Thứ ba, 05/11/2024
   

Ba yếu tố nền tảng để tiến tới ngân hàng mở và xa hơn là nền kinh tế mở

Ngân hàng mở (Open Banking) đang phát triển xa hơn với tài chính mở (Open Finance), nơi không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính mà còn mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái. Và xa là hướng tới nền kinh tế mở (Open Economy), nghĩa là liên kết tài chính và phi tài chính.

Ngày 29/10/2024, tại Khách sạn JW Marriott Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024.

Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, sự kiện năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số, hứa hẹn mang đến một chương trình hấp dẫn với những phần thảo luận sâu sắc.

Chìa khóa thúc đẩy nền tảng ngân hàng mở

Tại phiên toàn thể của sự kiện, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện các bộ ban ngành: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông,... và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và công nghệ; chủ đề về Ngân hàng mở (Open Banking) được khai thác dưới góc nhìn thực tiễn.

Hiện nay trên thế giới, ngân hàng mở là nền tảng đầu tiên để mọi người bắt đầu áp dụng những dịch vụ rất cơ bản về ngân hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ. Tuy nhiên, ngân hàng mở đang phát triển xa hơn với tài chính mở (Open Finance), nơi không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính mà còn mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái, hay nói cách khác, kết nối với những thực thể khác trong lĩnh vực tài chính như công ty bảo hiểm... Từ đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tốt hơn để quản lý tài chính. Và cuối cùng là hướng tới nền kinh tế mở (Open Economy), nghĩa là liên kết tài chính và phi tài chính.

Đại diện Mastercard chia sẻ về ba yếu tố nền tảng để tiến tới Ngân hàng mở và xa hơn là tài chính mở và nền kinh tế mở.

Đại diện Mastercard chia sẻ về ba yếu tố nền tảng để tiến tới Ngân hàng mở

Đầu tiên là về hạ tầng kiến trúc. Theo đại diện Mastercard, mỗi nền tảng ngân hàng mở phải có các điều khoản, điều luật cũng như tiêu chuẩn chi tiết của dữ liệu, chẳng hạn như những dữ liệu nào bắt buộc chia sẻ, dữ liệu nào khuyến khích chia sẻ, dữ liệu nào để cho những bên tham gia lựa chọn. Bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp các thành viên tham gia đưa ra các chiến lược phù hợp để triển khai.

Tiếp theo là về quyền của người dùng. Bản chất của ngân hàng mở là trao quyền cho người dùng, và người dùng cần hiểu được họ được trao quyền như thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh cho thấy gần 60% người dùng chưa thực sự hiểu về quyền lợi của mình sau 5 năm triển khai ngân hàng mở.Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kết nối với người dùng để họ hiểu rõ quyền lợi của mình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là chiến lược của các bên tham gia. Các ngân hàng có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động bằng cách đáp ứng theo quy định của pháp luật về ngân hàng mở, hoặc tham gia một cách chủ động trong việc xây dựng và xem đó là một chiến lược để tạo ra những giá trị thặng dư mới cho doanh nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng.

Ba yếu tố này sẽ quyết định việc triển khai ngân hàng mở của doanh nghiệp cũng như tiến gần hơn tới tài chính mở và nền kinh tế mở.

Tương lai của thanh toán số

Trong nền kinh tế số hiện nay, khái niệm về tiền và cách trao đổi giá trị đang thay đổi sâu sắc. Bên cạnh tiền mặt truyền thống và số dư ngân hàng, các loại tiền tệ kỹ thuật số như tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), tín chỉ carbon, và tài sản mã hóa như NFT ngày càng được sử dụng rộng rãi. Sự chuyển đổi này phản ánh tầm quan trọng của tài sản kỹ thuật số, khi có đến 94% ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm hiểu hoặc phát triển CBDC để thích nghi với thương mại trực tuyến.

Tương lai của thanh toán số
Tương lai của thanh toán số

Đến với phiên chuyên đề 2 tại Smart Banking 2024, với chủ đề “Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm”, đại diện Mastercard đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về “Thúc đẩy đổi mới trong thanh toán số và hơn thế nữa”. Trước bối cảnh chuyển đổi số các loại tài sản, công nghệ mới cũng cho phép mã hóa tài sản, từ bất động sản đến đồ vật cá nhân, dưới dạng kỹ thuật số và trao đổi dễ dàng.

Dự kiến, tổng giá trị tài sản mã hóa trên toàn cầu có thể đạt gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Vì vậy, các tổ chức tài chính giờ đây cần cung cấp dịch vụ lưu trữ và trao đổi an toàn cho các tài sản kỹ thuật số trong môi trường được quản lý chặt chẽ. Đồng thời, những thách thức trong thanh toán truyền thống, như phụ thuộc vào thiết bị di động, xác thực thanh toán trực tuyến,... sẽ dần được cải thiện với công nghệ sinh trắc học và thanh toán tích hợp, cho phép các thiết bị và phương tiện tự động thực hiện giao dịch, hướng đến một tương lai giao dịch nhanh chóng và tiện lợi hơn, thậm chí cả xe cộ, tự động thực hiện thanh toán. Sự chuyển đổi này sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các giao dịch nhanh chóng, tiện lợi, và thay đổi cơ bản cách chúng ta nhìn nhận và quản lý giá trị trong thời đại số.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay