Hội nghị được tổ chức với mục tiêu chính là cung cấp thông tin cập nhật mới nhất cho các ngân hàng trong nước và những tổ chức tham gia thị trường cho vay Việt Nam về thị trường Việt Nam và xu hướng phát triển, cơ hội tại thị trường cho vay Đông Nam Á năm 2025.
Việt Nam là thị trường cho vay quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024 kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực với các động lực chính là sản xuất công nghiệp, thu hút và giải ngân FDI, bên cạnh đó xuất khẩu, du lịch phục hồi khả quan, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.
Năm 2024 GDP của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng đạt 7,09% vượt mục tiêu 6,5%. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực khởi sắc, tăng trưởng tín dụng của hệ thống Ngân hàng Việt Nam thuận lợi hơn so với năm 2023. Tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 15,61 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng đạt 15,08% so với cuối năm 2023 (tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 13,78%).
Ông Jame Hogan, Giám đốc điều hành APLMA tiếp lời, Việt Nam là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2024, Việt Nam đã thu hút tới 38 tỷ USD vốn FDI. Những kết quả tích cực trên cho thấy, Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển ngành tài chính, tài trợ vốn và được đánh giá là thị trường cho vay quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành APLMA khẳng định, song song với cơ hội là thử thách. Do đó, ngành Ngân hàng, những người tham gia vào thị trường này cùng APLMA có chung mục tiêu là cùng phát triển thị trường cho vay Việt Nam theo hướng bền vững và lành mạnh.
Chia sẻ góc nhìn về thị trường cho vay tại Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, thị trường cho vay Việt Nam là một trong những ngành đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2020-2024, thị trường cho vay cả trong nước và ra nước ngoài tại Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh với cho vay trong nước tăng 10%; cho vay nước ngoài (kể cả cho vay đồng tài trợ và cho vay theo nhóm) tăng 22%, từ 2,9 tỷ USD đến 5,2 tỷ USD. Thị trường cho vay góp phần giúp thị trường vốn tại Việt Nam phát triển mạnh hơn, mang lại giải pháp tài trợ vốn tối ưu cho khách hàng đang tìm kiếm nguồn vốn trong thời gian gấp, mang lại nguồn lực cần thiết để phát triển cho các ngành khác nhau.
Xu hướng phát triển thị trường cho vay năm 2025
Nhận định về xu hướng phát triển thị trường cho vay, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu và Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, sản xuất xanh đã trở thành một xu hướng tất yếu. Vốn tín dụng ngân hàng không chỉ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh mà còn hỗ trợ phát triển bền vững cho nền kinh tế. Bên cạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, thì việc tiết giảm chi phí, đa dạng hóa nguồn vốn, tìm kiếm nguồn vốn đầu vào giá rẻ hơn từ thị trường quốc tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giúp các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng cho rằng, tài chính xanh và phát triển xanh đang là xu hướng lớn ở Việt Nam và các nguồn tài trợ cho vay xanh sẽ phát triển trong năm 2025.
Đi sâu phân tích về tài chính xanh tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Để thúc đẩy tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình tín dụng xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, lĩnh vực môi trường, giảm nghèo; phối hợp các bộ, ngành cấp thư không phản đối cho các khoản vay của một số tổ chức tài chính quốc (IFC, AIIB,…) tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam thông qua hệ thống ngân hàng; tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng xanh...
Tính đến ngày 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Giai đoạn 2017-2024, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng bình quân khoảng 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (15%). Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
Cùng với những kết quả đã đạt được, bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng cho rằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tài chính xanh như: Chưa có quy định về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, gây khó khăn trong huy động nguồn vốn xanh quốc tế và cấp tín dụng xanh; khó khăn khi thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do hoạt động cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu; phát sinh chi phí cho TCTD do phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, chi phí đầu tư tăng cường năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững...
Từ những khó khăn đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế nêu ra một số giải pháp để thúc đẩy tài chính xanh như: Hướng dẫn tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê tín dụng đối với Danh mục phân loại xanh; nghiên cứu, hướng dẫn TCTD quản lý rủi ro môi trường và xã hội, quản lý rủi ro khí hậu trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh; đào tạo nâng cao năng lực (cán bộ hoạch định chính sách, TCTD) trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả...
Ở góc nhìn khác, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, cho vay đồng tài trợ là hướng phát triển rất tốt thời gian tới bởi hình thức cho vay này phù hợp với bối cảnh thị trường cho vay Việt Nam, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng áp dụng theo ngành. Hiện, các ngân hàng của Việt Nam cũng làm việc rất sát sao với ngân hàng nước ngoài để cho vay đồng tài trợ.
Ông Yeo Wee Yap, Giám đốc điều hành của SeaTown Holdings khẳng định, thị trường cho vay Việt Nam tương đối hấp dẫn. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như: khả năng tăng trưởng GDP cao; lực lượng lao động dồi dào, có chuyên môn cao; cơ sở hạ tầng, logistic ngày càng được cải thiện...
Tuy nhiên, ông Yeo Wee Yap cũng nêu rõ, ở góc độ của SeaTown Holdings sẽ ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp có quy mô lớn tại Việt Nam (ví như Vin Group, Sun Group, Masan,...) vì doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều yếu tố đảm bảo hơn như: khả năng chấp nhận các rủi ro, cú sốc sẽ kiên cường hơn; có nhiều kênh để huy động vốn; có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, giao tiếp tốt hơn với nhà cho vay nước ngoài...
Tại hội nghị, các chuyên gia, diễn giả cũng đã chỉ ra những thách thức và các yếu tố Việt Nam cần cải thiện như về pháp lý, năng lực quản trị doanh nghiệp, hiểu được thị hiếu của các nhà cho vay quốc tế,… để thị trường cho vay tại Việt Nam phát triển bền vững và lành mạnh; góp phần quan trọng vào sự phát triển thị trường vốn và nền kinh tế nói chung.