Chiều ngày 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên để bàn về vấn đề ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp.
> Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói về điều hành lãi suất thời gian tới
Tham tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách Tiền tệ; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, cùng đại diện các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, việc điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng đã có những đóng góp rất tích cực vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được kiểm soát ở mức khá thấp, kinh tế tăng trưởng ở mức cao so với các nước trên thế giới. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định; đồng Việt Nam kiểm soát được mức tăng thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác. Mặt bằng lãi suất có tăng lên phù hợp với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới nhưng so với mặt bằng lãi suất của các nước cũng thấp hơn nhiều.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp chiều 7/12/2022. Ảnh: Ngô Hải
Đối với tín dụng, kết thúc 9 tháng năm 2022, tín dụng tăng mạnh lên đến 11,5 % và so với cùng kỳ tăng đến 16,17 %. Tuy nhiên, từ tháng 10 năm 2022, trên thị trường quốc tế đã có nhiều biến động khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng nhanh lãi suất. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp, giúp thanh khoản hệ thống được cải thiện. Để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022 với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Bên cạnh đó, cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tham mưu cho Thống đốc để tiếp tục có những thông điệp cụ thể đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, tạo sự an tâm hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các Ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO)…, ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các Ngân hàng qua kênh OMO. Qua đó làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của Ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Về dài hạn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng mong các cơ quan soạn thảo các dự thảo của Ngân hàng Nhà nước lắng nghe đầy đủ những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số các văn bản luật như Thông tư 39, Thông tư 22, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.... để sớm ban hành, hoàn thiện khung pháp lý cho các TCTD hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, sau cuộc họp này, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tổng hợp những vướng mắc của các TCTD và đề xuất các giải pháp cụ thể với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cho các TCTD ổn định thanh khoản và mặt bằng lãi suất huy động.
M.H