Thứ năm, 31/10/2024
   

Định hình tương lai số ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững

Sáng 29/10/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo và Triển lãm ngành ngân hàng Việt Nam – Smart Banking năm 2024. Sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC (IEC Group) phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với chủ đề "Định hình tương lai số ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững", Hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart Banking 2024 bao gồm 01 phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận với các chuyên đề: Đổi mới hạ tầng công nghệ thúc đẩy vận hành nhanh, bền vững trong thời đại số; Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm; Nâng cao an toàn, bảo mật trong thời kỳ chuyển đổi số ngân hàng. Diễn tập phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense 2024 với sự tham gia của gần 50 đội từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, chứng khoán, bảo hiểm…

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tham dự hội thảo có sự tham gia của: Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Ông Lê Hoàng Chính Quang - Quyền Cục trưởng phụ trách Cục công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Trung tá Triệu Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an); Ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ tài chính); Bà Nguyễn Vân Anh - Tổng giám đốc IEC Group; Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank); Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP phát triển Việt Nam (BIDV); Ông Nguyễn Xuân Học - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc khối bán lẻ ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cùng đại diện nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam.

Chiến lược vận hành an toàn và bền vững, định hình tương lai số ngành ngân hàng
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề: “Định hình tương lai số ngành ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững" là một chủ đề không chỉ mang tính thời sự mà còn là một vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của ngành ngân hàng, một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia. 

Hiện nay, ngành ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa. Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành ngân hàng phải đối mặt với không ít thách thức. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu về bảo mật thông tin và sự tuân thủ quy định pháp luật ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Mặc dù vậy, sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ứng dụng di động, và các giải pháp thanh toán điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Đến nay, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Trong 7 tháng đầu năm 2024  so với  cùng kỳ năm 2023, giao dịch Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, điều cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt là rất rõ.

An ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, sản phẩm ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được coi trọng. Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; Làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất.

Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày. Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank.

Dù những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành Ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu. 

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, chủ đề hội thảo Smart Banking 2024 không chỉ đơn thuần là bàn luận về những xu hướng công nghệ mà còn tìm kiếm những chiến lược phát triển bền vững cho ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, cần phải xem xét cách thức mà các ngân hàng có thể kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội, từ đó xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, có khả năng thích ứng với những biến động của thị trường. Sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân nào mà là sự nỗ lực chung của toàn ngành. Chúng ta cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố mới, phức tạp, và thay đổi nhanh chóng cần phải liên tục tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. 

Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng các tổ chức tín dụng cùng thảo luận về quy định, yêu cầu pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng nắm bắt thông tin trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành ngân hàng chuyển đổi số thành công và bền vững.

Thông qua Hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ hy vọng, các chuyên gia, các nhà khoa học và các lãnh đạo trong ngành ngân hàng cùng tập trung thảo luận rõ các vấn đề :

Thứ nhất, thảo luận, đánh giá một số kết quả chuyển đổi số chính của ngành ngân hàng đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách hướng tới hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho chuyển đổi số nhanh và bền vững.

Thứ hai, thảo luận, đề xuất các giải pháp công nghệ hiện đại, chia sẻ các mô hình hay và các cách làm đổi mới sáng tạo; Chia sẻ các giải pháp trao đổi thông tin, thu thập số liệu, phân loại, làm sạch dữ liệu, xây dựng và phân tích cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững

Thứ ba, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động của ngành ngân hàng.

Thông qua hội thảo, ông kỳ vọng, Triển lãm Smart Banking năm 2024 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo cao cấp trong ngành ngân hàng với các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại phiên toàn thể của sự kiện, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ: Về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Chẳng hạn, từ việc mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021, cho đến việc từ ngày 01/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn, hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ.

Trên thực tế, theo ông Phạm Tiến Dũng, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Điều này cho thấy tỷ lệ số hoá của ngành Ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Không chỉ vậy, ngành Ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đối với quá trình chuyển đổi số cũng vậy. Ngành Ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,…Việc kết nối, tích hợp là một điểm mới, điểm sáng mà ngành Ngân hàng đã làm được. Tuy nhiên, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, với chủ đề của Smart Banking 2024 là “Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, lắng nghe và đưa ra các ý kiến để làm sao kết nối và tích hợp một cách an toàn, bền vững. Ông cũng đề nghị, các chủ đề được thảo luận, chia sẻ tại sự kiện Smart Banking năm nay sẽ hướng đến nội dung định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng tại Việt Nam một cách thiết thực, gần gũi, sát với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao.

Ông Dũng đặt vấn đề khi hiện tại, dữ liệu cho thấy ngành Ngân hàng có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động trong vòng 5 phút tác động sẽ vô cùng lớn. Vì thế, sau khi đã "phủ sóng" sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, ngành Ngân hàng cần phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.

Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.

Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký.

Đồng thời, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị cần có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.

Phó Thống đốc hy vọng, sự kiện lần này, các công ty công nghệ sẽ trình bày những giải pháp thiết thực giúp ngành Ngân hàng hướng tới hoạt động một cách an toàn, bền vững.

Khuyến nghị và định hướng giải pháp bảo mật thông tin cho ngành Ngân hàng
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông
Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, ngành Ngân hàng đang tiên phong cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số mang lại giá trị lớn nhưng cũng đồng thời thu hút các tội phạm mạng. Chính vì thế, an toàn an ninh đang là vấn đề cốt lõi của hoạt động ngành ngân hàng. Ông Tuấn đã đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất, đề nghị các Ngân hàng thực hiện triệt để quy định của pháp luật về An toàn thông tin, đặc biệt là quy định an toàn thông tin theo cấp độ của đơn vị mình. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT) sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thông tin trong ngành Tài chính ngân hàng.

