Tại hội nghị ngày 17/2, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank sẽ ưu tiên cấp tín dụng đối với bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất; định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch... cấp tín dụng có chọn lọc đối với bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại.
> MB giảm lãi suất cho vay online tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp
> SeABank giảm lãi suất cho vay tối đa tới 1%/năm, hỗ trợ khách hàng cá nhân kinh doanh
> VietinBank tung gói 10.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7%/năm cho doanh nghiệp SME mới thành lập
Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng bất động sản
Sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với bất động sản của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế với dư nợ ở mức 2,58 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng khoảng 24,3% so với thời điểm cuối năm 2021.
Về phía Vietcombank, lĩnh vực bất động sản có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào bất động sản phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, bất động sản để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.
Tại Vietcombank, lĩnh vực bất động sản được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc bất động sản Vietcombank đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.
Với số liệu về tăng trưởng tín dụng bất động sản trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng: Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng bất động sản. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Mở rộng tín dụng ưu đãi đối với bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất
Đối với các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc bất động sản luôn được Vietcombank ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ bất động sản thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021.
Về định hướng tín dụng, Vietcombank định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Singapore vừa qua, Vietcombank cũng đã tham dự cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư và nhận thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong thời gian tới.
Vietcombank cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi.
Cấp tín dụng có chọn lọc đối với bất động sản du lịch, cao ốc, trung tâm thương mại
Đối với lĩnh vực bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, trong thời gian qua, để hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: (i) Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời; (ii) Áp dụng lãi suất ưu đãi đối với với các khoản vay mới, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hành và (ii) Cho vay mới để duy trì, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khách hàng trong các phân khúc này vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển.
Về định hướng tín dụng đối với tiểu ngành bất động sản này, Vietcombank định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.
Cấp tín dụng đối với khách hàng mua nhà để ở, thu nhập ổn định, minh bạch
Đối với bất động sản đất ở, nhà ở, tại Vietcombank hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch...
Vietcombank định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc bất động sản đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.
Về chất lượng cấp tín dụng của Vietcombank đối với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực bất động sản ổn định, trong khả năng kiểm soát.
Giá bất động sản chưa phù hợp với người mua để ở
Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, sự thay đổi về văn bản pháp lý, chính sách quy định liên quan qua các thời kỳ, cũng như thực tế phát sinh một số dự án đã được cấp phép (phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) nhưng vẫn bị thu hồi dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Trong mối tương quan với các nước trong khu vực, giá nhà đất tại Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thu nhập của phần đông người dân, chưa phù hợp với phần đông người mua cuối cùng để ở.
Việc lựa chọn phân khúc để đầu tư chưa hợp lý dẫn đến dư cung tại các phân khúc cao cấp nhưng thiếu đối với phân khúc bình dân. Tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng bất động sản... ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu – đây là nguồn huy động vốn thích hợp cho bất động sản.
Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản qua kênh này, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án bất động sản.
Cần nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cấp phép cho các dự án bất động sản, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương: Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý, đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án, có các giải pháp hỗ trợ khơi thông các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và khuyến khích phát triển sản phẩm tiếp cận người mua thực có mức giá bán hợp lý.
Từ đó góp phần ổn định thị trường bất động sản, cải thiện niềm tin của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp phát triển dự án, người mua nhà...) cũng như giảm thiểu các rủi ro, khó khăn vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Đưa mặt bằng giá bất động sản về mức phù hợp với thị trường
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về phía các ngân hàng thương mại, theo ông Tùng, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại luôn tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai... thông qua các giải pháp như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn/giảm lãi suât cho vay, phí giao dịch...
Về phía Vietcombank, ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu tại Vietcombank (với quy mô hơn 2 tổng dư nợ tại Vietcombank được giảm lãi suất cho vay). Vietcombank tiếp tục giảm toàn bộ các phí giao dịch trực tuyến cho các khách hàng thể nhân trong năm 2023.
Đối với lĩnh vực bất động sản, để giải quyết nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước khác triển khai Gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.
(Nguồn: Chính phủ)