Thứ tư, 22/01/2025
   

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lấy ý kiến Hiệp hội Ngân hàng về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Ngày 24/8/2022, tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhằm khảo sát, lấy ý kiến về báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch Điện tử (sửa

Ngày 24/8/2022, tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhằm khảo sát, lấy ý kiến về báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch Điện tử (sửa đổi)

>Hiệp hội Ngân hàng làm việc với nhóm công tác của Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính

Hiệp hội Ngân hàng họp góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng

Tham dự buổi làm việc, về phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có: ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban;  bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực; ông Lê Hoàng Hải, Ủy viên chuyên trách; ông Nguyễn Hà Thanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội) cùng các cán bộ, chuyên gia của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có: Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc; Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin. 

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, có: Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng; Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia; Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; 

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký; Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ VietFintech; đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cùng các cán bộ, lãnh đạo Ban của Cơ quan Thường trực; đại diện một số ngân hàng thương mại là hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

Hop UBCN Tran PhuongTuan

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường . Ảnh: Minh Ngọc

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, sau 16 năm Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/3/2006), dù đã có những kết quả nhất định trong cuộc sống nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong buối cảnh hiện nay công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Buổi làm việc của đoàn công tác nhằm trực tiếp lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản ánh về các vướng mắc của Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại trong quá trình thực thi Luật Giao dịch điện tử. Từ đó có đa dạng thông tin, ý kiến để đưa vào báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch Điện tử (sửa đổi), dự kiến trình thẩm tra dự án Luật này vào ngày 12/9 tới.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ cảm ơn chân thành tới đoàn công tác đã có buổi làm việc để trực tiếp lắng nghe những phản ánh, góp ý của Hiệp hội Ngân hàng (đại diện bảo vệ quyền lợi cho các hội viên là các tổ chức tín dụng, công ty fintech – đối tượng chịu tác động trực tiếp và rất lớn của Luật Giao dịch điện tử). Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đây là dự án luật hết sức quan trọng đối với ngành ngân hàng và hoạt động của hệ thống ngân hàng. Luật Giao dịch điện tử là cơ sở pháp lý cao nhất để các ngành lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng phát triển và ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, ngành ngân hàng đã tiên phong, đẩy mạnh chuyển đổi số, chấp nhận rủi ro để “đi trước một bước” ứng dụng những thành tựu công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hop UBCN Pham Tien Dung

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Minh Ngọc

Báo cáo với đoàn công tác tổng hợp những kiến nghị từ các hội viên, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp đã cho thấy một số quy định tại Luật giao dịch điện tử 2005 phát sinh rất nhiều vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn thị trường, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ngành ngân hàng thời gian qua luôn tiên phong, dẫn đầu trong quá trình ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường đã gặp rất nhiều khó khăn, làm hạn chế hiệu quả hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong thực hiện nghiệp vụ ngân hàng điện tử của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay, trong đó vướng mắc lớn nhất là do hạn chế, bất cập của Luật Giao dịch điện tử 2005, tập trung ở một số điểm lớn về chữ ký điện tử; hợp đồng điện tử; lưu trữ điện tử… Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa có quy định rõ, cụ thể đối với vấn đề định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), gây khó khăn trong các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.

Hop UBCN Nguyen quoc hung

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Minh Ngọc

Để các ngân hàng có đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo an toàn khi thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế dựa trên các hợp đồng/chứng từ có sử dụng chữ ký số/chứng từ số nước ngoài, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị ban soạn thảo bỏ nội dung yêu cầu về kết nối hệ thống kỹ thuật của Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia khi kiểm tra hiệu lực của chữ ký điện tử nước ngoài. Đồng thời nên giao Chính phủ hướng dẫn về các nội dung “độ đảm bảo an toàn tương đương” hoặc “tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận”.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, Luật Giao dịch điện tử quy định về Hợp đồng điện tử và trên thực tế hợp đồng điện tử được áp dụng để giao kết rộng rãi. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm chưa có quy định hướng dẫn các hoạt động này cho loại hình Hợp đồng điện tử dẫn đến hạn chế các bên trong quá trình lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Chính vì thế đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ xung thêm điều khoản nguyên tắc về công chứng, chứng thực, đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và là cũng là căn cứ để sửa đổi bổ sung luật công chứng hoặc các văn bản pháp lý liên quan đến công chứng.

Hop UBCN vu ngoc lan

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN). Ảnh: Minh Ngọc

Đồng tình và đánh giá cao chất lượng các ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành (Điều 8 dự thảo) để không chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời cần rà soát lại một số Luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Lưu trữ… để thống nhất, đồng bộ các nội dung (về con dấu, lưu trữ…) quy định trong dự thảo luật. Liên quan vấn đề chữ ký điện tử, hơp đồng điện tử, đại diện Vụ Pháp chế cũng đề nghị dự thảo luật cần có những quy định đặc thù cho ngành ngân hàng để vừa thông suốt trong hoạt động nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật an toàn hệ thống.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN đã có báo cáo góp ý chi tiết, đầy đủ tới Ban soạn thảo dự án Luật và cho rằng, việc xây dựng Luật cần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Cần có cách tiếp cận phù hợp với thực tế, làm căn cứ để các Bộ, ngành ban hành Nghị định, Thông tư… Đối với việc áp dụng chữ ký điện tử, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị cần xem xét làm rõ là cần “đăng ký” hay “thông báo” với cơ quan quản lý nhà nước, bởi việc “đăng ký” thì sẽ cần phải cấp phép. Ngoài ra không nên áp dụng quy định bất cứ giao dịch nào cũng cần chữ ký điện tử mà nên căn cứ trên mức độ rủi ro, theo giá trị của các giao dịch. “Mua chai nước, vé xe buýt với giá trị nhỏ thì không nên áp dụng như các quy định có giá trị lớn”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng bày tỏ.

Tại buổi làm việc, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng và đại diện  Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TPBank (là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng) đã nêu một số khó khăn vướng mắc hiện nay các ngân hàng đang gặp phải, cũng như kiến nghị/đề xuất một số giải pháp liên quan, trong đó có các nội dung về chữ ký số, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử…. Đại diện các ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn quy định về chữ ký điện tử và chữ ký số để tránh nhầm lẫn trong quá trình triển khai khi Luật được ban hành.

Hop UBCN Nguyen huy dung

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Minh Ngọc

Tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Ban soạn thảo đã nhận được 27 ý kiến rất sâu sắc, chi tiết của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Trong đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu 17 ý kiến đóng góp, 8 ý kiến khác cần phải thảo luận, trao đổi thêm để làm rõ một số nội dung và 2 ý kiến nằm ngoài phạm vi của Ban soạn thảo. Theo ông Dũng, Luật Giao dịch điện tử này chỉ là “luật khung” và sẽ phải kết hợp với Luật chuyên ngành khác bởi các giao dịch điện tử ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có sự khác nhau.

Hop UBCN hop2

Quang cảnh buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những góp ý của Hiệp hội Ngân hàng, các nội dung góp ý gần như là “khung sườn” của báo cáo thẩm tra dự án luật sắp tới. Ông Tuấn cũng cho rằng các khái niệm, thuật ngữ trong dự thảo luật cần phải rõ ràng, dễ hiểu để làm sao khi Luật ban hành sẽ phổ cập tới đa số người dân. Ông Tuấn cho biết thêm, sau khi tổng hợp ghi nhận các ý kiến của các cơ quan, ban ngành, hội…. thì sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu để làm rõ thêm các nội dung của dự thảo luật và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

MH- BBT

Xem thêm: Tọa đàm góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay