Theo Công văn số 5850/TTGSHN6 ngày 26/11/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị định 88 được xây dựng căn cứ vào Luật Các Tổ chức tín dụng ngày 16/6/2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20/11/2017, Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012. Tuy nhiên, những văn bản này đã được thay thế. Do vậy, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88, nhằm đảm bảo phù hợp với pháp luật chuyên ngành và tình hình thực tiễn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88 được xây dựng dựa trên các định hướng như: Sửa đổi các quy định phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp với các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đảm bảo tính răn đe, xử phạt nghiêm minh.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88 cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thanh tra, xử phạt.
Cụ thể, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88, được xây dựng với 04 Chương, gồm: Chương I, quy định chung; Chương II, hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt tiền; Chương III, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; Chương IV, điều khoản thi hành.
Chi tiết dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bản so sánh và thuyết minh, Báo rà soát các VBPQPPL, Báo cáo tổng kết và Báo cáo đánh giá tác động chính sách, quý hội viên xem tại đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng hội viên tham gia ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo này.
Văn bản góp ý của quý Hội viên (bao gồm cả file word) xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ email: lehoanghiep1511@gmail.com trước ngày 10/12/2024 để tổng hợp (Điện thoại: 0395.646.500 - Mr. Hoàng Hiệp).
VNBA rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của quý Tổ chức hội viên.
PLNV