Thứ hai, từng đơn vị có kế hoạch giám sát, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố, triển khai các biện pháp an toàn thông tin.

Thứ ba, tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường khả năng phòng thủ thông qua con người. Thường xuyên tổ chức diễn tập thực chiến để phát hiện ra lỗ hổng trong ngân hàng của mình.

Thứ tư, đào tạo nâng cao an toàn thông tin dữ liệu cho toàn bộ đội ngũ nhân viên, đào tạo đội nhân sự.

Thứ năm, các ngân hàng cần phải chia sẻ thông tin, không che giấu khi xảy ra sự cố.

Ứng dụng Dữ liệu và AI trong đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh: Thách thức và giải pháp
Ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo của Viettel AI
Ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo của Viettel AI

Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, việc ứng dụng Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã trở thành yếu tố cốt lõi, không chỉ giúp đổi mới mô hình kinh doanh mà còn tối ưu hóa chiến lược vận hành, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khốc liệt. Nhằm giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc về những thách thức và giải pháp mà Dữ liệu và AI mang lại cho chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo của Viettel AI đã có bài trình bày về chủ đề: “Ứng dụng Dữ liệu và AI trong đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh: Thách thức và giải pháp.” Ông cho biết, khi áp dụng chuyển đổi số đem lại lợi ích tích cực trong ngành tài chính ngân hàng: 

Tăng trải nghiệm khách hàng: Trả lời và xử lý vấn đề cho khách hàng nhanh chóng (ứng dụng smart email); Tự động hóa các quy trình cho vay khách hàng cá nhân, phát hành bảo lãnh; Tự động hóa các hoạt động onboard và duy trì, khởi tạo thông tin khách hàng… 

Phát triển nội tại doanh nghiệp: Phát triển và tối ưu nguồn lực doanh nghiệp. Phát triển bền vững, triển khai tự động hóa; Quản lý rủi ro: Tự động hóa các hoạt động quản trị tuân thủ, kiểm tra kiểm soát, báo cáo định kỳ; Đầu tư về nhân sự: Phát triển đội ngũ banker và analyst để động hóa các công việc cá nhân.

Ngân hàng số năng động và linh hoạt: Số hóa doanh nghiệp bao gồm thẻ và thanh toán; Các hoạt động giao dịch: Cắt giảm nỗ lực trong các hoạt động báo cáo, nghiên cứu, phân tích…; Ngân hàng bán buôn số hóa tài trợ thương mại, cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Ngân hàng chia sẻ tại hội thảo

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, ngành ngân hàng đang bước vào một thời kỳ mới với vô vàn cơ hội và thách thức. Sự trỗi dậy của các xu hướng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các nền tảng số hoá đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức hoạt động của ngành ngân hàng, mở ra những tiềm năng to lớn để cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng”, đi sâu vào phân tích những xu hướng mới và tác động của các công nghệ tiên tiến đối với ngành, ứng dụng vào thực tiễn, các chuyên gia từ nhiều ngân hàng thương mại đã chia sẻ về cách các ngân hàng đang tích cực chuẩn bị để thích ứng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu ngày càng đa dạng và thay đổi của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Theo đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hành trình đổi số của BIDV bắt đầu từ năm 2000 với tư vấn của chuyên gia nước ngoài và xác định trụ cột là làm chủ công nghệ và triển khai ứng dụng với khách hàng. Hiện tại, BIDV đang xây dựng nền tảng tương lai số hóa vào năm 2030 với các định hướng hạ tầng công nghệ, nâng cấp Core Banking, Core thẻ, API mở, nghiên cứu và phát triển điện toán đám mây, chuẩn bị quy hoạch xử lý bài toán và ứng dụng AI trong kinh doanh của ngân hàng; Xác định phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; Chiến lực nội bộ và hướng đến khách hàng…

Chia sẻ về vai trò dữ liệu đối.với hoạt động ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) khẳng định, ai nắm trong tay dữ liệu người ấy sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, dữ liệu cần phải quy hoạch, tập trung và triển khai “dân chủ hóa dữ liệu” với cách tiếp cận toàn diện, từ làm sạch tới khai thác…

Tại tọa đàm cấp cao, đại diện MB chia sẻ thành công từ việc đặt mục tiêu làm chủ tối đa công nghệ, ra quyết định dựa trên dữ liệu, tạo ra các nền tảng công nghệ như sáng kiến tài khoản số đẹp, tài khoản trùng số điện thoại tạo lợi thế cạnh tranh…

Với nhiều ý kiến thảo luận và các tham luận của chuyên gia, các tổ chức tín dụng có thể thấy rằng, chuyển đổi số và an toàn bảo mật thông tin trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nói riêng và ngành tài chính - ngân hàng nói chung trong xu thế tất yếu giúp bảo vệ khách hàng và người dùng trong thời đại kỷ nguyên số.

Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc hội thảo, hội thảo đã nghe báo cáo chia sẻ về: “Chiến lược phòng ngừa các cuộc tấn công an ninh mạng, đảm bảo an toàn hệ thống vận hành” từ Bà Tan Bin Ru, Chủ tịch Khối Giải pháp số Khách hàng Doanh nghiệp tại Singapore Technologies Engineering và và phần đối thoại với chủ đề hết sức thời sự và cấp thiết: “Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”. Đây phần thảo luận của các chuyên gia về các thách thức đang hiện hữu trong lĩnh vực an ninh mạng, vận hành hệ thống, cũng như các rủi ro về lừa đảo và gian lận tài chính - những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trong ngành tài chính ngân hàng hiện nay.

N.A

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay