Thứ bảy, 23/11/2024
   

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống

Ngày 29/12/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định

Ngày 29/12/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 2

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Phát biểu khai mạc (ảnh SBV)

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc NHCSXH đồng chủ trì hội nghị.

Tín dụng chính sách xã hội - Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 3

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị (ảnh SBV)

Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội, để phù hợp với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các bộ, ngành, địa phương và NHCSXH đã tích cực phối hợp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách tín dụng với đa dạng mục tiêu và đối tượng thụ hưởng; tham mưu ban hành một số chính sách nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Để có được những kết quả tích cực như trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên kịp thời và có hiệu quả; đặc biệt là những đóng góp, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ NHCSXH.

Theo Thống đốc NHNN, xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, trong giai đoạn tới cần tiếp tục có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền địa phương; Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; sự nỗ lực của hệ thống NHCSXH; sự ủng hộ của nhân dân cả nước.

Hội nghị tổng kết này là dịp để đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, làm cơ sở đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống

Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2002-2022 đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật.

Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, 20 năm qua, NHCSXH thường xuyên chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quyết tâm với công việc, phục vụ người dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, cùng các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 4

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ủy viên HĐQT NHCSXH trình bày tham luận tại hội nghị (ảnh SBV)

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Trong đó, NHNN chỉ đạo các TCTD Nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường thì nguồn nhận tiền gửi 2% của các TCTD Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong thời gian đầu khi NHCSXH mới đi vào hoạt động; NHNN cũng tái cấp vốn để NHCSXH có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ, thông qua vốn tín dụng chính sách, đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7% cuối năm 2005, bình quân giảm 2%/năm, giai đoạn 2006-2010 từ 22% cuối năm 2005 xuống 9,45%, bình quân giảm 2,51%/năm; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, bình quân giảm 2%/năm; giai đoạn 2016-2020 từ 9,88% xuống 2,75%, bình quân giảm 1,43%/năm; đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 5

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách (ảnh SBV)

Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, trải qua 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ,100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng. Thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022).

Từ những kết quả đạt được, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW có thể khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; “là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực”-  (Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) - là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Với những thành tích đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua, NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004; tặng Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2014, 2015, 2016, 2017 và năm 2018; Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008, hạng Nhì năm 2013; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2006, hạng Nhất 2017. Năm 2020, NHCSXH vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả đạt trong triển khai chính sách tín dụng xã hội và đề nghị NHCSXH tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội; góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 6

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh SBV)

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện một trong những đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VII (1992), Đảng ta đề ra chủ trương: “Phải trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành quỹ xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo”. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Kể từ khi thành lập đến nay đã tròn 20 năm thành lập NHCSXH. Đây là dấu mốc rất quan trọng, để chúng ta tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tín dụng chính sách trong thời gian tới.

Trong suốt quá trình 20 năm thực hiện Nghị định 78, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương,đặc biệt là sự chủ động, triển khai tích cực của NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nội dung Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã tổng kết một cách tổng thể, hệ thống những kết quả, hiệu quả của việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Trong đó một số điểm nổi bật là:

Thứ nhất, khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước;là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã được tổ chức thực hiện thành công, trên toàn quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH được xây dựng có tính chất đặc thù, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ ba, huy động được các nguồn lực tài chính một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đổng,bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương.

Thứ tư, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu cho vay của trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo, góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, NHCSXH đã chủ động triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Thứ năm, chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được củng cố, nâng cao; nợ quá hạn duy trì ở mức thấp, thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ khi nhận bàn giao xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ thời điểm 30/11/2022. Đây là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ sáu, đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua.

Theo Phó Thủ tướng, đạt được những thành tích này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức Chính trị - xã hội, sự ủng hộ của nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế; đặc biệt là cống hiến nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, người lao động của NHCSXH bằng sự nỗ lực, tận tâm và ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng và đóng góp lớn của tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển KTXH, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Mặt khác, trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực,tránh dàn trải gắn vớiđẩy mạnh xã hội hóa hoạt động. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; cơ chế trích lập dự phòng rủi ro; tạo điều kiện để NHCSXH phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội,phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực củanhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.Tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo.

Bốn là, nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của NHCSXH.

Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy;đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội như có nhiều chương trình vay với các chính sách ưu đãi khác nhau, số lượng khách hàng lớn, quy mô khoản vay thấp, phải thực hiện giao dịch tại xã, phường chứ không phải tại trụ sở của ngân hàng...tuy nhiên phải đảm bảo an ninh, an toàn, tiện lợi và dễ sử dụng.

Sáu là, Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa vay vốn NHCSXH với đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời, nhân rộng các mô hình quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả trong cộng đồng.

Bảy là, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và yêu cầu Ban đại diện HĐQT các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Hằng năm, cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát thường xuyên, định kỳ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội. Chỉ đạo việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 7

Quang cảnh Hội nghị (ảnh SBV)

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các Ban, Bộ, ngành Trung ương; chính quyền địa phương các cấp; các tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan,đơn vị liên quan; sự nỗ lực, chủ động của Ngân hàng Chính sách xã hội; sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, Phó Thủ tướng tin tưởng sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội; qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng phát triển và giữ vững niềm tin của nhân dân.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo Hội nghị của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thay mặt Hội đồng quản trị và Ban điều hành NHCSXH, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH cam kết sẽ chỉ đạo toàn hệ thống tập trung thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. NHCSXH sẽ kế thừa, phát huy những mặt tốt, mặt tích cực, khắc phục những mặt còn hạn chế để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 trong 20 năm qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin tưởng việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tích cực hơn nữa để hướng về người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần thực hiện chủ trương ”không để ai bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GDP năm 2022 ước đạt 8,02%

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 8

Tốc độ tăng GDP các quý của năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 26,38%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 9

Tốc độ tăng GDP năm 2022 theo khu vực kinh tế (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Chinh sach tin dung doi voi nguoi ngheo 10

Cơ cấu GDP năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay