Ngày 17/8/2022, Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho công ty tài chính tiêu dùng. Đồng thời có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho vay tiêu dùng.
Tham dự cuộc họp có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng cùng đại diện 11 công ty tài chính tiêu dùng là thành viên của Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhắc lại vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay và cho rằng phát triển tài chính tiêu dùng là một định hướng lớn nhằm hướng tới nhóm khách hàng yếu thế, từng bước góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trong đời sống người dân.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu. Ảnh: Tạ Dũng
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho công ty tài chính tiêu dùng, ổn định thị trường cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính cần thống nhất lãi suất cho vay ở mức phù hợp, tăng cường quản trị để tiết giảm chi phí, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho các bộ nhân viên cho vay và thu hồi nợ, xây dựng phương án quản trị rủi ro phù hợp. Ngoài ra, CLB Tài chính tiêu dùng cũng cần nâng cao vai trò, vị thế của mình, hoạt động vì lợi ích người dân, cộng đồng.
Để giúp hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng ổn định, phát triển lành mạnh, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét có cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp theo tính chất, đặc thù của công ty tài chính tiêu dùng và xem xét quy định tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính tiêu dùng ở mức phù hợp chứ không “áp” theo tiêu chuẩn của ngân hàng bởi đối tượng khách hàng của công ty tài chính và ngân hàng khác nhau.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng cho biết, tính đến 30/6/2022, dư nợ của nhóm công ty tài chính tiêu dùng đạt hơn 200.000 tỷ đồng, vẫn còn “khiêm tốn” so với dư nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của toàn ngành ngân hàng. Chính vì thế, các công ty tài chính cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lấy khách hàng là trung tâm để các nhóm khách hàng “yếu thế” tiếp cận được nguồn vốn.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng. Ảnh: Tạ Dũng
Theo ông Ninh, nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân hiện nay rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và những tháng cuối năm. Tuy nhiên, hiện “room” tín dụng của hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều đã “cạn” nên khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, nguy cơ phải tìm đến “tín dụng đen”.
Ông Ninh cho biết thêm, hiện các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã nỗ lực chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí để tăng khả năng cho vay. Ông Ninh đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng công ty tài chính bởi hiện nay, dư nợ của nhóm công ty tài chính tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. “Hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng góp phần giúp đỡ người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen”, ông Ninh cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các công ty tài chính tiêu dùng đã nêu lên những khó khăn, bất cập trong hoạt động cũng như những kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, ổn định.
Đại diện công ty SHB Finance, FCCOM cho rằng, các công ty tài chính đang phải cạnh tranh “không bình đẳng” với các tiệm cầm đồ, “công ty tài chính” phi chính thức khác do vướng những quy định pháp luật, cơ chế chính sách, gặp khó khăn trong hoạt động quảng bá thương hiệu, treo biển, băng rôn…tại các điểm giới thiệu dịch vụ; vấn đề giải ngân cho bên thứ 3 và tỷ lệ giải ngân theo quy định (Thông tư 18/2019/TT-NHNN)
Đại diện SHB Finance. Ảnh: Tạ Dũng
Đại diện công ty VietCredit cho rằng xu hướng chuyển đổi số là tất yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tuy nhiên điều này cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các công ty tài chính. Vì vậy rất cần tăng “room” tín dụng để các công ty tài chính có thêm nguồn lực gia tăng khách hàng và doanh thu, mở rộng cho vay đối với nhóm khách hàng yếu thế theo các chương trình, chủ trương của Nhà nước. Đại diện Viet Credit kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có hạng mục đối với công ty tài chính. Đồng thời cũng kiến nghị xem xét các quy định về phát triển mạng lưới của các công ty tài chính tiêu dùng theo đặc thù, tính chất khách hàng chứ không “áp” theo tiêu chuẩn của ngân hàng.
Đại diện Lotte Finance Vietnam bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận nguồn dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, “truy vết” khách hàng thuận tiện hơn, tránh phát sinh nợ xấu do đặc thù khách hàng của công ty tài chính.
Đại diện các công ty HD SaiSon, Home Credit đồng tình với các kiến nghị điều chỉnh “room” tín dụng cho công ty tài chính và cho rằng cần có quy định tỷ lệ nợ xấu riêng cho các công ty tài chính căn cứ trên tính chất, đặc thù khách hàng.
Đại diện công ty VietCredit phát biểu ý kiến. Ảnh: Tạ Dũng
Kết luận cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến rất xác đáng của đại diện các công ty tài chính tiêu dùng, đồng thời đề nghị các công ty tài chính tiêu dùng cần có báo cáo đầy đủ thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay (nhu cầu vốn, lãi suất…) để kiến nghị với các cơ quan chức năng, từ đó giúp các công ty tài chính có giải pháp quản trị hoạt động cho vay, từng bước góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao sáng kiến của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng về xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, ứng dụng công nghệ phát hiện và chống Fraud (hệ thống phòng chống gian lận) để các thành viên Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng tham gia.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cần sinh hoạt thường xuyên hơn, thống nhất chương trình hành động (cho vay, lãi suất…), tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm góp ý chính sách, tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong hoạt động, đồng thời cần truyền thông rộng rãi tới người dân hiểu đúng về hoạt động của công ty tài chính, từng bước nâng cao vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân.
BBT