Thứ sáu, 27/12/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Ngày 12/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự và chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Tư pháp có: Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư Pháp; cùng đại diện các phòng chuyên môn. Về phía Ngân hàng Nhà nước có bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Về phía Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam có: Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch; cùng các đại diện các ban chuyên môn.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam; đại diện các tổ chức hội viên; lãnh đạo các Ban, đơn vị trong Hiệp hội.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Luật Công chứng được ban hành từ năm 2014, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các loại giao dịch dân sự và trong đời sống xã hội. Trong hoạt động ngân hàng, pháp luật công chứng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng và khách hàng trong việc giao kết các hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa các tranh chấp giúp hệ thống tài chính ngân hàng phát triển ổn định, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Hơn nữa, trải qua hơn 8 năm ban hành, bối cảnh kinh tế xã hội đã có nhiều biến động, đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

“Để khắc phục những hạn chế, bất cập thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận được nhiều ý kiến góp ý của các TCTD về những vướng mắc, bất cập tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư Pháp) Lê Xuân Hồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư Pháp) Lê Xuân Hồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định, hoạt động công chứng hiện nay phát triển rộng rãi, dẫn đến việc quản lý của cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, Bộ Tư pháp rất cần ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng để nhận diện và tháo gỡ các vướng mắc.

Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Qua tổng hợp ý kiến, TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ một số vấn đề nội dung vướng mắc nổi bật, các tổ chức hội viên đang gặp phải, gồm:

Thứ nhất, vướng mắc về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: Cách xác định thời điểm có hiệu lực của các văn bản/giao dịch liên quan đến việc công chứng; Điều kiện Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực;…

Thứ hai, vướng mắc về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên: Trách nhiện đối với nội dung, giá trị của bản dịch; Quyền tư vấn pháp lý cho khách hàng;…

Thứ ba, vướng mắc về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn: Về việc địa điểm yêu cầu công chứng trên phiếu yêu cầu; Công chứng ngoài trụ sở tổ chức công chứng; Thông tin trên phiếu yêu cầu đối với trường hợp người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức nước ngoài; Các “giấy tờ tùy thân” hợp lệ; Việc yêu cầu và nộp hồ sơ yêu cầu công chứng trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc thông qua các phương tiện điện tử phù hợp;…

Quang cảnh cuộc họp góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Minh Ngọc
Quang cảnh cuộc họp góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Minh Ngọc

Làm rõ hơn các vướng mắc các TCTD đang gặp phải, Báo cáo Góp ý của TCTD đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) do bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam trình bày tại cuộc họp đã nêu bật các khó khăn/vướng mắc trong quá trình hoạt động của các TCTD và đưa ra các đề xuất/kiến nghị liên quan đến các vấn đề như: Giá trị pháp lý của văn bản công chứng; Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng; Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên; Văn phòng công chứng; Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng; Bồi thường, hoàn trả trong hoạt động công chứng; công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn; Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản; Thời hạn công chứng; Địa điểm công chứng;....

Trong đó, để hạn chế vướng mắc về hiệu lực áp dụng cho các bên trong việc thực hiện ký công chứng văn bản sửa đổi/bổ sung hợp đồng/văn bản đã công chứng, đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam đề nghị bổ sung: Trường hợp công chứng văn bản sửa đổi/bổ sung văn bản đã được công chứng trước đó, các bên có quyền thỏa thuận hiệu lực của văn bản sửa đổi/bổ sung được tính từ thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng trước đó”.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định “Trường hợp phát sinh nhiều hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng điện tử cho cùng một đối tượng giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau thì hợp đồng, giao dịch có hiệu lực là hợp đồng, giao dịch được công chứng viên ký bằng chữ ký số sớm nhất”. tránh trường hợp Bên thế chấp, Bên bán có hành vi gian lận (Ví dụ: Thực hiện giao dịch mua bán, thế chấp đối với cùng một tài sản).

Hay khoản 2 Điều 5 dự thảo, cũng được đề nghị sửa thành: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án hoặc trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác”, để phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ: Các cơ sở, phạm vi, căn cứ để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự; Trách nhiệm của công chứng viên trong việc kiểm tra, xác minh, làm rõ tính xác thực của hợp đồng, giao dịch dân sự tại thời điểm công chứng là đúng hiện trạng, phù hợp với thực tế giao dịch; Cơ chế bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong trường hợp hợp đồng, giao dịch đã được công chứng hợp pháp nhưng bị Tòa án tuyên vô hiệu do “người giả; giấy tờ giả; giao dịch giả, đối tượng giao dịch không có thật/không đúng thực tế...”.

Chia sẻ ý kiến tại cuộc họp, đại diện PVCombank đề nghị, Ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến công chứng điện tử, làm sao để giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử được đảm bảo.

Về việc yêu cầu người yêu cầu tham gia hợp đồng, giao dịch ký trực tiếp trước sự chứng kiến của công chứng viên trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền hình trực tuyến, đại diện ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đăng ký chữ ký số tại tổ chức hành nghề công chứng (tương tư đăng ký chữ ký mẫu theo thủ tục công chứng thông thường theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Dự thảo), vì đối với văn bản công điện tử được ký số, chữ ký số của các bên tại Hợp đồng bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ của thông điệp dữ liệu, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy theo quy định tại khoản 12 Điều 3, khoản 2 Điều 23 Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Ngoài ra, đại diện ngân hàng cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định thêm về điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, thực hiện đồng bộ hóa trong lĩnh vực công chứng tại các địa phương khi cơ sở vật chất, điều kiện chất lượng internet tại nhiều nơi chưa ổn định so với mặt bằng chung…

Trong khi đó, đại diện ABBank lưu ý đến quy định tại Điều 43 về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Theo đó, đây là khái niệm rất rộng và trong thực tế, ngân hàng gặp rất nhiều trường hợp khác nhau. Vì vậy, đề nghị quy định rõ hơn như thế nào là giao dịch về bất động sản để sát với thực tế.

