Các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hiện đang dự thảo báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cố phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng”.
Báo cáo tập trung vào 3 mục tiêu chính: Xác định những lợi ích và thách thức từ việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam; Tăng cường nhận thức về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng và Kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với các mục tiêu đặt ra, dự thảo báo cáo đã phần nào nói lên vai trò quan trọng của nguồn vốn nước ngoài đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu và thực hiện chuẩn mục Basel tại các ngân hàng thương mại.
Thêm vốn ngoại, tăng thêm năng lực tài chính
Có thể nói, trong thời gian qua, nhu cầu tăng vốn để thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trước hết đối với các ngân hàng thương mại nước ta là rất lớn. Kể từ ngày 01/01/2020, khi chính thức triển khai Thông tư 41/2006/TT-NHNN quy định chi tiết về hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì áp lực tăng vốn tự có của các ngân hàng thương mại ngày một gia tăng.
Để tăng vốn, nhiều ngân hàng đã lên phương án phát hành cổ phiếu, giao dịch trên sàn chứng khoán; Nhiều ngân hàng tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hoặc nâng tỷ lệ vốn bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nhiều ngân hàng đã thành công trong việc gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, năng lực tài chính nâng lên, tạo cơ hội để đổi mới đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường thanh khoản, quản trị rủi ro sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán. Sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng quản trị ngân hàng, tăng tính minh bạch trong hoạt động; đặc biệt là động lực thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số, ứng dựng tiến bộ công nghệ vào công tác quản lý, quản trị, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số an toàn, nhiều trải nghiệm, tăng sức cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ phi ngân hàng trước đối thủ là các công ty công nghệ tài chính đang có bước phát triển như vũ bão.
Có thể kể đến một số ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang tìm kiếm tốt cơ hội tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài như: Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank), Ngân hàng Nam Á (NamABank), Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)… Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán là dấu hiệu hết sức tích cực trong việc nâng cao năng lực tài chính; Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại, chưa được các nhà đầu tư nước ngoài để ý tới. Ai khỏe hơn, người đó thắng, song ngân hàng sẽ không chọn bằng mọi giá, mà dựa trên các tiêu chí đã được đặt ra để tìm đối tác phù hợp.
Đạt chuẩn Basel II mở cơ hội gọi vốn nước ngoài
Để gọi vốn nước ngoài, các ngân hàng thương mại quan tâm đến nhà đầu tư chiến lược, trong khi đó, để đem lại hiệu quả đồng vốn đầu tư thì mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư lại nhắm đến sức khỏe của đối tác kèm theo năng lực quản trị tương ứng với chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Vì thế, cùng với quá trình tái cơ cấu, thì việc triển khai thành công chuẩn mực Basel II có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội tìm kiếm và gọi vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, nói cách khác là nhà đầu tư chiến lược.
Cuối năm 2019, đã có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chuẩn Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn) đáp ứng Trụ cột 1 với yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn (hay còn được gọi là hệ số CAR) và Trụ cột 3 về sự minh bạch thông tin. Những ngân hàng này gồm: BIDV, Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank và hai ngân hàng nước ngoài gồm Shinhan Bank và Standard Chartered Việt Nam.Trong đó, tính tới hiện tại đã có 4 ngân hàng chính thức công bố hoàn thành cả ba trụ cột của Basel II gồm: VIB, TPBank, BIDV và VPBank.
Theo lộ trình tại Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ký ban hanh, đến 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á. Điều đó cũng có nghĩa, để đến được cái đích đó, chắc chắn các ngân hàng thương mại còn phải nỗ lực nhiều hơn gấp nhiều lần trong thời gian vừa qua.
Cổ đông chiến lược, tìm đã khó nhưng… vẫn bó
Từ năm 2017 đến năm 2020, số lượng cổ đông nước ngoài tại 16 ngân hàng thương mại đã tăng từ 42 tổ chức lên xấp xỉ 90 tổ chức. Họ là những nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản trị mang tầm vóc quốc tế và khu vực; nhờ đó các ngân hàng thương mại tăng qui mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên nếu so với con số 31 ngân hàng thương mại đang hiện diện ở nước ta thì số 16 ngân hàng thương mại có cổ đông chiến lược còn rất khiêm tốn. Muốn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thì đây là một kênh gọi vốn cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tốc áp dụng tiến bộ công nghệ thanh toán hiện đại, mở rộng dịch vụ tiện ích, phổ cập tài chính toàn diện.
Cùng có quan điểm giống như các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó, nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc, thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2014. Cùng với các quy định mang tính mở đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất chú ý đến việc mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo quy định của Nghị định này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: Cá nhân nước ngoài: không quá 5% vốn điều lệ; Tổ chức nước ngoài: không quá 15% vốn điều lệ; Nhà đầu tư chiến lược: không quá 20% vốn điều lệ; Nhà đầu tư nước ngoài + Người có liên quan: không quá 20% vốn điều lệ.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.
Trong buổi làm việc mới đây giữa các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với Hiệp hội Ngân hàng, dường như tỷ lệ sở hữu vốn trên đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại. Các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước: Cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, về phát triển fintech; cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoai; cải thiện khung pháp lý để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; đối thoại cởi mở hơn với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến cơ cấu sở hữu tại các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bên cạnh các ngân hàng tự chủ động khắc phục khó khăn do nguyên nhân chủ quan như: nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đổi mới công nghệ, xử lý nợ xấu… để tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán là điều rất cần thiết. Việc quy định tỷ lệ ở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu rõ, việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.