Thứ bảy, 14/12/2024
   

Cần phân biệt tiền gửi nào không được bảo hiểm

Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư tài chính được đánh giá an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Ngoài vấn đề lãi suất, an toàn tiền gửi, đối với không ít khách hàng, tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm là hai khái niệm cần làm rõ.

Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư tài chính được đánh giá an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Ngoài vấn đề lãi suất, an toàn tiền gửi, đối với không ít khách hàng, tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm là hai khái niệm cần làm rõ.

Hinh anh tiet kiem

Nếu bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe bảo vệ khách hàng trước các rủi ro liên quan sức khỏe thì bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Tiền gửi không được bảo hiểm có khác gì tiền gửi được bảo hiểm?

Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là: các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Người gửi tiền tiết kiệm không phải trả bất cứ khoản tiền nào thêm để được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm tiền gửi. Mà đây là quy định của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của người có tiền gửi tiết kiệm. Ngân hàng và tổ chức tài chính nói trên sẽ là người có trách nhiệm mua bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của mình.

Theo Thông tư 48/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.

Vậy nhưng, cùng là tiền gửi lại có tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm.

Theo Điều 18, Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”

Như vậy, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Giống như các sản phẩm tiền gửi khác của ngân hàng, khoản tiền trên chứng chỉ tiền gửi cũng được ngân hàng tham gia bảo hiểm.

So với gửi tiết kiệm thì chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn và ổn định hơn, cũng tùy vào kỳ hạn dài hay trung hạn. Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài hơn; có thể là 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng hay 84 tháng... tùy từng ngân hàng và đợt phát hành. Theo lý thuyết, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi không được rút trước hạn, nếu có cũng phải chờ sau 1 nửa kỳ hạn (tùy ngân hàng), vậy nên tính thanh khoản sẽ kém hơn so với hình thức gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, kỳ phiếu, tín phiếu cũng được bảo hiểm. Theo Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, kỳ phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tín phiếu là gì. Nhưng có thể hiểu tín phiếu là một loại giấy tờ có giá trị và là chứng nhận nợ do Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ phát hành. Trong đó, có hai loại tín phiếu phổ biến là tín phiếu ngân hàng và tín phiếu kho bạc.

Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, theo quy định, tiết kiệm trực tuyến (hay tiết kiệm online) là hình thức gửi tiết kiệm mà khách hàng gửi/tất toán tiền tiết kiệm thông qua internet mà không phải trực tiếp tới điểm giao dịch của tổ chức tín dụng. Tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nhận tiền gửi của cá nhân đều được bảo hiểm, kể cả tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, trừ trường hợp là tiền gửi của các đối tượng không được bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, người gửi tiền tiết kiệm trực tuyến chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với khoản tiền gửi để được bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Còn tiền gửi không được bảo hiểm, theo Điều 19, Luật bảo hiểm tiền gửi, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi: Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.

Vậy vì sao tiền gửi của thành viên ban lãnh đạo, cổ đông lớn của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lại không được bảo hiểm? Mục đích của chính sách này là nhằm nâng cao trách nhiệm trong quản lý và điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) trong hoạt động của tổ chức tín dụng và hạn chế rủi ro đạo đức, do đó, tiền gửi của các đối tượng trên không được bảo hiểm.

Cần nâng cao kiến thức của người gửi tiền về bảo hiểm tiền gửi

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính được giao thực hiện chính sách công về bảo hiểm tiền gửi. Ở Việt Nam hiện nay, có duy nhất 01 tổ chức bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thời gian qua, gắn với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, DIV đã từng bước phát huy vai trò của mình, thể hiện rõ nhất đó là tổ chức này đã chi trả đầy đủ, kịp thời cho hàng nghìn người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ; ngăn ngừa phạm vi ảnh hưởng xấu của các quỹ này đến hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động lành mạnh.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã trao cho DIV trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, vai trò của DIV mới thể hiện được ở trong một phạm vi nhất định. Cụ thể, nhiều người gửi tiền chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đúng đắn về chính sách bảo hiểm tiền gửi, bởi họ nghĩ rằng đằng sau đó có Nhà nước, nếu xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng đã có Nhà nước đứng ra xử lý.

Nhưng khi nền kinh tế chuyển mình sang kinh tế thị trường một cách đích thực hơn, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ phát huy được vai trò, chức năng theo đúng quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi.

Người dân thực sự rất cần tìm hiểu về chính sách bảo hiểm tiền gửi, vì một khi hiểu và có kiến thức, biết được vai trò quan trọng của chính sách này đối với quyền lợi của mình sẽ có lợi không chỉ cho bản thân người gửi tiền, mà còn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp người dân có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, hạn chế tình trạng một số tổ chức tín dụng dùng biện pháp cạnh tranh bằng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng gửi tiền. Bên cạnh đó, việc người dân có kiến thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi và vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cung cấp thông tin cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thì sẽ giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi giám sát các tổ chức tín dụng để các tổ chức này hoạt động lành mạnh, bền vững hơn.

Do đó, DIV cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi (đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người yếu thế…) với các chương trình giáo dục tài chính có tính lan tỏa, dễ hiểu, dễ nhớ.

(Nguồn: DIV)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay