Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn được xác định là một hướng đi đúng đắn với các mô hình độc đáo và có hiệu quả cao, hướng tới bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu trường hợp của Hàn Quốc có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm về thực hiện mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn với Việt Nam.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mô hình tăng trưởng xanh, carbon thấp
Hàn Quốc quan tâm phát triển mô hình tăng trưởng xanh, carbon thấp, với sự quản lý và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ cấp quốc gia xuống địa phương và đưa tăng trưởng xanh thành ưu tiên quốc gia cũng như trong các chương trình nghị sự quốc gia.
Quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, carbon thấp của Hàn Quốc gồm có huy động các bộ, ban, ngành lập ra các kế hoạch tăng trưởng xanh toàn diện ở các cấp, các ngành, cấp quốc gia và địa phương như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2009-2050) và Kế hoạch tăng trưởng xanh 5 năm (2009-2013).
Chiến lược tăng trưởng xanh với carbon thấp của Hàn Quốc gồm: (1) Xây dựng khung quản trị vững chắc cho tăng trưởng xanh bằng việc thành lập Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh vào năm 2009; (2) Tăng cường khung thể chế, pháp lý tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh bằng việc ban hành Luật về khung tăng trưởng xanh, carbon thấp năm 2010; (3) Cam kết của Hàn Quốc trong Chương trình Nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu tạo ra một nền tảng thể chế thuận lợi cho tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc năm 2019.
Một số nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc gồm có: Kế hoạch Toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung vào phát triển ngành công nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh trong xuất khẩu, tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế; Gói Kích cầu xanh nhằm đối phó với tình hình khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008, với trọng tâm là tạo việc làm và nâng cao hiệu quả của các ngành, nghề hướng tới xây dựng một nền kinh tế tiết kiệm tài nguyên; nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm tương lai an toàn; Chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ xanh tập trung vào 27 lĩnh vực công nghệ chính như dự báo kịch bản biến đổi khí hậu và xây dựng mô hình, tấm năng lượng mặt trời điện quang voltaic, LED, tái sử dụng rác thải, lưu giữ carbon…
Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các bộ, ngành xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như: Chiến lược công nghiệp tăng trưởng xanh theo mô hình tri thức làm chủ đạo và chiến lược năng lượng xanh của Bộ Kinh tế tri thức; Kế hoạch thực hiện tăng trưởng xanh của Bộ Môi trường; Chiến lược văn hóa vì tăng trưởng xanh ít carbon của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch...
Kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận tập trung xử lý, tái chế chất thải
Hàn Quốc triển khai nền kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận tập trung vào xử lý và tái chế chất thải. Điều này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tái chế chất thải cao thứ hai trong các nước tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Chính phủ Hàn Quốc thông qua Kế hoạch tuần hoàn tài nguyên quốc gia lần thứ nhất (2018 - 2027), với mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ phát sinh chất thải GDP của Hàn Quốc xuống 20% cho đến năm 2027; Kế hoạch hành động quốc gia lần thứ 3 về sông và cửa biển (2021-2025) được xây dựng nhằm quản lý hiệu quả các con sông và cửa sông dễ bị ô nhiễm do chất thải xâm nhập từ đất liền.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Quy định về túi ni lông cấp Quốc gia cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần trong các siêu thị lớn từ ngày 1/1/2019 nhằm BVMT và khuyến khích thực hiện tái chế. Ngoài ra, Hàn Quốc ban hành các quy định cụ thể về vi nhựa; Quy chế sử dụng hạt vi mô, cấm sử dụng vi hạt trên tất cả các chất tẩy rửa được sản xuất trong và ngoài Hàn Quốc, năm 2021.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh.
Hiện nay, 95% chất thải thực phẩm ở Hàn Quốc được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng. Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức “cộng sinh”.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra một số chính sách bao gồm: Đạo luật quản lý rác biển và trầm tích bị ô nhiễm tập trung vào quản lý rác biển; Khung hành động về tuần hoàn tài nguyên tăng cường các chính sách về tuần hoàn tài nguyên đại dương và đất liền, giảm sự lãng phí tài nguyên và nguồn năng lượng không cần thiết; Xây dựng các chỉ số đánh giá chất lượng nước và xác định lượng rác biển được thu gom thông qua các dự án xử lý rác biển quốc gia.
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh của Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam cần xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; xác định rõ mục tiêu, tiêu chí định lượng cụ thể cho các lĩnh vực cụ thể bộ tiêu chí “tuần hoàn”, “xanh” cho thực hiện mô hình phát triển kinh tế - xã hội các cấp; Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh kết hợp bảo tồn sinh thái biển, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai…
Theo tapchitaichinh.vn