Ngân hàng đang tăng cường bán nợ xấu. Đại diện Công ty Quản lý tài sản VAMC cho rằng quan trọng nhất của biện pháp này là tạo hành lang pháp lý khuyến khích các nhà đầu tư mua nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 với chủ đề "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 30/9 ở Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nhiều phát sinh khi ngân hàng đi đòi nợ
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của TCTD. Trong đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh; một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu…
Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020.
Trình bày những điểm quan trọng về hoạt động mua bán - xử lý nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty quản lý tài sản (VAMC), cho biết đến 31/8/2020, sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực 1 năm, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó (từ 2013 đến 14/8/2017).
"Nghị quyết 42 cho phép VAMC và các TCTD có nhiều biện pháp hơn trong việc xử lý nợ, đặc biệt là mua bán nợ, có chức năng mua bán nợ, cho phép bán nợ cho các tổ chức và cá nhân, hình thành thành thị trường mua bán nợ. Số liệu thu hồi nợ sau khi Nghị quyết 42 đi vào thực tế đã tăng gấp 4 lần, biện pháp bán nợ thể hiện sự tích cực, đa dạng hóa hình thức mua bán nợ"- ông Nam đánh giá.
Trình bày về tình hình triển khai Nghị quyết số 42 cũng như các khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho biết quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Tiến độ xử lý, thu hồi nợ qua cơ quan Tòa án và Thi hành án còn rất chậm.
Ông Huân chia sẻ sau khi có Nghị quyết 42 bảo vệ quyền chủ nợ tốt hơn, thuận lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên khi đi đòi nợ cũng có những trường hợp phát sinh nhất định là: Khi phát sinh tranh chấp mà khách không hợp tác thì ngân hàng thường kiện ra tòa. Nhưng ra tòa gặp vô vàn khó khăn rắc rối. Các con nợ thường tạo tranh chấp mới để gây khó khăn chậm lại quá trình... từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi…
Ngân hàng tận dụng bán nợ xấu ra thị trường
Ông Nguyễn Thế Huân cũng cho biết VietinBank đang vận dụng nhiều nhất biện pháp bán nợ ra thị trường để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 cho phép bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị gốc của khoản nợ. Nhiều khoản nợ của VietinBank được xử lý qua biện pháp này, giúp tiết kiệm khá nhiều nguồn lực của ngân hàng, thời gian và công sức, qua đó cho phép ngân hàng tăng cường nguồn lực để tiếp tục cho vay.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC, chia sẻ rằng hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…
Phương pháp bán nợ này tuy nhiên vẫn còn tiệm cận tại Việt Nam. Quan trọng nhất của biện pháp này là tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.
Hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp, và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên phương pháp mua bán nợ theo giá trị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng đồng thời giúp huy động nguồn lực vào thụ trường mua bán nợ xấu, có ý nghĩa to lớn với xã hội.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức của Công ty Luật Basico, Nghị quyết 42 giống như chìa khoá giúp giải quyết nút thắt về tài sản tranh chấp, giúp việc giải chấp tài sản để trả nợ. Có thể nói nó là một chính sách hiệu quả, khả thi, hữu dụng nhất về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý về thủ tục rút gọn, Bộ Luật dân sự từ có hiệu lực từ năm 2015 nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông chưa thấy chưa xử lý được vụ nào. Điển hình là Agribank có hàng chục vụ việc được đưa ra toà nhưng chưa giải quyết được.
Theo nld.com.vn