Thứ tư, 22/01/2025
   

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày 14/6/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2023 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các các Bộ, Ngành đồng tổ chức, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột

Ngày 14/6/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2023 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các các Bộ, Ngành đồng tổ chức, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Vietcombank dong hanh cung dien dan cap cao thuong nien

Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, Ngành thực hiện nghi thức khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 được tổ chức thường niên, với sự tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm một phiên toàn thể, 4 phiên hội thảo chuyên đề và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Diễn đàn đã thảo luận về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước... Trước phiên toàn thể, sáng 14/6, chuỗi 4 phiên hội thảo chuyên đề và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 đã diễn ra, tập trung vào các chủ đề chính: Sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghiệp, chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh và giáo dục xanh...

3 nội dung và 8 nhóm vấn đề trọng tâm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Diễn đàn cấp cao năm nay gắn với triển khai Nghị quyết 29-NQ-TW ngày 17/11/2022 về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, Diễn đàn năm nay lựa chọn chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần làm rõ 3 nội dung để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, trao đổi, làm rõ kinh nghiệm của quốc tế về công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ sở thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và rút ra các bài học kinh nghiệm, hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Thứ hai, làm rõ thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam; những kết quả và hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan về tổ chức thực hiện.

Thứ ba, trao đổi, đề xuất những giải pháp, chính sách để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn nêu tại Nghị quyết 29; nhất là về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để tạo đột phá cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, tập trung vào 8 nhóm vấn đề trọng tâm, bao gồm:

Một là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...; tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh…

Hai là, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnăm 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải cácbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn…

Ba là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bốn là, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng Năm là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sáu là, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bảy là, về chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Và cuối cùng là về quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng

Chiều 14-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và đồng chủ trì Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.

Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, công nghiệp chế tạo, chế biến được xác định là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển. Trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Các cấp, các ngành, toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số.

Chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể chế cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.

Để đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ sẽ ban hành tới đây để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Giai đoạn 2021-2030 tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thực hiện chuyển đổi số; chuyển đổi xanh. Giai đoạn 2031-2045 tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Trước mắt, thực hiện có hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” và “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.” Qua đó, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Chúng ta phải đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số; xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII để tiến tới giảm và cân bằng phát thải theo các cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27,” Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

“Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới,” Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

“Quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh của Việt Nam phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực và do con người Việt Nam thực hiện là chính; với nền tảng là tiền năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; dựa vào trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam để phát triển. Song không thể thiếu sự hợp tác quốc tế, trong đó có kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện thể chế, nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực và khoa học quản trị,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược và đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Việt Nam với rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ cách mạng lần thứ tư. Đó là, có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp này nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.

Thủ tướng đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm, hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu, đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay