Chủ nhật, 22/12/2024
   

Khơi thông vốn cho công nghệ cao

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết. Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao (CNC), ứng dụng công nghệ hiện đại vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã cho thấy được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, với việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong chiến lược kinh doanh, Agribank xác định nông nghiệp ứng dụng CNC là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn qua việc đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ khách hàng.

Trên thực tế, Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn; tiết giảm chi phí để mở rộng vốn cho đầu tư tín dụng, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng; đồng thời tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng, đóng góp vào cam kết quốc tế tại Việt Nam.

Ngay khi NHNN ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, Agribank đã hưởng ứng tích cực, triển khai ngay gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và là ngân hàng có mức cam kết cho vay cao nhất trong tổng các NHTM đăng ký tham gia. Kết quả đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 35.000 tỷ đồng, số lượt khách hàng là 40.000 lượt.

Khơi thông vốn cho công nghệ cao
Khơi thông vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank… Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các bộ ban ngành nhằm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp CNC, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như tiếp cận vốn ngân hàng ngay từ khi hình thành dự án, tài sản thế chấp… Agribank cũng đang tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng.

Ngân hàng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện, trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Cùng với đó, tích cực tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do WB và các tổ chức tài chính tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp…

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Agribank chia sẻ, trong quá trình cho vay vốn thực hiện nông nghiệp CNC còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC thời gian qua còn nhiều bất cập; thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp CNC; việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư vốn, lãnh đạo Agribank đề xuất một số giải pháp đồng bộ và quyết liệt để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp CNC; việc phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNC trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap); tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay