Chủ nhật, 24/11/2024
   

Xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với hoạt động tài chính ngân hàng

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng và sản xuất kinh doanh. Đây là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững.

Sáng ngày 25/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với S&P Global Ratings và Công ty Cổ phần FiinRatings tổ chức Hội thảo về “Vai trò xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng.”

Hội thảo có sự tham dự của TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings; Ông Ritesh Maheshmawi – Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Đông Nam Á (S&P Global Ratings); Ông Lê Hồng Khang – Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings; Ông Poul Coughlin – Chủ tịch hội đồng FiinRatings.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Doanh nghiệp vẫn còn ít quan tâm tới xếp hạng tín nhiệm

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập. Xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng và sản xuất kinh doanh.

Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Còn đối với doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, nhanh chóng với mức lãi suất ưu đãi hơn.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên thế giới, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được phát triển nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, kể từ khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành quy định về việc cấp phép và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã tạo điều kiện hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm chính thức tại Việt Nam. Đến nay, chỉ có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam là FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings với hoạt động của các công ty này còn tương đối hạn chế. Mặt khác, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm rất thấp cho thấy doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng chưa quan tâm đến vấn đề này, trong khi chưa có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cũng như các phương pháp để quản lý các công ty xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Chính vì vậy, TS Nguyễn Quốc Hùng mong muốn hội thảo sẽ cung cấp thêm những kiến thức về vai trò, lợi ích của hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp với những nội dung thiết thực, hữu ích ở một số góc độ như: Giúp các TCTD hiểu được vai trò của hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong quản lý rủi ro tín dụng tại Việt Nam nhìn từ thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm và hiệu quả từ việc triển khai tại các nước, qua đó các TCTD Việt Nam quản trị tốt hơn rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; Cung cấp thông tin về việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam góp phần khuyến khích kênh đầu tư dài hạn tại Việt Nam; Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để các bên liên quan cùng trao đổi khả năng đáp ứng yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2024 đối với một số trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Nghị định 08, Nghị định 65 (về trái phiếu riêng lẻ) và Nghị định 155 (về trái phiếu đại chúng); Cung cấp thông tin, tham luận về năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư cũng như những thay đổi chính sách nhằm xây dựng thông lệ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Ông Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành (Phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings)
Ông Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành (Phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings)
Vai trò xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng

Để hiểu rõ hơn về vai trò của xếp hạng tín nhiệm đối với sự phát triển của thị trường tín dụng, ông Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành (Phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings) đã nhấn mạnh rằng phát triển thị trường trái phiếu là yếu tố quan trọng để có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả và cần có nền tảng nhà đầu tư đa dạng cùng tính thanh khoản tốt. Xếp hạng tín nhiệm và đánh giá chặt chẽ các tổ chức phát hành giúp nhà đầu tư thẩm định độ tin cậy về khả năng thanh toán và nâng cao tính minh bạch.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings
Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, các thành viên trên thị trường cần chung tay để có những bước đi trước kể cả khi chưa có quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam hiện còn thiếu điều kiện để cho người dân đầu tư dài hạn, tiền của dân cư chủ yếu “chảy” về ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng chủ yếu gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, với lãi suất rất thấp không thể đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận cho khách hàng.

Theo ông Thuân, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”, để thị trường phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng.

Hiện Việt Nam có hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhưng cái mà họ cần hơn là câu chuyện tiếp cận vốn.

Để phát triển các dịch vụ hạ tầng tài chính cần phải có bàn tay của nhà nước hỗ trợ. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp về chi phí trả cho bên xếp hạng tiết kiệm để các doanh nghiệp có được bảng xếp hạng tín nhiệm có thể tiếp cận vốn tốt hơn.

Ông Phạm Quang Cảnh – Giám đốc cao cấp (Trung tâm phân tích rủi ro, Khối quản trị rủi ro) ngân hàng Techcombank
Ông Phạm Quang Cảnh – Giám đốc cao cấp (Trung tâm phân tích rủi ro, Khối quản trị rủi ro) ngân hàng Techcombank

Triển khai vào thực tế về xếp hạng và đo lường rủi ro tín dụng, ông Phạm Quang Cảnh – Giám đốc cao cấp (Trung tâm phân tích rủi ro, Khối quản trị rủi ro) ngân hàng Techcombank cho biết, vai trò của xếp hạng tín dụng trong các quyết định tín dụng là vô cùng quan trọng. Các mô hình xếp hạng tín dụng và hành vi đóng vai trò quan trọng trong quyết định kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng từ bước đầu, quá trình khởi tạo tới quản lý khách hàng và cuối cùng là thu hồi, xử lý nợ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay