Thứ hai, 17/06/2024
   

Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về Dự thảo Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhằm ban hành quy định chung về mô hình 3 tuyến bảo vệ để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cơ sở thực hiện thống nhất.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về Dự thảo Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhằm ban hành quy định chung về mô hình 3 tuyến bảo vệ để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cơ sở thực hiện thống nhất.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù hoạt động của các của tổ chức tín dụng phi ngân hàng đơn giản hơn so với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như không nhận tiền gửi của cá nhân, chỉ nhận tiền gửi của tổ chức và không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán như NHTM, chi nhánh NHNg; song các hoạt động này vẫn tiềm ẩn các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Do vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel có thể xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Điều này cũng đồng nhất với xu hướng quản trị điều hành doanh nghiệp nói chung hiện nay.

Theo quy định tại Basel, quản lý rủi ro tại TCTD được tổ chức theo mô hình “3 tuyến bảo vệ” với các đặc điểm như sau: (i) Lớp bảo vệ thứ nhất là bộ phận các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm quản lý rủi ro trong phạm vi đơn vị; (ii) Lớp bảo vệ thứ hai là bộ phận quản lý rủi ro tập trung và độc lập có trách nhiệm phát triển, duy trì và giám sát quản lý rủi ro của TCTD; (iii) Lớp bảo vệ thứ ba là Bộ phận kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động độc lập, giám sát đảm bảo tính tuân thủ với chiến lược, chính sách và các quy định quản trị rủi ro đã đặt ra.

Mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập được thiết kế nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết và tương tác giữa các bộ phận tham gia vào hoạt động và quản trị điều hành của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong quản trị rủi ro. Qua đó, góp phần giúp các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển bền vững. Trong mô hình này, vai trò của các cấp lãnh đạo khác nhau trong một tổ chức được xác định rõ ràng, bao gồm cả sự giám sát của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên đối với Tổng giám đốc, Tổng giám đốc với các bộ phận với các hoạt động bao gồm rủi ro và tuân thủ (vai trò tuyến đầu và tuyến thứ hai); và đảm bảo giám sát độc lập thông qua kiểm toán nội bộ (vai trò tuyến thứ ba).

Theo đánh giá của đa số các TCTD phi ngân hàng việc thiết lập và triển khai mô hình 3 tuyến bảo vệ là tất yếu, cần được quan tâm đặc biệt và phải được coi là một trong các công việc trọng điểm của TCTD. Đa số các TCTD phi ngân hàng đã thiết lập và triển khai mô hình 03 tuyến bảo vệ. Theo bản thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Công ty tài chính Cộng đồng chưa triển khai mô hình này; Công ty tài chính Lotte triển khai ở mức khiêm tốn về quy mô và nhân sự; Công ty tài chính Toyota và Công ty tài chính MB Shinsei triển khai mô hình còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc ban hành quy định chung về mô hình 3 tuyến bảo vệ là cần thiết để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cơ sở thực hiện thống nhất…

Chi tiết bản Bảng Thuyết minh, so sánh Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng xem tại đây.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay