Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, với lợi nhuận trước thuế tăng 37% so với cùng kỳ, đạt gần 2,165 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro.
Riêng quý 2, hoạt động chính của TPBank tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, thu được 3,035 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi đều tăng so cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 65%, thu gần 681 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hoạt động thanh toán gần 774 tỷ đồng, gấp 2.5 lần. Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu lãi tăng 12%, đạt hơn 179 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tăng 69%, đạt gần 403 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi từ hoạt động khác gấp 4 lần cùng kỳ, thu hơn 218 tỷ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro hơn 310 tỷ đồng, gấp 4 lần.
Quý 2/2022, TPBank trích lập hơn 645 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ 5%, do đó Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 2,165 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TPBank dành ra gần 1,401 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 40%. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 3,788 tỷ đồng, tăng 26%. Nếu so với kế hoạch 8,200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm, TPBank đã thực hiện được 46% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản TPBank tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 310,772 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 20% (còn 14,590 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác giảm 26% (26,523 tỷ đồng), cho vay khách hàng chỉ tăng 7% (151,083 tỷ đồng)…
Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức 156,337 tỷ đồng; tiền gửi của các TCTD khác giảm 17% (44,097 tỷ đồng)…
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2 của TPBank là 1,285 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 51%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0.82% lên 0.85%.