Thực tế áp dụng cho thấy các công chứng viên có quan điểm khác nhau về định nghĩa “giao dịch liên quan đến bất động sản”. Để tránh cách hiểu khác nhau, đại diện ngân hàng đề nghị, ban soạn thảo bổ sung nội dung “Đối với việc thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động sản Công chứng viên phải tìm hiểu, tra cứu thông tin về giao dịch liên quan đến bất động sản đó trên hệ thống thông tin công chứng và chịu trách nhiệm về việc công chứng, đăng tải thông tin lên Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc sau khi công chứng đúng theo quy định của pháp luật công chứng và văn bản pháp luật khác có liên quan….

Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng nên quy định rõ các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động sản là loại Hợp đồng, giao dịch nào; quy định chung như dự thảo sẽ khó khăn trong việc xác định loại hợp đồng, giao dịch được công chứng.

Sẽ tiếp thu và chỉnh sửa/bổ sung trong dự án Luật
Sau khi lắng nghe báo cáo góp ý của đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam cũng như chia sẻ của đại diện một số tổ chức hội viên tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý công chứng, Cục Bổ trợ Tư Pháp, Bộ Tư pháp cho biết, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều rất quan trọng trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). “Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, một số điểm có thể sửa đổi trực tiếp trong dự thảo, một số ý kiến góp ý cần nghiên cứu phương án tiếp thu”, bà Nguyễn Thị Vân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý công chứng, Cục Bổ trợ Tư Pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý công chứng, Cục Bổ trợ Tư Pháp, Bộ Tư pháp chia sẻ tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Liên quan đến công chứng điện tử, bà Nguyễn Thị Vân cho biết, đây là vấn đề mới và khó. Do đó, quy định ở mức nào để đây là điểm đột phá trong dự thảo nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của Luật Công chứng là vấn đề mà Ban soạn thảo đang tập trung nghiên cứu. Trên tinh thần đó, bà Nguyễn Thị Vân khẳng định: “Những ý kiến tâm huyết của Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp thu với tinh thần cầu thị”.

Còn đối với một số điểm vướng mắc do cách hiểu và cách tiếp cận của các bên khác nhau, bà Nguyễn Thị Vân cho biết, Ban soạn thảo sẽ xem xét để chỉnh sửa lại từ ngữ để làm rõ hơn ngữ nghĩa tại những điểm vướng này.

Tại cuộc họp, đại diện đến từ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cũng nêu một số vướng mắc trong quá trình thực hiện công chứng và đưa ra những giải đáp đối với những vướng mắc các TCTD nêu tại cuộc họp. Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết, thực hiện công chứng không đồng nhất theo quy định là thực trạng phổ biến hiện nay, dẫn tới việc quản lý rất phức tạp. Do đó, Ban soạn thảo Luật Công chứng (sửa đổi) rất mong nhận được ý kiến góp ý chi tiết từ các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo. Ban soạn thảo sẽ cân nhắc sửa đổi các điểm còn vướng mắc theo hướng hài hòa với bố cục của Luật Công chứng.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Đại diện của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cũng đã giải đáp một số ý kiến mà tổ chức hội viên góp ý tại cộc họp, cũng như chia sẻ một số ví dụ thực tiễn để làm rõ hơn quy định liên quan đến một số vấn đề kỹ thuật như: Hợp đồng soạn thảo, mẫu luật chứng, người thứ ba ngay tình, giấy tờ tùy thân,...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản góp ý gửi Bộ Tư pháp. Đặc biệt, đối với vấn đề công chứng điện tử, đề nghị Bộ Tư pháp rà soát sửa đổi để phù hợp với Luật Giao dịch điện tử mới ban hành.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được xây dựng và những vấn đề trong Luật Đất đai cũng liên quan đến Luật Công chứng. Vì vậy, và Vũ Ngọc Lan cũng đề nghị, Ban soạn thảo các quy định tại dự án Luật Công chứng (sửa đổi) cần rà soát để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất thêm một số vấn đề về trách nhiệm của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đối với việc đưa dữ liệu lên cơ sở dữ liệu điện tử, lưu trữ công chứng, các quy định bảo vệ khách hàng....

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao các ý kiến chia sẻ từ phía cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý và các ý kiến góp ý từ các tổ chức hội viên. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đây là quy định rất quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, các tổ chức hội viên có góp ý chi tiết bằng văn bản, giải thích rõ tất cả những đề xuất/kiến nghị, hay những khó khăn/vướng mắc đang gặp phải gửi về CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam để tổng hợp gửi Bộ Tư pháp.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đề nghị các TCTD lưu ý đến vấn đề liên quan đến quy định về công chứng điện tử trong bối cảnh Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã được ban hành và có hiệu lực thi hành trong thời gian tới và hiện tại.

thitruongtaichinhtiente.vn
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay