Thứ tư, 22/01/2025
   

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây rủi ro mất an toàn hệ thống. Do đó cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó

Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây rủi ro mất an toàn hệ thống. Do đó cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng

Trả lời báo chí mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chia sẻ, nếu ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống. Bài toán khó đặt ra ở đây là Ngân hàng Nhà nước phải tìm được điểm hài hoà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng.

Đến cuối tháng 5, tín dụng nền kinh tế mới tăng trưởng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, tín dụng những tháng đầu năm tăng thấp trong khi các chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu.

Phó Thống đốc cho biết, đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước đã giao. Nhóm NHTM cổ phần chiếm khoảng 47% thị phần tín dụng, tăng khoảng một nửa hạn mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm thị phần tín dụng khoảng 91%, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

Ở góc nhìn chuyên gia, phân tích nguyên nhân tín dụng tăng thấp trong những tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, về cơ bản có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp thấp hơn so với các năm trước đây.

Thứ hai, trong bối cảnh có nhiểu rủi ro bất định, hệ thống tổ chức tín dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam thận trọng hơn. “Đây là xu hướng chung toàn cầu không riêng Việt Nam” - ông Lực nhấn mạnh.

Thứ ba, về phía doanh nghiệp - người đi vay, trong bối cảnh khó khăn như vậy thì khó đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về tín dụng khi tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng không thể giảm chuẩn cho vay được.

Thực tế, nếu hạ chuẩn cho vay sẽ đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng trả nợ hoặc phá sản thì ngân hàng đối mặt nợ xấu, thậm chí đe dọa an toàn hoạt động ngân hàng; cho vay dưới chuẩn, không tuân thủ đúng quy định pháp luật thì cán bộ ngân hàng có nguy cơ vướng vào lao lý. Đây là thực tế đau xót đã xảy ra khiến nhiều ngân hàng thương mại chùn chân.

Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

TS. Cấn Văn Lực nhận định, hệ thống ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, tung ra các gói tín dụng ưu đãi và đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng, chẳng hạn như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa giảm tiết điều kiện cho vay cũng như giảm chi phí qua đó tiếp tục giảm lãi vay theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước...

Từ đầu năm đến nay, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5/2023

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được các chuyên gia đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các NHTM đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong tháng 2 và tháng 5. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Chẳng hạn, tại BIDV, ngân hàng này đã ban hành rất nhiều gói tín dụng, trong đó có giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2% so với lãi suất cho vay thông thường. BIDV xác định rất rõ tăng trưởng tín dụng vẫn phải an toàn và hiệu quả, hướng tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Còn tại Agribank, đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Agribank giảm tối đa 3% lãi suất cho khách hàng kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024. Agribank dành 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức hỗ trợ tối đa 2% lãi suất cho khách hàng theo từng kỳ hạn vay (cụ thể từ 3 tháng đến 12 tháng). Đặc biệt, trong tháng 5/2023, Agribank ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có dư nợ trung, dài hạn tại Agribank với mức giảm 0,5% đối với lãi suất cho vay trung, dài hạn đang áp dụng trong thời gian từ 15/5/2023 đến 30/9/2023.

Ngoài chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02). Việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, khách hàng có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) đã vào cuộc triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM nhà nước trên thị trường và các NHTM ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ. Chương trình này được thực hiện bằng nguồn huy động của các NHTM, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, chia sẻ của ngành ngân hàng đối với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực, cũng như góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách kích cầu và thúc đẩy đầu tư công cần phát huy hiệu quả thực tế mới có thể cải thiện tăng trưởng tín dụng, tạo động lực cho nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra.

Về phía các bộ ngành, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng thông qua tái cấu trúc và hoàn thiện pháp lý cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm; tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay; thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

(Nguồn: DIV)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay