Thứ năm, 19/12/2024
   

Chủ động phòng, chống rửa tiền với giao dịch tiền mã hóa, tài sản số

Tại hội nghị: “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” ngày 22/09/2023, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay giao dịch tiền mã hóa không loại trừ các khả năng rửa tiền. Bởi vậy, việc phòng ngừa thường “đi trước” và được thực hiện trước giai đoạn chống “rửa tiền”.

Ngày 22/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị: “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tham dự hội nghị có: Ông Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; ông Trần Đình Lương, Phó Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ; ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyên Đỗ, Giám đốc Phát triển thương mại cấp cao, Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP. Hồ Chí Minh; ông Triết Huỳnh, chuyên gia thương mại cấp cao Thương vụ Hoa Kỳ; ông Võ Minh Thảo, Phó trưởng phòng, Văn phòng Trung ương Đảng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; cùng đại diện các Ban, đơn vị trong Hiệp hội; đại diện các tổ chức hội viên.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong bối cảnh hiện nay giao dịch tiền mã hóa không loại trừ các khả năng rửa tiền. Bởi vậy, việc phòng ngừa thường “đi trước” và được thực hiện trước giai đoạn chống “rửa tiền”. Đây là một vấn đề cấp bách không thể để nước đến chân mới nhảy mà cần phải thực hiện ngay để việc thực thi cơ chế chính sách được thực hiện tốt hơn.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Cục Phòng chống, rửa tiền tổ chức hội nghị để cùng triển khai Nghị định số 19/2023/NĐ-CP và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN, quy định phòng chống rửa tiền đối với tiền mã hóa.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề cấp bách để các đơn vị, ban ngành Ngân hàng nhà nước, các lãnh đạo thực hiện phòng chống rửa tiền, các chi nhánh ngân hàng nhà nước trên địa bàn thành phố cùng các tổ chức tín dụng cần quan tâm, lắng nghe. Bởi việc phòng ngừa hiệu quả hoạt động phòng chống rửa tiền chính là những biện pháp được triển khai nhằm hạn chế lượng lớn tiền bẩn, không cho “xâm nhập” hay hòa trộn vào các loại nguồn vốn sạch khác trong nền kinh tế.

Tại TP Hồ Chí Minh, Hiện các giao dịch tiền mã hóa đang xảy ra hàng ngày, "Tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch, vậy phòng chống rửa tiền thế nào? Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện qui định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội?" - ông Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.

Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng mong muốn thông qua hội nghị để các tổ chức, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình về nhiệm vụ, cơ chế chính sách, đặc biệt là tiền mã hóa nhằm giúp tất cả cá nhân, tổ chức đều có thể thực hiện được.

Đặc biệt, TS Nguyễn Quốc Hùng cũng hy vọng, trong quá trình triển khai công tác phòng chống rửa tiền khi gặp những rủi ro, vướng mắc liên quan đến Nghị định số 19/2023/NĐ-CP và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hãy kịp thời phản ảnh cho Hiệp hội Ngân hàng để cùng nhau khắc phục. Từ đó, hoàn thiện quy trình, giải pháp để làm tốt công tác phòng chống rửa tiền, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng cục phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng cục phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

Tại hội nghị: “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng cục phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao việc phối hợp của các tổ chức, trong đó có Hiệp hội Ngân hàng trong hoàn thiện những quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền để đưa các quy định này áp dụng vào thực tế đời sống.

Bên cạnh đó, bà Thơ cũng chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số đã tạo ra bước phát triển kinh tế, xã hội và giúp thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống như việc sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Qua đó, đem lại lợi ích to lớn cho xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn những hành vi phạm tội nhất là tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Nhận thức được vấn đề này, thời gian vừa qua Đảng, chính phủ, quốc hội đã cùng phối hợp hoàn thiện Luật phòng chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN, với trọng tâm là Luật phòng chống rửa tiền. Từ đó, tạo ra hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền phù hợp với thực tiễn.

Bà Thơ cho biết, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ luôn đồng hành cùng các hiệp hội, với các đối tượng báo cáo triển khai trong quy định pháp luật, chống rửa tiền, chống khủng bố và tài trợ khủng bố.

Theo Cục Phòng, chống rửa tiền, với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, vì chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: một số nội dung liên quan đến quy định phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa. Cùng với thông tin về sự phát triển của ngành công nghệ Blockchain đã mở ra kỷ nguyên mới về công nghệ. Đến nay, công nghệ Blockchain đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, như: tài chính ngân hàng; thương mại du lịch; bảo hiểm đến các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; cùng nhiều ngành nghề khác...

"Khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi hơn. Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quản lý, kiểm soát tiền mã hóa, tài sản số, trên bình diện chung còn rất hạn hẹp" - ông Trần Việt Hùng nói.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ Blockchain không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà nó còn tạo ra các tồn tại vô hình mang tính thách thức trong công tác quản lý đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Theo ước tính của Văn phòng ma túy mỗi năm tổng giá trị hoạt động của rửa tiền chiếm ở mức 2 - 5% GDP toàn cầu, tương đương 2000 - 2.500 tỷ USD. Từ rất sớm các quốc gia đều xác định ưu tiên công tác phòng chống rửa tiền nhằm ngăn chặn các hoạt động về rửa tiền.

Trước đó, Blockchain Việt Nam cũng đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo. Chương trình này thuộc 4 hoạt động trọng điểm trong năm 2023 của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai dự án tại Việt Nam cùng Quốc tế, để góp phần vào công cuộc phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động Blockchain.

Ông Trần Việt Hùng cho biết thêm, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền (AML: Anti-Money Laundering) và chống tài trợ cho khủng bố (CFT: Counter-Financing Terrorist) AML/CFT của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (Financial Action Task Force - FATF) cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các chuyên gia thảo luận, trả lời câu hỏi của các đại biểu về phòng chống rửa tiền
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các chuyên gia thảo luận, trả lời câu hỏi của các đại biểu về phòng chống rửa tiền

Thông qua hội nghị, sẽ giúp cho các ngân hàng chủ động hơn trong việc triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN. Đồng thời, giúp các ngân hoàn thiện tốt hơn quy trình, giải pháp trong quá trình hoạt động tại các ngân hàng.

Ngọc Anh
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay