Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 214 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi tại ngân hàng này không đồng nhất khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 9 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 6,3 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng giảm hơn từ hơn 14 tỷ về mức 7 tỷ đồng, tương đương giảm 52% so với quý III/2021.
SaigonBank đã đẩy mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cùng chi phí hoạt động lên lần lượt là 21 tỷ và 156 tỷ đồng, tăng 84% và 40% so với quý III/2021.
Kết quả ngân hàng này thu về hơn 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022 và giảm gần 8% so cùng kỳ 2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, SaigonBank đạt 236 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 21% so với cùng kỳ với thu nhập lãi thuần tăng 46% khi đạt 663,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của SaigonBank tăng thêm gần 700 tỷ lên 25.308 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 11% lên mức 18.335,8 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng ghi nhận mức tăng 1,2% khi đạt 18.338 tỷ đồng.
Báo cáo tại Saigon Bank ghi nhận, nợ nhóm 3 giảm xuống 10,9 tỷ đồng nhưng số dư nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều tăng sau 9 tháng đầu năm. Nợ nhóm 4 tăng gần 20%, lên 127 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 của SGB là 253 tỷ đồng, tăng gần 43% so với đầu năm và chiếm 64,7% số dư nợ xấu của ngân hàng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của SaigonBank tăng 20% lên mức 391 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,97% của đầu kỳ lên mức 2,13%.