Ngày 5/7, tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã tiếp, làm việc với ông Gal Saf, Tham tán – Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại (Đại sứ quán Israel tại Việt Nam), thảo luận về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính (fintech). Tham dự còn có lãnh đạo các ban, đơn vị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như điểm lại những kết quả, thành tựu mà Hiệp hội đã đạt được trong thời gian qua.
Nhấn mạnh vai trò chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết Việt Nam đã và đang bắt nhịp công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có ngành ngân hàng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực fintech có những vấn đề rất mới mẻ nên vẫn đang thiếu hành lang pháp lý. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét cho phép cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Ngoài ra, các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng như cho vay, xử lý nợ… cũng cần tiếp tục được hoàn thiện phù hợp hơn.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tiếp, làm việc với ông Gal Saf, Tham tán - Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại (Đại sứ quán Israel tại Việt Nam)
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, buổi làm việc hôm nay là cơ hội để ông Gal Saf, Tham tán Thương mại chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn ở Israel nhằm giúp các tổ chức tín dụng, hội viên của Hiệp hội Ngân hàng tham khảo, học tập kinh nghiệm, trong đó có lĩnh vực P2P lending (cho vay ngang hàng), eKYC (định danh điện tử khách hàng)…, cũng như những vấn đề liên quan tới hoạt động cho vay qua mạng (app). Ngoài ra, vấn đề xử lý nợ xấu cũng được các ngân hàng rất quan tâm, để từ đó Hiệp hội Ngân hàng có những đề xuất, tham vấn chính sách kịp thời tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, cần có những hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực fintech, từ đó các tổ chức tín dụng rút ra những bài học, kinh nghiệm, triển khai hiệu quả công cuộc chuyển đổi số. Thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng cũng dự kiến sẽ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các công ty fintech khác tổ chức một số hội thảo, tọa đàm, đồng thời truyền thông rộng rãi trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Trang tin điện tử VNBA và các cơ quan báo chí, truyền thông… nhằm kiến nghị tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về cơ chế chính sách, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức hội viên. Hiệp hội Ngân hàng cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, Chủ nhiệm CLB Fintech Nguyễn Đăng Hùng cùng lãnh đạo các ban, đơn vị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với ông Gal Saf, Tham tán - Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại và cán bộ thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ nhiệm CLB VietFintech đã giới thiệu sơ lược về hoạt động của CLB. Theo đó, hiện nay CLB VietFintech có hơn 40 hội viên, hoạt động dưới sự hỗ trợ của VNBA và có nhiệm vụ chính là đóng góp ý kiến xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động của các công ty Fintech, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hợp tác cùng phát triển. Các lĩnh vực hoạt động chính của các thành viên CLB Fintech chủ yếu là thanh toán điện tử (e-payment), P2P Lending, blockchain, eKYC, open API. Với những thế mạnh trong lĩnh vực startup, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Israel, ông Nguyễn Đăng Hùng cho rằng triển vọng hợp tác giữa các công ty công nghệ của Việt Nam và Israel là rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang thúc đẩy tài chính toàn diện.
Bày tỏ sự đồng tình với những chia sẻ từ phía Hiệp hội Ngân hàng, ông Gal Saf, Tham tán Thương mại cho biết, Israel đã chuyển đổi số ngành Ngân hàng cách đây hơn 20 năm và ngành Ngân hàng cũng đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, được hỗ trợ tích cực từ chính phủ. Phía Israel cũng đã có một số hợp tác với các ngân hàng Việt Nam như Agribank, VietinBank, BIDV, TP Bank… nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hiện Israel có hệ sinh thái khoảng hơn 600 công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có thể giải quyết những khó khăn của các ngân hàng, trong đó có lĩnh vực an ninh bảo mật cho ngân hàng. Ông Gal Saf nhận định, có nhiều vấn đề hiện nay có lẽ chưa phù hợp triển khai tại Việt Nam như P2P lending, vay qua app… bởi đang thiếu hành lang pháp lý.
Ông Gal Saf cho biết thêm, trong thời gian tới, phía Israel sẽ tổ chức đoàn công tác tới Việt Nam, gồm những lãnh đạo cao cấp các ngân hàng lớn, các doanh nghiệp công nghệ để cùng gặp gỡ, làm việc với một số ngân hàng Việt Nam. Đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, giới thiệu về các công nghệ mới của Israel trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Phía các doanh nghiệp Israel cũng quan tâm tới lĩnh vực Mobile Money mà theo ông Gal Saf, Việt Nam đang có tiềm năng trong lĩnh vực này. Ông Gal Saf cũng bày tỏ mong muốn và trân trọng gửi lời mời tới Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc tại Israel nhằm trực tiếp tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong tương lai gần.
Ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của ông Gal Saf, Tham tán thương mại Israel, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hai bên tiếp tục có những buổi làm việc, trao đổi cụ thể về nội dung, chương trình xúc tiến hợp tác để từ đó triển khai nhiều hoạt động thiết thực về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là fintech. Phía Hiệp hội Ngân hàng sẽ có văn bản gửi các tổ chức hội viên về chương trình hợp tác cũng như các kế hoạch mà hai bên dự kiến triển khai trong thời gian tới.
BBT