Thứ hai, 23/12/2024
   

Ngân hàng sẵn sàng cùng Tây Nguyên phát huy tiềm năng, thế mạnh

Cuối tuần qua, tại Đắk Lắk, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

ngan-hang-san-sang-cung-tay-nguyen-phat-huy-tiem-nang-the-manh-20231022211528.jpg?rt=20231022211531

Vốn ngân hàng đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương

Tây Nguyên có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước ta, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng để phát huy tiềm năng và thế mạnh của khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng gặp nhiều khó khăn, trong những tháng đầu năm ngành Ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Song song với đó, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ, thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ... nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhất là các ngành chủ lực, có thế mạnh của khu vực.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang cho biết, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt khoảng trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 297.501 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Cơ cấu tín dụng hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng. Dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá…

Ghi nhận những giải pháp hỗ trợ hết sức thiết thực của ngành Ngân hàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 2/9 Đắk Lắk Nguyễn Văn Cửu - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước cho biết, dư nợ vay của công ty trong niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng. Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời với chi phí hợp lý, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn thuận lợi giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn. “Ngân hàng hỗ trợ rất lớn cho chúng tôi. Nếu không có vốn ngân hàng sẽ không có doanh nghiệp như ngày nay”, ông Cửu bày tỏ.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay VND chỉ khoảng 6-10%/năm tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cũng đánh giá, các TCTD trên địa bàn đã triển khai các giải pháp tín dụng hiệu quả đóng góp quan trọng thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

ngan-hang-san-sang-cung-tay-nguyen-phat-huy-tiem-nang-the-manh-20231022211610.jpg?rt=20231022211613

Cơ chế, chính sách phù hợp, tích cực nhất

Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, do sức cầu kinh tế giảm khiến sản xuất kinh doanh khó khăn, khả năng hấp thụ vốn sụt giảm, nên dù lãi suất giảm, song lượng vốn trong ngân hàng đang dư thừa. Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này chưa đạt 7% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk ghi nhận lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7%/năm, dài hạn khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, lãi suất không phải nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này, mà là đầu ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực, ngành hàng đều giảm sút. “Nhiều tháng nay, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, hay nói cách khác là không biết vay vốn để làm gì”, ông Thanh thông tin thêm.

Đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì một trong những vướng mắc của họ là vấn đề tài sản thế chấp. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tỉnh Gia Lai cho biết, các DNNVV đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến số tiền vay hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì là mặt hàng có tính mùa vụ. “Cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo ngành nghề để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vào vụ mùa. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước”, bà Lan Anh đề nghị.

Đại diện Công ty Cà phê Đăk Uy đề nghị, trong thời gian tới NHNN tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất đối với chương trình tái canh cà phê giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp để hoàn thành tái canh cà phê, mang lại năng suất ổn định và bảo đảm nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Về vấn đề này Phó tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, ngân hàng rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính. Chung quan điểm, Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Phương cũng đề nghị, để tạo niềm tin cho ngân hàng doanh nghiệp cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ... để tăng khả năng tiếp cận vốn.

Liên quan đến câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN nhận diện đầy đủ các vướng mắc của doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các TCTD mạnh dạn hơn, cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp cận tín dụng. Chẳng hạn ngân hàng - doanh nghiệp sẽ tích cực chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau qua việc mạnh dạn cho vay tín chấp... Song, Phó Thống đốc lưu ý, nguyên tắc an toàn vốn vẫn phải đảm bảo.

Với đề xuất cần có cơ chế đặc thù riêng cho khu vực Tây Nguyên, nhất là với cây cà phê Phó Thống đốc cho rằng kiến nghị này phù hợp. Theo chia sẻ của lãnh đạo NHNN, trước đây tại khu vực này đã có chương trình tái canh cây cà phê nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn. Do đó, để giúp cây cà phê trở thành cây thế mạnh, chủ lực của khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới, NHNN cùng các NHTM có dư nợ cho vay cà phê lớn sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách phù hợp, tích cực nhất, hỗ trợ cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. “Sau Hội nghị, NHNN sẽ chỉ đạo Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước, cho vay chủ lực lĩnh vực nông nghiệp là đầu mối cùng các NHTM khác nghiên cứu, khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tái canh cây cà phê, giúp cho việc thu mua chế biến xuất khẩu hiệu quả nhất”, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị các NHTM phải theo rất sát, nắm bắt xu hướng, tính toán hiệu quả, thực trạng thị trường, bám sát nhu cầu vốn của doanh nghiệp để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ, tốt hơn của các địa phương, các sở ban ngành, hiệp hội với ngân hàng để làm sao khi vào mùa vụ, ngân hàng đã sẵn sàng cho vay nhanh nhất, thuận lợi nhất, không làm mất cơ hội của bà con nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, thu mua chế biến, tránh thua thiệt so với doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.

Về lãi suất, Phó Thống đốc lưu ý, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là hạ lãi suất và các NHTM phải tích cực thực hiện chủ trương đó. “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”, Phó Thống đốc khẳng định.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay