Thứ ba, 10/09/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng hành trình về nguồn tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Từ ngày 29/6-2/7/2024, Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có chuyến đi "về nguồn", đến tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến hy sinh trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Đây là chuyến hành trình “về nguồn” ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) do đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) làm trưởng đoàn. 

Trong hành trình "về nguồn" vượt hàng trăm cây số dưới cái nắng gió, từ ngày 29/6 - 2/7/2024, đoàn công tác của Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tới dâng hương tại: Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Khu di tích Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong thời tiết nắng ráo, ngày 29/6, đoàn công tác VNBA đã tới dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mộ Đại tướng nằm trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc vùng biển Vũng Chùa,  nằm cách đường Quốc lộ 1A khoảng 2km và cách Đèo Ngang- nối 2 tỉnh Quảng Bình- Hà Tĩnh - hơn 3km.

Dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng đoàn công tác VNBA dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kính cẩn, nghiêm trang dâng hương lên phần mộ Đại tướng, đoàn công tác VNBA bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc đối với “Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng được thế giới tôn vinh là nhà chỉ huy kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đoàn thanh niên VNBA
Đoàn Thanh niên VNBA dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Ngày 1/7, đoàn công tác VNBA về với mảnh đất Quảng Trị - nơi có lịch sử chiến tranh đầy bi thương, diễn ra nhiều trận chiến khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất từng bị chia cắt bởi sông Bến Hải, đánh dấu ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng đoàn công tác VNBA dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Đoàn công tác VNBA đã dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 10.000 người con thân yêu của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn 

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38 km và cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20 km về phía Tây Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đoàn công tác VNBA dâng hương
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc cùng đoàn công tác VNBA thắp hương mộ phần các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Khu đồi Bến Tắt được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn và đến nay vẫn còn nhiều chiến sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc cùng Đoàn công tác VNBA dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.

HIệp hội Ngân hàng chup anh luu niệm

Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất và có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Di tích Lịch sử Thành cổ Quảng Trị

Đoàn Công tác VNBA dâng hoa, hương tại Di tích Thành cổ Quảng Trị, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Cũng trong ngày 1/7, đoàn công tác VNBA tiếp tục hành trình về với Khu Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị - một trong những địa danh nổi tiếng tại Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị - một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Ngày nay, Thành Cổ là một điểm tham quan gây nhiều xúc động, đây được coi là "nghĩa trang không nấm mồ", là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc cùng Đoàn công tác VNBA dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị

Nói về Thành Cổ Quảng Trị, trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi chưa đầy 2.000m mà đối phương huy động một lực lượng hùng hậu: với sự hỗ trợ của hạm đội Mỹ, hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9/1972 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3km2, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.

Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay. 

Đoàn công tác VNBA xúc động trước "hành trang người lính" Thành Cổ Quảng Trị

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn công tác VNBA không giấu nổi cảm xúc và niềm xúc động khôn tả trước lòng dũng cảm, sự hi sinh của những người lính đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Đoàn công tác VNBA đã dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành Cổ Quảng Trị để tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.

Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Rời Thành Cổ trong chiều cùng ngày, đoàn công tác VNBA đã tới bờ sông Thạch Hãn để thả hoa đăng tưởng nhớ và tri ân những người con đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã nằm lại trên dòng sông này

Đoàn công tác VNBA thả hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn

Bến thả hoa bờ sông Thạch Hãn là một công trình được xây dựng cho nhân dân, cán bộ, khách tham quan các nơi về đây đặt, cắm hương hoa và thả hoa đăng xuống dòng sông để tưởng nhớ hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này. Tại đây, có bài thơ của cựu binh Lê Bá Dương được tạc trên bia đá bên dòng Thạch Hãn được ví là bài “thơ thần” của dòng sông Thạch Hãn bi hùng trong chiến tranh: "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng và Chủ tịch Công đoàn VNBA Nguyễn Thị Xuân thực hiện nghi thức thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ

Dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Ngày 2/7, đoàn công tác VNBA đã đến dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là địa chỉ cuối trong hành trình về nguồn của đoàn công tác VNBA.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cái tên “Ngã ba Đồng Lộc” được nhắc đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, 56 năm về trước, vào ngày 24/7/1968 đã chứng kiến sự ngã xuống đầy anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP).

Ngã ba Đồng Lộc (nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2. Trong những năm chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này nhằm chặn chi viện của hậu phương ra tiền tuyến.

Đoàn công tác VNBA dâng hương tại bia tưởng niệm 10 nữ chiến sĩ TNXP Ngã Ba Đồng Lộc

Theo các tư liệu lịch sử, giai đoạn những năm 1964 đến 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Không quân Mỹ đã liên tục đánh phá ngã ba Đồng Lộc nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch giao thông của ta hướng về chiến trường miền Nam ác liệt, nhất là 240 ngày đêm từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Mỹ đã đánh phá 2.000 lần và gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông ở đây là trên 3 quả bom tấn, cho nên gọi đây là "tọa độ chết”.

Địch càng quyết phá nát con đường này, ta càng quyết giữ, bằng mọi giá không để cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam. Chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc lúc đó gồm nhiều lực lượng như bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân, nhân viên y tế, bưu điện, lái xe, thông tin… nhưng đông đảo nhất, hùng hậu nhất chính là lực lượng thanh niên xung phong. Vào thời gian cao điểm nhất, số lượng người có mặt tại chiến trường Đồng Lộc lên tới 16.000 người. Những chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Họ sống bám cầu, bám đường, kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Mệnh lệnh từ trái tim của tất cả các chiến sĩ Ngã ba Đồng Lộc thời đó là: “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”. Trên tuyến đường này, máu của hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống ngã ba trận địa, viết nên những khúc tráng ca bất tử. Đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái TNXP vào chiều ngày 24/7/1968. 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc ấy thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, bao gồm: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi), họ đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Cùng với các chị còn có hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi con đường huyết mạch này.

Dâng hoa tưởng nhớ các nữ chiến sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Ghi nhớ tinh thần anh dũng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xây khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam.

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống mới với cung đường giao thông hiện đại, cây xanh mọc lên đã hồi sinh tọa độ chết năm xưa. Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc với những câu chuyện cảm động. 

Nhớ lại những nơi đã đi qua, mỗi thành viên trong đoàn công tác VNBA đều không khỏi dâng lên cảm xúc lắng đọng, nghẹn ngào.

Hành trình về nguồn ý nghĩa tại mảnh đất lịch sử miền Trung hào hùng và vinh quang là một trải nghiệm đáng nhớ, đầy ý nghĩa đối với mỗi thành viên đoàn công tác VNBA. Đây là truyền thống hằng năm của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhằm ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

PV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay