Ngày 28/7/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trong toàn hệ thống.
Ảnh toàn cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank, Thành viên Hội đồng thành viên đã báo cáo sơ kết tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh; tiếp tục triển khai thiết thực, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng tài chính. Nhiều chỉ tiêu kinh doanh đã đạt và vượt tiến độ kế hoạch năm 2022 đề ra. Đến 30/6/2022, tổng tài sản đạt 1,77 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Agribank luôn giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm trên 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Với hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ, công tác tín dụng của Agribank tăng trưởng tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 176 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Với mục tiêu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, Agribank phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm ngân hàng hiện đại: Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ qua kênh điện tử, phát triển dịch vụ mới có tính nổi trội trên nền tảng E-Banking; tiếp tục triển khai dịch vụ tài khoản số đẹp, mở tài khoản trực tuyến eKYC; tăng cường mở rộng dịch vụ thu/chi hộ; mở rộng hoạt động AutoBank CDM, đẩy mạnh kết nối POS; mở rộng liên kết dịch vụ ngân hàng - bảo hiểm…
Đặc biệt, Agribank ra mắt và triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa Lộc Việt theo chuẩn VCCS sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, tích hợp hai ứng dụng thẻ ghi nợ và tín dụng trên cùng một chip, giúp khách hàng linh hoạt và chủ động trong lựa chọn phương thức thanh toán. Vừa qua, sản phẩm Thẻ Lộc Việt của Agribank đã dành Giải Sao Khuê 2022 cho hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, 6 tháng đầu năm 2022, Agribank đã dành hơn 200 tỷ đồng ủng hộ công tác an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Dự kiến trong năm 2022, Agribank dành khoảng 600 tỷ đồng để triển khai các hoạt động an sinh xã hội trong cả nước.
Đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Kết luận Hội nghị, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, đã đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực, trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, người lao động toàn hệ thống với nhiều kết quả đáng khích lệ; đồng thời chỉ rõ những giải pháp trọng tâm cần thực hiện để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022, chuẩn bị lộ trình cổ phần hoá. 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện Chương trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội; chủ động điều hành công tác huy động, cân đối vốn phù hợp với sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động.