ thanh toán khi được xử lý và lưu trữ tại các ngân hàng, doanh nghiệp thanh toán điện tử và được áp dụng trên toàn cầu.

- Techcombank: được vinh danh vị trí Top 1 “Nơi làm việc xuất sắc nhất Việt Nam 2023” cho hạng mục doanh nghiệp lớn, do Great Place to Work công bố tháng 5/2023.

- Vietbank: nhận giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023" đối với những đóng góp của Vietbank cho các hoạt động an sinh xã hội thiết thực, giàu ý nghĩa và bền vững trong suốt thời gian qua do VNBA phối hợp với Tập đoàn IDG Việt Nam tổ chức.

- Eximbank:  tiếp tục được hãng Refinitiv vinh danh trong năm 2023 trong khuôn khổ buổi lễ LSEG FX Awards 2023 - căn cứ vào thống kê giao dịch của gần 30 Ngân hàng trong nước và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam trên hệ thống giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng (FX Matching) trong năm 2022.

6. Techcombank bán tòa nhà Hội sở cũ tại 191 Bà Triệu: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của Techcombank cho thấy ngân hàng ghi nhận lãi từ hoạt động khác tăng tới 116% so với cùng kỳ và đạt 1.057 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập đột biến đến từ việc bán bất động sản đầu tư của ngân hàng. Thu nhập từ bán bất động sản đầu tư quý 1/2023 đạt 1.775 tỷ đồng và chi phí bán bất động sản đầu tư  là 1.044 tỷ. Techcombank đã ghi nhận khoản lãi 730 tỷ đồng từ việc bán toà nhà Hội sở cũ Techcombank Tower ở Bà Triệu trong quý 1 năm nay. Năm 2023, Techcombank đã chính thức chuyển trụ sở chính về địa chỉ mới số 6 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

7MB Group và SBI Shinsei Bank (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn đối với Ngân hàng đại chúng TNHH MB Campuchia (MBCambodia): MB Group sẽ nắm giữ 51% cổ phần tại MBCambodia và chuyển nhượng 49% còn lại cho SBI Shinsei Bank (Nhật Bản). Quá trình mua lại cổ phần sẽ được hoàn tất sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý tại Campuchia và Việt Nam.

8. Agribank ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động: Agribank đã nghiên cứu thành công và chuẩn bị triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào chuyển đổi số trong giao dịch tại quầy, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các dịch vụ ngân hàng của Agribank. Khi đến quầy giao dịch của Agribank, khách hàng đưa căn cước công dân gắn chip cho giao dịch viên. Nhân viên ngân hàng đọc thông tin từ căn cước công dân của khách hàng trên thiết bị đọc được ngân hàng trang bị, đồng thời kết nối với C06 để xác định các thông tin trên căn cước công dân với căn cước gốc được lưu dữ liệu tại Bộ Công an. Nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin căn cước công dân và các phần mềm hỗ trợ liên quan theo quy trình kể trên, khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch một giao dịch bất kỳ tại quầy giao dịch của ngân hàng, trong khi đó với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào. Thời gian qua, Agribank đã triển khai Dự án Agribank Digital. Đây là Dự án đầu tư trang bị giải pháp phần mềm và thiết bị phần cứng nhằm ứng dụng ngân hàng số phục vụ khách hàng tự động của Agribank.

9. Về tình hình lãi suất ngân hàng cuối tháng 5/2023:

Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động và đồng thuận giảm lãi suất cho vay:          

- Hầu hết các ngân hàng đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5 – 4,8 điểm % như Ngân hàng Bản Việt, SeABank, LPBank, TPBank. Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 34 ngân hàng sáng ngày 31/5, lãi suất cao nhất mà các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng là 8,3%/năm. Mức lãi suất này hiện đang được GPBank niêm yết cho hình thức gửi tiền online. Sau GPBank lần lượt là ABBank (8,2%), NCB (8,1%), HDBank (8,1%), VietABank (8%), OCB (8%), Nam A Bank (8%). Mức lãi suất 7,7 – 7,8%/năm đang được nhiều ngân hàng vừa và nhỏ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng như VIB, SCB, VietBank, PVCoM Bank, Bao Viet Bank,…  nhóm các ngân hàng tư nhân lớn có sự chênh lệch lớn về lãi suất tại kỳ hạn 6 tháng: VPBank đang huy động lãi suất 7,8% cho kỳ hạn này, ACB là 7,4%, Techcombank là 7,2%, Sacombank là 6,8% và MB là 6,6%. VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank hiện đang có lãi suất huy động tại kỳ hạn 6 tháng thấp nhất thị trường, ở mức 5,5%/năm cho hình thức gửi tiền tại quầy. Đối với hình thức gửi tiền online, mức lãi suất áp dụng có thể cao hơn 0,3 – 0,5 điểm %. Mặt bằng lãi suất huy động đã hạ nhiệt so với mức cao điểm thiết lập vào giữa tháng 1, nhưng tại một số ngân hàng vẫn ghi nhận tình trạng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn kỳ hạn dài. Một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng ngang ngửa lãi suất kỳ hạn 36 tháng như VietBank, BaoVietBank, VietABank, Saigonbank.

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động cao nhất là 8,5%/năm, được áp dụng tại ngân hàng GPBank. Một số khác niêm yết trên mức 8%/năm có thể kể đến HDBank, OCB, ABBank, VIB, NCB,… Tại các kỳ hạn trên 12 tháng, GPBank cũng đang là ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này, niêm yết 8,6%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online. Xếp sau là ABBank và VietCapitalBank cùng niêm yết 8,5%/năm.

Nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ đầu tuần tới. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.

CTHV - VNBA News

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay