Sáng ngày 07/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Thực tiễn thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế và Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước và đại diện Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng.
Đại diện 70 Tổ chức hội viên, Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài đã tham dự tại các điểm cầu kết nối.
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) gồm 3 Chương, 35 Điều được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30/12/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Các quy định của Thông tư được coi như “cẩm nang” về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng đã phát huy tác dụng, giúp các TCTD tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đóng góp tích cực cho vay sản xuất, kinh doanh phát triển nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay quy định tại Thông tư 39 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình thực hiện, nhất là trong giai đoạn các ngân hàng, TCTD đang đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện số hóa việc cấp tín dụng cho khách hàng, cần được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPBank - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng đã nêu 19 vướng mắc của TCTD khi thực hiện Thông tư 39 (xem thêm bài “Vướng mắc của các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư 39/2016/TT-NHNN và đề xuất” đã đăng trên mục Góp ý chính sách). Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, việc các TCTD nêu lên những vướng mắc của Thông tư 39 nhằm tham gia nhiều hơn với cơ quan có thẩm quyền ngày càng hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế và thông lệ quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của các ngân hàng thì, các quy định của pháp luật cần nhanh chóng thay đổi để thích ứng với tình hình thực tế. Quy trình cho vay, từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định, giám sát, thu hồi nợ cần được tự động hóa; hồ sơ, giấy tờ cần được đơn giản hóa, số hóa vừa đơn giản thủ tục, vừa tiết giảm chi phí tuân thủ, giúp giảm giá vốn cho TCTD, giảm lãi suất vay của khách hàng. Việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hoạt động cho vay của các TCTD cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền tiếp cận theo hướng, những gì Luật Các tổ chức tín dụng không cấm thì được phép làm, tăng quyền cho các TCTD tự quyết định những vấn đề mang tính nội bộ, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc mang tính chất khung, mẫu do cơ quan có thẩm quyền quy định thống nhất.
Đồng tình cao với những vướng mắc đã nêu, tại điểm cầu ngân hàng: Agribank, Techcombank, Sacombank, Vietcombank, VietinBak, BIDV, ACB MB; công ty tài chính Lotte Việt Nam, Tín Việt; nhóm công tác ngân hàng nước ngoài đã bổ sung thêm nhiều ý kiến góp ý sủa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39. Đó là: cần có chính sách riêng về chữ ký số, chữ ký điện tử, quản lý thông tin khách hàng trong giao dịch điện tử; Làm rõ khái niệm về điều kiện cho vay, lãi suất ưu đãi, đối tượng cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng, quy định về khoản vay không được cho vay; Tăng hạn mức cho vay; Bổ sung đối tượng cho vay tái cơ cấu, cho vay bảo hiểm, cho vay cá nhân, cho vay trung, dài hạn; Sử dụng phương tiện điện tử trong thẩm định, phê duyệt cho vay; Tích hợp nhiều văn bản, tránh quy định chồng chéo, thiếu tính thống nhất…
Các ý kiến cho rằng, quy định cho vay cần linh hoạt hơn thời hạn, số tiền, kỳ hạn trả nợ để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu vay của khách hàng. Cần quản lý nợ vay của khách hàng qua tổng danh mục không đi vào các khoản cho vay nhỏ, lẻ theo thông lệ quốc tế. Một số vấn đề liên quan đến hạn mức cho vay thấu chi, cho vay mở L/C cũng đã được nêu ra, thảo luận.
Đại diện các Vụ tham dự đã có chung nhận định, các ý kiến tại tọa đàm là hoàn toàn xác đáng, phù hợp với cuộc sống, xu thế phát triển chung, phản ảnh đúng, sinh động thực tiễn hoạt động cho vay hàng ngày của các TCTD; sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 39 để các TCTD thực thi đúng quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các TCTD đẩy mạnh hoạt động cho vay, phục vụ nhu cầu phát triển nền kinh tế cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, Tọa đàm đã mang lại kết quả tích cực, nhiều ý kiến chi tiết, tâm huyết, thể hiện trách nhiệm cao đối với việc thực thi pháp luật. Mặc dù trong quá trình thực hiện Thông tư 39 có nhiều vướng mắc, nhưng không vì thế mà TCTD vượt qua lằn ranh của quy định. Vừa làm, vừa góp ý, giúp cơ quan soạn thảo xem xét, ngày càng hoàn thiện văn bản quy phạm.
Đối với Thông tư 39, đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh, sửa đổi. Với tôn chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức hội viên, trách nhiệm của Hiệp hội Ngân hàng đồng hành cùng các tổ chức hội viên tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế để kinh doanh tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, bền vững. Những ý kiến được nêu tại tọa đàm, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh, hạn chế thấp nhất sự chồng chéo, làm hài hòa lợi ích của ngân hàng và khách hàng và an toàn hệ thống.