Phát biểu tại tọa đàm, ông Jinchang Lai - Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng tài chính, bộ phận tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFC cho biết, tại các nước phát triển việc cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu bởi bên thứ ba phát triển rất mạnh, trong đó cung cấp rất nhiều định dạng dữ liệu khác nhau và chủ yếu cung cấp cho các tổ chức chức tài chính.
Trong bối cảnh chuyển đối số của Việt Nam có tỷ lệ thấp hơn so với các nước có mức tương đồng, để mạnh phát triển dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Việt Nam đạt mức 80% thì cần thiết phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu bởi bên thứ ba. Từ đó, dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu bởi bên thứ ba có thể cung cấp các thông tin chuyên sâu, với việc áp dụng xử lý các tập dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ máy học hoặc AI để giúp khai phá dữ liệu nhằm đạt được thông tin chính xác, hiệu quả phục vụ cho các hoạt động.
Vì vậy, Việt Nam cần phải thúc đẩy phát triển hạ tầng tài chính, lấy dữ liệu là yếu tố trung tâm và áp dụng các mô hình phân tích dữ liệu của bên thứ ba. Đồng thời tăng cường tương tác trao đổi về phát triển dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu chuyên sâu. Bởi việc quản trị và điều hành của các tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp hiện nay cần phải đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Theo đó, một hệ sinh thái dữ liệu được vận hành quy tụ những người tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến dữ liệu như tạo lập, tích lũy, xử lý, trao đổi, khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quân - Ủy viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số rất nhanh. Theo đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra rất nhiều văn bản, trong đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng luôn đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh theo lộ trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cụ thể, gần đây nhất, với Quyết định 810/QĐ-NHNN vào năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đã có khoảng 50% dữ liệu dịch vụ ngân hàng được cung cấp trên nền tảng số, với nhiều tiêu chí khác nhau trong các mô hình chuyển đổi số tại các Ngân hàng Thương mại. Nhờ đó, hiện Việt Nam đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại đang vượt trội trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số dựa trên nền tảng dữ liệu Căn cước công dân, phòng chống rửa tiền, phòng ngừa rủi ro,… Bởi các hạn chế trong quản trị rủi ro bắt buộc các ngân hàng phải có cơ chế thu thập dữ liệu rất sớm với các trụ cột cụ thể để sử dụng trong phân tích nâng cao nhằm sớm đưa ra các dự báo để phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 50/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng đã "luật hóa" Quyết định 2345/QĐ-NHNN, với nhiều quy định bao gồm cả việc thu thập sinh trắc học để bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn, giúp làm sạch dữ liệu cá nhân đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa rủi ro và phòng chống gian lận.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng bắt buộc phải chuyển đổi số mạnh mẽ để gia tăng chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải phát triển dịch vụ dữ liệu, với các mô hình phân tích dữ liệu kết hợp AI, để giúp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Lãnh đạo TPbank cho biết, việc thúc đẩy phát triển dữ liệu và phân tích trong nội bộ ngân hàng thương mại cần 5 mô hình cơ bản, như: (1) Quản lý tín dụng; (2) Phân tích hành vi của khách hàng; (3) Nhận diện gian lận để phòng chống gian lận; (4) Thu thập dữ liệu để phục vụ cho tự động hóa tại ngân hàng; (5) Sử dụng dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ tuân thủ, như Basel II, Basel III,… Ông Nguyễn Hồng Quân cũng gợi mở về các loại hình dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu được cung cấp bởi bên thứ ba cho các ngân hàng do nhiều ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn trong phân tích dữ liệu nâng cao kết hợp với AI, cụ thể như: Dịch vụ dữ liệu và phân tích liên quan đến vĩ mô như phân tích ngành, phân tích tệp doanh nghiệp kết hợp với sử dụng AI để đưa ra các đánh giá dự báo vĩ mô và dự báo về doanh nghiệp,… Trong đó, phải xét đến tất cả các yếu tố dữ liệu tác động liên quan đến dự báo, bảo hiểm, y tế, điện nước, thời tiết, môi trường kinh doanh,…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Quân còn gợi mở thêm về các loại hình dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu được cung cấp bởi bên thứ ba, như: Dịch vụ chấm điểm tín dụng của bên thứ ba; Dịch vụ kiểm định và đánh giá các mô hình đang được áp dụng tại các ngân hàng thương mại,… Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Quân cũng nhấn mạnh việc cần đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam về các dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu được cung cấp bởi bên thứ ba. Đồng thời, năng lực bảo mật của bên thứ ba cũng phải được đảm bảo.
