Ngày 07/12/2022 tại Bình Định, Hội nghị Bưu chính các nước ASEAN (ASEANPOST) năm 2022 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của Bưu chính 10 nước Đông Nam Á gồm: Brunei Darusslam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Thị Lan Hương phát biểu tại lễ khai mạc
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về việc triển khai các vấn đề hợp tác đa phương, kế hoạch hành động được thông qua tại Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Liên minh Bưu chính khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APPU). Đặc biệt, các nhà lãnh đạo cấp cao của Bưu chính 10 nước Đông Nam Á sẽ dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về xu hướng bưu chính toàn cầu; những cơ hội và thách thức của bưu chính trong thời gian tới; giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ chuyển phát truyền thống, chuyển phát nhanh EMS, chuyển phát hàng thương mại điện tử (APP ePacket, Asean Pack); tem bưu chính; các dịch vụ giá trị gia tăng… Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ đưa ra những sáng kiến, giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo lợi ích hài hòa của các nước thành viên trong việc cùng nhau hợp tác và phát triển bưu chính ASEAN.
Với vai trò chủ nhà, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ tổ chức Hội nghị bàn tròn các Tổng Giám đốc điều hành của Bưu chính các nước Đông Nam Á để thảo luận về cơ hội và thách thức đối với ngành bưu chính trong thời kỳ chuyển đổi số. “Chúng ta đang đứng trước một thế giới nhiều biến động với sự cạnh tranh đến từ bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, sự thay đổi này mang đến cho chúng ta cơ hội để đa dạng hóa dịch vụ. Tại Hội nghị này, Vietnam Post và bưu chính các nước sẽ cùng đưa ra các sáng kiến để ứng phó với các thách thức, biến thách thức thành cơ hội, phát triển các ý tưởng mới, các sản phẩm dịch vụ mới để thích ứng với kỷ nguyên số và được thị trường đón nhận”, ông Nguyễn Hải Thanh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát biểu
Ông Azahar Ariff, Chủ tịch Hội nghị ASEAN POST khẳng định Hội nghị 28 sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Bưu chính ASEAN nhằm tăng cường hợp tác giữa các nhà khai thác trong khối ASEAN, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hiện có và chặt chẽ giữa các Bưu chính ASEAN với các tổ chức bưu chính quốc tế khác như Liên minh Bưu chính Châu Á Thái Bình Dương APPU và Liên minh Bưu chính Thế giới UPU.
Ông Azahar Ariff, Chủ tịch Hội nghị ASEAN POST phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, sản lượng thư toàn cầu bình quân giảm 4,6%, sản lượng bưu kiện thương mại điện tử tăng 15,2%. Xu hướng này đòi hỏi ngành bưu chính cần phát triển theo hướng mở rộng hệ sinh thái, mở rộng không gian hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế số và tham gia góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm bảo đảm một xã hội thịnh vượng toàn diện.
Bưu chính cần phát triển hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu đồng bộ, hiện đại gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và dần trở thành hạ tầng quan trọng của kinh tế số.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trong bối cảnh này, các nhà khai thác được chỉ định quốc gia cần chiếm vị trí thống lĩnh, dẫn dắt và có những chiến lược và tầm nhìn bưu chính tiệm cận với xu thế. Hợp tác đa phương và song phương trong Hiệp hội Asean Post là để tạo ra một liên minh bưu chính Đông Nam Á lớn mạnh, đưa ra được các sản phẩm và dịch vụ bưu chính mới trong môi trường kỷ nguyên số. Bưu chính cần đẩy nhanh hoạt động số hóa các sản phẩm và dịch vụ, thích nghi và cạnh tranh được với các công ty chuyên về số hóa trong các lĩnh vực và sản phẩm khác để tham gia sâu rộng vào hoạt động cung cấp dịch vụ số cho chính phủ điện tử, thương mại điện từ và tài chính điện tử.