Thứ bảy, 28/09/2024
   

Cần nhanh chóng gỡ vướng cho hoạt động thư tín dụng

Ngày 11/5/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc VCCI) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng" với có sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

Ngày 11/5/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc VCCI) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng" với có sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

Đây cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi trong giới ngân hàng thời gian gần đây, kể từ khiTổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020, chỉ đạo các Cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế VAT.

Can nhanh chong go vuong 2

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ.

Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm. Với văn bản số 1606/TCT-DNL thì toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2011.“Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là khả năng bị hồi tố. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với các khoản tu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011. Các ngân hàng thương mại cũng băn khoăn do bản chất thuế VAT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng nhưng vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu vì vậy tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp.

Phó chủ tịch VCCI liên hệ với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang trong giai đoạn bùng phát mới, các doanh nghiệp cũng đang cùng toàn xã hội bước vào trận chiến chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế. Dịch COVID-19 kéo dài khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn và chưa biết tới bao giờ trở lại bình thường. Nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong quý đầu năm cũng không tránh khỏi xu thế này khi sản xuất và thị trường bị thu hẹp, tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao.Trước bối cảnh đó, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì nhịp độ kinh tế nên kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định. Theo ông Hoàng Quang Phòng, ngay lúc này và bây giờ cần tìm ra giải pháp tháo gỡ và có những đề xuất cụ thể cho hoạt động thư tín dụng”.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp luôn song hành cùng nhau, khi ngân hàng gặp khó khăn, vướng mắc thì doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.

Can nhanh chong go vuong 3

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng

Vừa qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 chỉ đạo các Cục Thuế địa phương: từ thời điểm Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 (Luật CTCTD 2010) có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật CTCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định, nên đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT.

Trên góc độ tổ chức Hiệp hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàngnhận định, văn bản số 1606 nêu trên của Bộ Tài chính là chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp, vì thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu (thu từ khách hàng), do vậy, khi các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C, các ngân hàng sẽ thu thuế GTGT của doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể bị truy thu nộp bổ sung tiền thuế GTGT đã phát sinh từ năm 2011 đến nay cho ngân hàng để nộp ngân sách. Điều này, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp đều đang hết sức khó khăn, Chính phủ và ngành ngân hàng đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Lý giải cho nhận định của mình, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích:

1/ Theo thông lệ quốc tế (UCP 600) thì: Nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) là cam kết thanh toán/bảo lãnh của ngân hàng, nếu người mua không thanh toán đúng hạn thì ngân hàng phải cho vay bắt buộc, vì vậy, về bản chất, thư tín dụng (L/C) là hoạt động bảo lãnh ngân hàng và được coi là hình thức cấp tín dụng, vì vậy khi các ngân hàng phát hành thư tín dụng (L/C) đều phải thẩm định hồ sơ của khách hàng theo đúng quy trình, bảo lãnh, cho vay,... Do đó, phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế GTGT của khách hàng đối với nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) như (Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, UK, EU),ngoài ra có một số nước áp thuế trực tiếp (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với nghiệp vụ thư tín dụng(L/C) (không phải là thuế gián thu như VAT) như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Thuế này được tính vào chi phí.

2/ Theo quy định của pháp luật chuyên ngành về hoạt động thư tín dụng (L/C): Căn cứ tại Khoản 14 Điều 4 và khoản 3 Điều 98 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì, cấp tín dụng gồm: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận; Tại Khoản 11 Điều 2 Thông tư  22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019  của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “qui định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì “Cấp tín dụng là việc TCTD.... Bảo lãnh ngân hàng, Cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)....”. Tại Khoản 15 Điều 4 Luật CTCTD quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc; thẻ ngân hàng...; Thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của ngân hàng”, được hiểu là trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình thư tín dụng (L/C) chứ không phải thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, pháp luật chuyên ngành từ năm 2011 đến nay đều quy định thư tín dụng (L/C) là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo thư tín dụng (L/C), chuyển nhượng thư tín dụng (L/C) và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán).