Trình bày tại tọa đàm, ông Vishnu Bhan - Giám đốc sáng kiến Techcombank, đã giới thiệu một sản phẩm dịch vụ về giải pháp quản trị nguồn vốn và thanh khoản C-Cash dành cho doanh nghiệp. Đây là sản phẩm được chính Techcombank phát triển dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu chuyên sâu kết hợp với AI, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý toàn diện, với các tính năng luôn được ngân hàng cập nhật và phát triển thêm.
Đại diện Techcombank cho rằng, việc sử dụng C-Cash, sẽ mang lại cho doanh nghiệp các lợi ích như: Nâng cao năng lực quản trị nguồn vốn cho doanh nghiệp với bộ giải pháp ngân hàng toàn diện từ Techcombank. Đồng thời, giúp doanh nghiệp quản trị tập trung trên một nền tảng với dữ liệu đa ngân hàng tích hợp và an tâm với dữ liệu được bảo mật theo tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp sử dụng C-Cash sẽ giúp quản trị mọi lúc, mọi nơi với ứng dụng di động và hỗ trợ đa ngôn ngữ. Cùng với đó là các quy trình của doanh nghiệp được tự động hoá, tích hợp hệ thống với Techcombank/ERP, giúp tải dữ liệu dễ dàng từ các ngân hàng khác. Doanh nghiệp đăng ký tham gia C-Cash cũng rất dễ dàng, chỉ cần ký kết 01 hợp đồng với tất cả đối tác cung cấp dịch vụ. Sau khi doanh nghiệp ký hợp đồng khoảng từ 03 đến 12 tuần là đã có thể sẵn sàng sử dụng C-Cash và không phải tốn nhiều nguồn lực về công nghệ thông tin. Đặc biệt, doanh nghiệp còn được hỗ trợ toàn diện khi triển khai và vận hành, cùng với kiến thức nguồn vốn được tổng hợp dành riêng.
Theo đó, C-Cash cung cấp 3 phần chức năng chính là quản lý dòng tiền và thanh khoản, quản lý nguồn vốn và quản lý rủi ro. Trong đó, đối với quản lý dòng tiền và thanh khoản có 6 tính năng bao gồm: Tổng hợp trạng thái dòng tiền tự động (Báo cáo theo yêu cầu về trạng thái dòng tiền); Dự báo dòng tiền (Dự báo dòng tiền từ nhiều nguồn dữ liệu chỉ trên một nền tảng); Tổng hợp sao kê ngân hàng (Tổng hợp sao kê ngân hàng, giúp đối soát nhanh chóng với hệ thống nội bộ); Tập trung dòng tiền (Điều chuyển tiền linh hoạt giữa các tài khoản nhằm tối ưu lãi suất và thuận tiện sắp xếp lịch thanh toán); Tối ưu thanh toán (Tích hợp thanh toán giữa các hệ thống ERP hoặc giữa các công ty thành viên); Tích hợp ERP (Tổng hợp các nguồn cung dữ liệu phục vụ phân tích, dự báo dòng tiền và thanh toán).
Đối với chức năng quản lý nguồn vốn, có 3 tính năng gồm: Cảnh báo thiếu hụt tài khoản (Nhận diện nguy cơ thiếu hụt vốn, hỗ trợ ra quyết định vay vốn ngắn hạn); Tối ưu nguồn tài trợ (Lựa chọn khoản vay với lãi suất và kỳ hạn tối ưu); Tối ưu đầu tư (Đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi vào các sản phẩm có lợi suất cao một cách nhanh nhất).
Đối với chức năng quản lý rủi ro, có 3 tính năng gồm: Quản lý rủi ro đối tác (Theo dõi mức độ rủi ro so với hạn mức rủi ro được thiết lập cho từng đối tác); Quản lý rủi ro ngoại hối hay còn gọi là rủi ro tỷ giá (Tự động tính toán rủi ro ngoại hối để ra quyết định mua/bán ngoại tệ phù hợp); Quản lý tài khoản ngân hàng (Kiểm soát tài khoản tập trung, giúp dễ dàng thay đổi thông tin, phân quyền luồng thanh toán).
Tại tọa đàm các diễn giả cũng trình bày thêm về các sản phẩm và giải pháp dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu được cung cấp bởi bên thứ ba nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức tài chính tăng cường khai thác dữ liệu, nâng cao năng lực phân tích để cải tiến quy trình ra quyết định và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh theo thời gian thực.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về các chính sách quản lý, sử dụng và đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ, khai thác dữ liệu số. Đồng thời tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Từ đó, các tổ chức tài chính có thể sử dụng đa dạng các loại hình dịch vụ được cung cấp bởi bên thứ ba để phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch.
T.Đ