Ngày 13/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 653/QĐ-BCĐ, ban hành kế hoạch hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt 9 mục tiêu như: (1) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng theo xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số.
(2) Đẩy mạnh nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số phục vụ thanh toán trong ngành Ngân hàng và các hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng. Đồng thời, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hạ tầng máy chủ, tủ đĩa; Hạ tầng mạng; Hạ tầng sao lưu.
(3) Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tập trung của Ngân hàng Nhà nước theo mô hình dữ liệu lớn và đẩy mạnh việc thu thập, làm sạch dữ liệu nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau; Kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu, tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số.
(4) Hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; Nghiên cứu sử dụng nền tảng số quốc gia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Ngân hàng Nhà nước; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động giám sát dịch vụ Ví điện tử; Hoàn thiện nền tảng an ninh mạng chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an ninh mạng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ công tác giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng.
(5) Phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 50% cán bộ có kiến thức về chuyển đổi số.
(6) Công tác bảo đảm an toàn thông tin của của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu theo xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các quy định, chính sách về an toàn thông tin áp dụng trong ngành Ngân hàng được hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, chính sách của Quốc gia và thông lệ quốc tế. Hệ thống an ninh bảo mật của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được hiện đại hóa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp và quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ của Việt Nam. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác an toàn thông tin của Ngân hàng Nhà nước được nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu chủ động giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố về an toàn thông tin; 5-10% cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin thi đạt chứng chỉ quốc tế về an toàn bảo mật trong năm 2023. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Ngân hàng Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức an toàn thông tin. 50% cán bộ công chức, viên chức của Ngân hàng Nhà nước sử dụng máy tính được đào tạo, tập huấn nhận thức về an toàn thông tin nhằm giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công xâm nhập, lây lan mã độc từ hạ tầng máy trạm đầu cuối.
(7) Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 90% trở lên; Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; Tối thiểu 80% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4. Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước trên không gian mạng; Tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của Ngân hàng Nhà nước được xác thực điện tử; Tỷ lệ chi cho phát triển Chính phủ số, duy trì vận hành các hệ thống công nghệ số từ 1% trở lên tổng ngân sách nhà nước.
(8) Tỷ trọng kinh tế số ngành Ngân hàng đạt tối thiểu 7%.
(9) Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 75%.
Tương ứng với các mục tiêu Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số hàng năm của ngành Ngân hàng; Xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hoạt động, sự kiện; Triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả; Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động…; Chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số; Triển khai kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo.
(1) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số; Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý, giám sát hoạt động thanh toán, thanh toán xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về an ninh, an toàn bảo mật, cung ứng dịch vụ ngân hàng qua môi trường internet… trong ngành Ngân hàng; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình quản lý hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, mạng truyền thông…;
(2) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, tăng khả năng kết nối liên thông với hệ thống thanh toán khác trong nền kinh tế, sẵn sàng kết nối với các hệ thống thanh toán tổng tức thời của các quốc gia trong khu vực; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin mới vào các nghiệp vụ xử lý dữ liệu lớn; Tiếp tục xây dựng và triển khai hạ tầng tập trung, đảm bảo an ninh an toàn để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng; Đảm bảo hạ tầng máy chủ, tủ đĩa lưu trữ, cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng và hạ tầng sao lưu…;
(3) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của NHNN; Tiếp tục phát triển, hoàn thiện, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước, bám sát định hướng phát triển các dữ liệu, cơ sở dữ liệu theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 4/3/2021 của Thống đốc NHNN; Cập nhật Danh mục dữ liệu mở của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở; Cập nhật Danh mục dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức triển khai dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định; Xây dựng và ban hành Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ theo nhóm chủ để dữ liệu hoặc theo cơ sở dữ liệu; Kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu; Rà soát, đánh giá cơ sở dữ liệu, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu; Tiếp tục triển khai tích hợp, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương phục vụ cho hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với Hệ thống thông tin MCĐT, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tiền tệ - ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử của Ngân hàng Nhà nước, kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Hệ thống thông tin có quy mô từ trung ương tới địa phương của Chính phủ, các bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Chính phủ; Tiếp tục triển khai mở rộng Hệ thống thông tin báo cáo Ngân hàng Nhà nước liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…;
(4) Triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền với vai trò của Tổ chức tình báo tài chính quốc gia; Triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý, giám sát Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; Triển khai xây dựng công cụ giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử của các tổ chức trung gian thanh toán; Triển khai xây dựng Trung tâm vận hành an ninh mạng…;
(5) Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, kiến thức gắn với chuyển đổi số cho cán bộ, công chức ngành Ngân hàng; Thúc đẩy hợp tác, áp dụng kinh nghiệm quốc tế và thu hút lực lượng chuyên gia từ nước ngoài có kinh nghiệm triển khai tham gia đào tạo; tham gia mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số của Ngành; Triển khai kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của Ngân hàng Nhà nước;
(6) Bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Quán triệt hai nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng; Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin các hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật, phát hiện sớm các điểm yếu, lỗ hổng của hệ thống thông tin để có giải pháp xử lý phù hợp; Tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
(7) Tiếp tục triển khai chuyển đổi số hoạt động của NHNN theo Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của NHNN; Triển khai Cổng dữ liệu mở của NHNN; Tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua app di động, tin nhắn trên các nền tảng liên lạc,…
(8) Phát triển doanh nghiệp số ngành Ngân hàng như: Triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Triển khai sử dụng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp làm thước đo chuyển đối osos của các TCTD. Định kỳ tổ chức khảo sát đánh giá mức độ chuyển đổi số của các TCTD.
(9) Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục triển khai Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 1309/QĐ-NHNN.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện một số nhiệm vụ khác như: Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tham gia tích cực vào các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương trong khu vực và quốc tế về đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; Tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp chuyển đổi số…
Tương tự, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp khác như sau: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thực hiện các chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật để hình thành đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ về số lượng và năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài về chuyển đổi số ngành Ngân hàng.