Không chỉ riêng hoạt động thư tín dụng (L/C), thẻ ngân hàng cũng là nghiệp vụ lưỡng tính như hoạt động thư tín dụng (L/C), vừa là hình thức cấp tín dụng theo Khoản 3 Điều 98 Luật  CTCTD, vừa là dịch vụ thanh toán theo khoản 15 Điều 4 Luật CTCTD và Bộ Tài chính đã có quy định tại Thông tư hợp nhất số 14/VBHN-BTC ngày 9/5/2018 hướng dẫn Luật thuế GTGT và Nghị định 209/2013/NĐ-CP, theo đó nghiệp vụ thẻ tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, như vậy, cùng một loại hình dịch vụ thẻ ngân hàng, vẫn có thể duy trì 2 loại phí, phí liên quan cấp tín dụng (thẻ tín dụng) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và phí không liên quan tới tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

3/ Hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng (L/C)  trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Đến năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 hướng dẫn cụ thể: “… các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.Việc không áp dụng thuế GTGT đối với các khoản thu hoạt động L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế như đã phân tích trên. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức tín dụng không thu thuế GTGT của khách hàng đối với các khoản thu có cam kết thanh toán/bảo lãnh liên quan đến quy trình phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng. Các tổ chức tín dụng  chỉ thu thuế GTGT của khách hàng đối với các khoản phí có tính chất dịch vụ liên quan đến việc vận hành trong quá trình xử lý các nghiệp vụ thư tín dụng.

4/ Vướng mắc của các TCTD và của khách hàng khi thực hiện Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 của Tổng cục Thuế- Bộ Tài chính.

Thời điểm trước và sau khi Luật CTCTD 2010 có hiệu lực, bản chất của L/C không thay đổi, L/C vừa là hình thức cấp tín dụng, vừa là hoạt động thanh toán. Do đó, nếu thực hiện theo nội dung Công văn số 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế thì kể từ ngày 01/01/2011, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT sẽ không đúng với bản chất hoạt động của L/C theo thông lệ/tập quán quốc tế và quy định pháp luật như đã phân tích ở trên. Đồng thời làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc mở rộng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ L/C qua ngân hàng và việc cung ứng vốn tín dụng, có nguy cơ tăng rủi ro cho doanh nghiệp khi áp dụng các phương thức thanh toán khác.

Từ những phân tích trên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay, các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu các tổ chức tín dụng  rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay đã gây ra vướng mắc vô cùng lớn cho hệ thống ngân hàng và cả doanh nghiệp.

Can nhanh chong go vuong 4

Như đã nói ở trên, bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc yêu cầu các TCTD rà soát để nộp thuế GTGT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các TCTD và khách hàng doanh nghiệp. Hơn nữa, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và các TCTD cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp.

Một nguyên tắc cơ bản của thuế GTGT là khi các TCTD kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Không ít trong số các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT. Như vậy, triển khai thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ L/C từ năm 2011 đến nay sẽ làm tăng gánh nặng về hành chính cho cả các doanh nghiệp, TCTD và Cơ quan thuế, hệ thống Kho bạc trên toàn quốc nhưng thu Ngân sách Nhà nước không tăng được bao nhiêu (một bên phải nộp và bên kia thì khấu trừ một phần hoặc toàn bộ).

Mặt khác, thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT bổ sung theo Công văn 1660/TCT-DNL, TCTD mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 đến năm 2020 (với đặc thù hệ thống ngân hàng nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trải dài khắp địa bàn cả nước, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2020 đã có nhiều sự thay đổi, chia tách, sáp nhập đơn vị, số lượng giao dịch lớn, phát sinh trong thời gian dài, liên quan đến nhiều loại tiền tệ).

Bên cạnh đó, sau khi xác định được các loại phí hoạt động thư tín dụng thuộc/không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đối với các L/C phát sinh từ năm 2011, khi thực hiện truy thu thuế GTGT (nếu có) để nộp vào Ngân sách nhà nước, TCTD sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành hóa đơn điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh lại về số liệu đã kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…, dẫn đến việc ảnh hưởng đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong năm tài khóa trước đây của TCTD cũng như tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh, các chỉ số an toàn, giá cổ phiếu, cổ tức đã chia cho cổ đông…

Ngoài ra, trường hợp TCTD phải nộp bổ sung thuế GTGT vào ngân sách nhà nước còn có thể phát sinh tiền chậm nộp (nếu tính từ năm 2011 đến 2021 thì số tiền chậm nộp có thể còn lớn hơn cả số tiền thuế). Đây là một sự kiện bất cập và bất công lớn đối với các ngân hàng nếu phải áp dụng hồi tố.

Tóm lại, hiện nay Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc áp thuế GTGT đối với dịch vụ L/C tại nước ta trong bối cảnh các nước trong khu vực không thu loại thuế này sẽ tác động tiêu cực doanh nghiệp nói riêng và tới môi trường đầu tư nói chung.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan, việc áp thuế GTGT đối với thư tín dụng (L/C) nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng rất mong Bộ Tài chính xem xét ban hành quy định theo hướng tiếp tục thực hiện thu thuế GTGT đối với L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010, tạo thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho biết, ông đã được tham gia Luật thuế GTGT ngay từ những ngày đầu. Trước đây luật lần đầu tiên năm 1997, thi hành 1/1/1999, dựa trên cơ sở các luật chuyên ngành. Luật thuế lần đầu tiên có tranh luận lớn là có đánh thuế với nghiệp vụ tín dụng không, có đánh thuế vào hoạt động vay vốn hay không. Thời điểm đó, khi thống nhất thì đối với hoạt động huy động vốn, cho vay, tạo lập và luân chuyển thì không đánh thuế nên thời đó hoạt động tín dụng không thuộc đối tượng đánh VAT. Quan điểm này được kéo dài đến sau này.

Can nhanh chong go vuong 5

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính)

Ông Phụng cho biết, “Năm 2008 ban hành Luật thuế GTGT số 13, luật này tiếp tục quan điểm đó, quy định nghiệp vụ cấp tín dụng không chịu thuế, lúc đó bao gồm cho vay, bảo lãnh thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”.

Qua quá trình quan sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhiều ngân hàng đã phân định rõ trong tín dụng những vấn đề nào là thư tín dụng thì không áp thuế VAT, cái nào là dịch vụ thông thường thì các tổ chức tín dụng đã kê khai để nộp thuế VAT. “Ngày từ năm 2010 mà các tổ chức tín dụng làm được như vậy thì quản trị rất tốt”, ông Phụng nhấn mạnh.“Hiện nay chúng tôi cùng ngân hàng xác định thư tín dụng gắn với với tín dụng đơn thuần thì không cần nộp thuế còn những giao dịch liên quan đến thanh toán thì phải nộp thuế", ông Phụng nói.

Cùng tham dự tọa đàm có đại diện của nhiều doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và giới luật sự, chuyên gia về hoạt động thư tín dụng.

Can nhanh chong go vuong 6

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Thep Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hệ thống luật thuế và hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều rắc rối. Đã là cấp tín dụng, không phải ngành ngân hàng, rất nhiều ngành khác, lĩnh vực khác, cứ liên quan đến cho vay, tương tự cho vay, là không phải thuế. Nhưng trong các văn bản vẫn còn khó để người dân có thể tiếp cận được nên dẫn tới câu chuyện tại tọa đàm hôm nay. Ngành thuế và ngành ngân hàng đều có cái đúng và sai trong vấn đề này. 

L/C thì chẳng thay đổi gì, chính sách thuế cũng không thay đổi bao nhiêu năm nay, bây giờ có vấn đề tranh cãi thu hay không thu. Năm 1958, chúng ta quy định L/C là một trong những phương thức thanh toán. Nhưng để thanh toán được cần nhiều công đoạn mới ra được thanh toán L/C. Đó chính là vấn đề.

Định nghĩa trong Luật CTCTD không sai nhưng khi bóc tách mới có vấn đề. Câu nói của ngân hàng nhà nước khi cho rằng là gánh nặng của ngân hàng sẽ đúng khi truy thu thuế 10 năm. Nhưng không đúng như khi ông Phụng nói không có quan điểm, chủ trương truy thu. Nhưng đúng là cái gì đáng thu thì không thiếu một xu, cái gì không đáng thu thì không được thu.

"Thu thuế với L/C, nếu cứ nói một cụm L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng, trong khi đó L/C là thư tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối , chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ và giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng", luật sư Đức nói.

Can nhanh chong go vuong 7

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sau khi dẫn một số nội dung đưa ra tại Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/04/2020 của Tổng cục Thuếvà đối chiếu một số điều trong Luật Các tổ chức tín dụng 1997 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010, đã khai quát hoạt động của ngân hàng chủ yếu ở 3 hoạt động: Tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Trong 3 hoạt động trên thì chỉ có cung ứng dịch vụ thanh toán là phải nộp thế.

Về dịch vụ thanh toán cũng đưa ra là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế và chỉ khác nhau ở việc nói rõ các hình thức cụ thể. Nếu mà nói như trên thì không thể quy ngay thư tín dụng là hình thức dịch vụ thanh toán mà chỉ là một phương thức công cụ trong đó.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến cũng thông tin về đánh giá tác động của công văn số 1606/TCT-DNL. Theo bà, đối với khách hàng, ngân hàng đã có khảo sát thì thấy rằng, hiện tại khách hàng giao dịch với ngân hàng qua các biểu phí và như thế việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn và giải thích bổ sung thuế GTGT cho khách hàng là không khả thi.

Bên cạnh đó còn là thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi. “Các khoản thu liên quan đến thư tín dụng các tổ chức tín dụng đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT do quy định lại thuế suất là rất khó” - bà nói.

Đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn. Phạt kê khai sai và Tiền chậm nộp không có nguồn phù hợp để thực hiện…

Từ đó, bà Hải Yến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong phương thức thanh toán thư tín dụng chứng từ (L/C) mà TCTD đóng vai trò ngân hàng phát hành thư tín dụng thuộc hoạt động cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ/có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C).

Theo đó, bà Hải Yến kiến nghị rằng các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Can nhanh chong go vuong 8

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, chúng ta cần làm rõ khái niệm L/C là gì? Bởi hiện nay có hai cách hiểu về L/C: một bên coi là một phương thức thanh toán, một bên coi đây là một hình thức bảo lãnh. Cần làm rõ cách hiểu để có thể đưa ra khuyến nghị.

"L/C theo thuật ngữ, khái niệm là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính (ngân hàng) với điều kiện bên thụ hưởng phải xuất trình toàn bộ chứng từ… trong định nghĩa cũng có một phần nói L/C là bảo lãnh. Luật Ngân hàng quy định tổ chức tín dụng là hình thức thanh toán nhưng thông tư hướng dẫn của NHNH lại coi L/C là hình thức bảo lãnh. Vậy 2 điều đó khác nhau", bà Cúc nêu phân tích.

Cũng theo bà Cúc, Thư LC chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế GTGT, thư tín dụng mà tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Do vậy việc gộp cả 2 đều phải chịu thuế là không khách quan.

Luật 31/2013 về Thuế GTGT quy định: dịch vụ cấp tín dụng bao gồm cho vay, tái chiết khấu và bảo lãnh… từ đó các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và 2 nghị định của chính phủ đều nhắc đến bảo lãnh. Do đó cần phải tách ra hai phần: phần thư không mà thanh toán thì phải chịu thuế còn phần bảo lãnh thì không phải chịu thuế GTGT.

"Tôi mong muốn, bây giờ chúng ta xem xét lại văn bản, hướng dẫn tổng cục thuế tài chính, ngân hàng chưa hiểu rõ. Thì các bên phải xác định lại, xử lý các vướng mắc. Bàn lại trong hoạt động L/C từ khái niệm để tách ra, cơ quan thuế sẽ căn cứ theo đó.

LC để thanh toán phải chịu thuế, L/C mang tính chất để bảo lãnh qua đó để đảm bảo bảo lãnh an toàn trong thanh toán thì đối tượng đó sẽ thuộc đối tượng cấp tín dụng, là hoạt động bảo lãnh không chịu thuế GTGT. Trên cơ sở đó, Tổng cục thuế có hướng dẫn thực hiện văn bản không chỉ L/C chung mà phải tách ra hai phần, như vậy có thể sẽ thống nhất hơn trong quá trình thực hiện", bà Cúc kiến nghị.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, trên bình diện quốc tế mà điển hình là ở Mỹ, khách hàng không phải chịu tiền cho hoạt động LC.“Mỹ không có thuế giá thị gia tăng mà có thuế mua hàng”, ông Hiếu nói.

Can nhanh chong go vuong 9

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Ông Hiếu cho biết, với hoạt động này chỉ ngân hàng phải đóng thuế từ thông báo, xác nhận chuyển nhượng LC đều phải chịu thuế VAT, còn khách hàng không phải chịu thuế.

Tại Việt Nam, ông Hiếu nhấn mạnh rằng, ông chưa thấy đề xuất cụ thể nào liên quan đến vấn đề này. Hiện tại, khi mở LC ra thì phí mở LC, thông báo LC, chuyển nhượng LC thì khách hàng phải chịu.

“Vậy khách hàng có đóng VAT nữa hay không thì là câu chuyện khác?”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Hiếu, LC vừa là cung cấp tín dụng mà vừa là thanh toán."Ví dụ, tôi muốn giao dịch với nhà nhập khẩu của Nhật, doanh nghiệp này thông qua ngân hàng rồi mở LC. Trong trường hợp LC này là LC bảo lãnh đó là một loại tín dụng thay vì ngân hàng phải phát thư bảo lãnh cho nhà xuất khẩu để bảo lãnh cho nhà xuất khẩu. Nếu nhà xuất khẩu không trả tiền hoặc hàng thì Ngân hàng trả. Trong trường hợp này, ngân hàng không phải cho vay tiền mà cho vay uy tín", ông Hiếu dẫn chứng.

Cũng theo ông Hiếu, hiện tại, LC có loại không huỷ hoặc có thể huỷ ngang. Nếu mở tín dụng huỷ ngang thì hoàn toàn có thể không trả tiền và dừng giao dịch bất kỳ lúc nào nên chỉ những tín dụng không huỷ ngang mới được xem là tín dụng.

Về câu hỏi, tín dụng thư có phải là thanh toán không? Ông Hiếu cho rằng, đây là phương tiện thanh toán, hình thức thanh toán.

"Nếu chúng ta công nhận LC có 2 cấu phần, nếu ở hình thức không huỷ ngang thì lệ phí chia như thế nào? Tôi ví dụ, LC đó có giá 100USD thì tỉ lệ như nào? ở mỹ thì không cần trả thanh toán. Còn ở Việt Nam nếu phải trả GTGT là 10% thì tôi cho rằng nên chia đôi, 50% cho tín dụng, 50% cho thanh toán", ông Hiếu nói.

Can nhanh chong go vuong 10

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Đại diện Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Đại diện Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước cho biết, thu thuế GTGT với L/C đặt ra lâu và có nhiều cuộc họp diễn ra ở các cấp. Đây là vấn đề khó khăn về nhận thức của các bên khi chưa thống nhất.

Về phía Vụ Tín dụng, chúng tôi có một vài ý kiến như sau:

Quan điểm của chúng tôi cho rằng L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ credit không phải payment. Đây là thư tín dụng, không phải thư thanh toán. Bản chất tín dụng không thể phủ nhận. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, hoạt động thư tín dụng mang tính chất bảo lãnh, trung gian giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.

Vì sao cần L/C mà không dùng TT, bởi vì trong quan hệ thanh toán quốc tế, khi người xuất khẩu và người nhập khẩu chưa tin tưởng lẫn nhau, chưa hiểu biết, không đủ uy tín cần trung gian đứng giữa để bảo đảm thanh toán theo hợp đồng thương mại. Bản chất của L/C là hoạt động bảo lãnh trung gian giữa người mua và người bán. Và khi quá trình làm ăn giữa hai bên có sự tin tưởng sẽ chuyển sang hình thức đơn giản hơn.

Bản chất cấp tín dụng không thể phủ nhận.

Tại sao đặt vấn đề L/C là hình thức thanh toán? Chúng tôi đã lần lại các văn bản của Bộ Tài chính và các bên có trích dẫn Khoản 15 Điều 4 cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản là… thư tín dụng. Nếu mổ xẻ câu chữ của luật, theo tôi, chúng ta phải hiểu trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình thư tín dụng chứ không thể hiểu ngược lại. Về mặt câu chữ, trong cung ứng dịch vụ thanh toán có L/C chứ không phải ngược lại.

Về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta đã trích dẫn Khoản 15 Điều 4 Luật TCTD 2010, tuy nhiên, nếu trích dẫn điều này thì chưa đầy đủ. Chúng ta còn điều khác cũng tại Luật TCTD như Khoản 4 Điều 14 hay như Khoản 3 điều 98 của Luật Tín dụng. Và Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng rất nhiều văn bản và gần đây nhất là Thông tư 22 của NHNN.

Có thể nói, Luật Tín dụng và Luật TCTD 2010 không hề phủ nhận bản chất lưỡng tính của L/C và bản chất này không thay đổi. Chúng ta không thể hiểu Luật TCTD 2010 phủ nhận bản chất tính dụng của L/C và cho rằng uy L/C chỉ là dịch vụ thanh toán. Và pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục mạch cũ, cho rằng L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán. Và các văn bản dưới luật cũng đi theo mạch đó. Có các Nghị định, Thông tư của NHNN cũng theo mạch quy định L/C là hoạt động mang tính chất lưỡng tính.

Các ngân hàng hiện nay vẫn thực hiện nghiêm túc Công văn 11754. Có ý kiến cho rằng, khi Luật Các tổ chức tínhdụng ra đời thì các văn bản dưới luật như Công văn này tự hết hiệu lực, tức là không cần ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực của 11754. Nhưng nếu Luật các tổ chức tín dụng ra đời những không phủ nhận cái tính chất lưỡng tính của L/C, nên 11754 vẫn đang được thực hiện.

Chúng tôi đề nghị không truy thu thuế từ 2010 vì nhiều lý do. Nếu thực hiện theo Văn bản 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế sẽ có một số tác động, bất câp. Thứ nhất là thuế GTGT là thuế gián thu, nếu nộp bổ sung các tổ chức phải liên hệ lại với khách hàng, điều này rất không khả thi do nhiều doanh nghiệp không giao dịch hoặc phá sản. 

Một điểm nữa là việc truy thu tạo áp lực và gánh nặng cho ngân hàng trong việc kê khai điều chỉnh thuế. Truy thu thuế, tiền phạt cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng nếu không thu được của doanh nghiệp cũng phải tự bỏ tiền để thanh toán hoàn thuế... cũng ảnh hưởng đến doanh thu.

Cơ sở thực tiễn thì ngay khi nhận được phản án của Hiệp hội ngân hàng, thống đốc chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Trong thời gian đó các ngân hàng nước ngoài cũng phản ánh với NHNH về việc trước đây không phải nộp bây giờ phải nộp có ảnh hưởng đến tính ổn định chính sách hay không.

Theo kinh nghiệm quốc tế, theo thông lệ, phần lớn không áp dụng thuế GTGT đối với hoạt động L/C như UK, Malaysia, Australia… Một số nước có tính thuế trực thu với hoạt động L/C như Thái Lan, Trung Quốc. Bangladesh thu VAT với L/C nhập khẩu chứ không thu thuế với L/C xuất khẩu.

Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, do đó nếu bây giờ áp dụng thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia. Đề nghị các Bộ ngành ngồi lại tìm hướng tháo gỡ thuận lợi nhất để tham mưu lên Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề này thông qua giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.

Đại diện Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi bàn về vấn đề thuế GTGT với L/C, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với nhiều đại diện như Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Tư pháp. Sau đó Văn phòng Chính phủ có Thông báo 755 ngày 29/1 giao BTC nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để thống nhất xử lý theo thẩm quyền.

Thứ hai là giao trách nhiệm cho NHNN khẩn trương nghiên cứu cách xác định các loại phi thu từ dịch vụ thanh toán để phối hơp với Bộ tài chính xử lý vấn đề liên quan đến thu thuế GTGT với dịch vụ L/C theo Điều 1 nêu trên.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng theo Thông báo 755, NHNN chủ động lấy ý kiến các ngân hàng thương mại để tổng hợp thành một văn bản và đã gửi cho Bộ Tài chính văn bản ngày 29/03/2021 là Văn bản 2032 và cũng đồng gửi cho các cơ quan liên quan như VPCP, Bộ Tư pháp…để nêu rõ quan điểm của ngân hàng nhà nước đối với việc thu thuế GTGT.

Can nhanh chong go vuong 11

Bà Trúc, Đại diện cho Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị 3 điểm: 1/ Không áp dụng thuế GTGT trên dịch vụ thư tín dụng, phương thức này phù hợp thông lệ quốc tế được áp dụng trên thế giới hiện nay. 34/37 quốc gia trong khu vực OECD đều không tính thuế GTGT trên thư tín dụng. Không đánh thuế phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Nó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào VN, định hướng chiến lược phát triển kinh tế hiện nay. 2/ Không áp dụng hồi tố, khi luật thuế chưa rõ, khi luật thuế thay đổi nên áp dụng ngay lúc thời điểm luật thuế được ban hành. Thuế GTGT là thuế gián thu, việc truy tìm lại các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh là gánh nặng cho toàn ngành kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo nên căng thẳng kinh tế xã hội. 3/ Đối với NSNN, thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng gì về tổng quan, vì thuế GTGT đầu vào và đầu ra trên nguyên tắc cấn trừ đầu vào đầu ra do đó tạo ra một loại thế sẽ là gánh nặng cho ngành ngân hàng và toàn ngành kinh tế.

Can nhanh chong go vuong 12

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Kết luận buổi Toạ đàm, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin rằng Diễn đàn hôm nay vẫn được mở để tiếp nhận những ý kiến liên quan của doanh nghiệp.Với chức năng của mình, ông Tuấn cho biết, “chúng tôi lập tức sẽ có báo cáo tới các cơ quan liên quan, cũng như đề xuất những giải pháp cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn về thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng"; đồng thời mong muốn và kiến nghị rút ngắn quy trình thủ tục để làm sao các báo cáo văn bản sớm được thống nhất, đưa ra được văn bản hướng dẫn để gỡ khó cho các doanh nghiệp thực hiện.

“Về phía Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã ngay lập tực có những phản ánh trên các phương tiện truyền thông của mình” - Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn nói

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay