Thứ hai, 18/11/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với đoàn đại biểu cấp cao ngân hàng trung ương một số nước Châu Phi

Sáng 31/7/2023, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu cấp cao ngân hàng trung ương một số nước Châu Phi do ông Amatto Solomon Desta, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ethiopia dẫn đầu để trao đổi, học tập kinh nghiệm liên quan pháp luật về giao dịch bảo đảm trong hoạt động ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo một số Ban, đơn vị, đại diện Ủy ban Công nghệ, Ủy ban Chính sách, Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng đại diện tổ chức IFC (Ngân hàng Thế giới); cùng đại diện ngân hàng trung ương một số nước như Nam Phi; Nigeria, Ghana, Liberia, Angola, Ethiopia.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ vui mừng và chào đón đoàn đại biểu cấp cao ngân hàng trung ương một số nước châu Phi đã tới thăm, làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động ngân hàng mà hai bên cùng quan tâm.

Chia sẻ với đoàn công tác, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã được Nhà nước Việt Nam quan tâm, không ngừng hoàn thiện và đã hướng dần theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn cũng như những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể kể đến các văn bản pháp luật, đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản như Bộ luật Dân sự 2015, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm …. đã tạo lập hành lang pháp lý nói chung về giao dịch bảo đảm, làm tăng cơ hội tiếp cận của người dân, doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn ngân hàng, góp phần thúc đẩy thị trường vốn và hoạt động sản xuất - kinh doanh vận động trong khuôn khổ hành lang pháp lý an toàn, minh bạch, giúp Nhà nước có được những thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình hoạch định các chính sách mang tính vĩ mô, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chính sách bảo đảm an toàn tín dụng.

Bên cạnh đó, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo (Bộ Tư pháp) đã chính thức vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch đảm bảo bằng động sản từ ngày 19/03/2012 và vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến ở mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến (mức độ cao nhất hiện nay trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ) từ ngày 10/7/2017. Như vậy, việc đăng ký biện pháp bảo đảm được đăng ký và công khai hoá đã hạn chế được những tranh chấp phát sinh do các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm trước khi ký kết.

“Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về giao dịch và đăng ký giao dịch đảm bảo đối với các hoạt động giao dịch dân sự”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo một số văn bản pháp luật trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham gia tích cực đóng góp ý kiến, trong đó phải kể đến Nghị định 21/2021/NĐ-CP và Nghị định 99/2022/NĐ-CP rất quan trọng liên quan tới hoạt động ngân hàng. Đồng thời, với vai trò cầu nối, đại diện cho các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã luôn bám sát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các hội viên để phản ảnh, kiến nghị kịp thời tới Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Amatto Solomon Desta, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ethiopia bày tỏ cảm ơn tới ban lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và TS. Nguyễn Quốc Hùng đã dành thời gian tiếp đoàn công tác, trao đổi thông tin hữu ích mà phía ngân hàng hàng trung ương một số nước Châu Phi rất quan tâm.

Đại diện lãnh đạo ngân hàng trung ương một số nước Châu Phi đã có những trao đổi, tham vấn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vấn đề pháp luật về giao dịch bảo đảm liên quan tới hoạt động ngân hàng, như vai trò, tầm quan trọng của pháp luật giao dịch bảo đảm trong việc bảo đảm an toàn và phát triển bền vững thị trường tín dụng tại Việt Nam; Vai trò của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như tính hiệu quả của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trong hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm là các khoản phải thu và hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh. Bên cạnh đó là chia sẻ về nỗ lực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong hoạt động góp ý, phản biện xây dựng chính sách cũng như cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn… về giao dịch bảo đảm cho các tổ chức hội viên và thúc đẩy thị trường Fintech tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo ngân hàng trung ương một số nước Châu Phi hy vọng rằng những thông tin, kinh nghiệm mà Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ sẽ giúp các ngân hàng trung ương châu Phi có thêm những kinh nghiệm quý báu, thiết thực, hiệu quả trong cải cách giao dịch bảo đảm.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đoàn đại biểu cấp cao ngân hàng trung ương một số nước Châu Phi chụp ảnh lưu niệm.
VNBA News
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay