Thứ tư, 22/01/2025
   

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2024 không đặt vấn đề tăng lãi suất

Theo đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5%-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Phát biểu tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 3/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện lãi suất đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua và năm 2024 cũng không đặt vấn đề tăng lãi suất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2024 không đặt vấn đề tăng lãi suất
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Sao/BNEWS/TTXVN

Theo đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5%-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Thời gian quan, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay… Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 - 0,3%, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp.

Theo ông Phạm Chí Quang, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch COVID-19.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các chỉ đạo điều hành cụ thể của ngân hàng nhà nước trong suốt một năm qua.

Bên cạnh đó sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng từ 50,3%-99,1%, giá trị tăng từ 5,4%-10,8% tùy phương thức thanh toán.

Đối với việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước 3 tháng Thông tư hết hiệu lực, nếu thấy cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2024, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Còn ở trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, năm 2024 sẽ phải là năm hành động quyết liệt hơn rất nhiều trên tất cả các mặt, từ cơ chế chính sách đến hành động và xử lý yếu kém cũng quyết liệt hơn.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay