Sáng 23/6/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” theo hình thức trực tuyến, với 2 phiên thảo luận về “Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14” và “Xử lý nợ xấu phát sinh do đại dịch Covid-19”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo tiền Phong; ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đồng chủ tọa.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải TP. Hà Nội đã tham dự tọa đàm tại điểm cầu Trụ sở Báo Tiền Phong.
Hơn 50 khách mời là đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hội viên Hiệp hội Ngân hàng tham dự trực tuyến.
I. Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14
1. Kết quả khả quan
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định:sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Thứ nhất: Nghị quyết 42 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng, với cơ chế xử lý nợ xấu đồng bộ đã giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Các quy định về thủ tục thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng cho tổ chức tín dụng, cũng như trật tự ưu tiên nợ thanh toán nợ xấu… góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 349 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chiếm 66% tổng số nợ, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 54%, nợ xấu ngoại bảng là 24% và xử lý qua Công ty Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 22%.
Hai là: Hiệu lực của Nghị quyết 42 được phát huy, các ngành, các cấp cùng vào cuộc, việc xử lý thu giữ, kê biên, phát mại tài sản bảo đảm, thi hành án được tiến hành đồng bộ.
Thứ ba: Nghị quyết 42 đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người vay trong việc trả nợ gốc, lãi, tích cực hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Trong tổng số nợ xấu đã thu hồi, ngoài các biện pháp xử lý theo chế tài, có tới 44% nợ được trả thông qua tự giác của người vay, mà trước khi có Nghị quyết 42 thống kê chỉ chiếm 22%; góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (từ 1,78-2%).
Với 3 điểm tích cực nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Nghị quyết 42 đã giúp các tổ chức tín dụng khai thông bế tắc về việc xử lý nợ xấu, vốn đang là áp lực đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian qua. Nghị quyết 42 cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng kết để thiết thực hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn, tạo điều kiện cơ cấu nợ trong giai đoạn dịch Covid-19 đang có những diến biến hết sức phực tạp như hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thu Lan - Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì: quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42, bản thân cũng như thực tế của ngân hàng cho thấy, đến nay về cơ bản nợ xấu đã cơ bản được giải quyết. tuy nhiên nợ xấu cũ chưa qua thì nợ xấu thời Covid-19 lại đang ngấp nghé. Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu qua vụ kiện thường kéo dài từ 3-5 năm, rồi lại mất thời gian vào việc thi hành án. Nay việc thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ đã có bước tiến dài; người vay vốn tự giác phối hợp với ngân hàng trong việc giải quyết cục máu đông tồn đọng lưu cữu lâu ngày. Techcombank đã xử lý được trên 70% nợ xấu, nguồn vốn dồi dào có điều kiện để cho vay mới với lãi suất tốt hơn, chất lượng tín dụng nâng cao hơn.
Ông Nguyễn Huy Tài - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho rằng: Nghị quyết 42 như làn gió mát giúp tổ chức tín dụng giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu; vừa giảm thời gian, chi phí, vừa nâng cao giá trị ngân hàng qua việc người vay có ý thức, biết trân trọng đồng vốn ngân hàng cho vay, giữ chữ tín và thường xuyên có mối liên hệ tốt với ngân hàng. Điều đó còn thể hiện rõ mối quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề xử lý nợ xấu, không chỉ là “có vay, có trả” mà nhận thức chung là trả nợ để vay nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Huy Tài, các quy định đồng bộ trong Nghị quyết 42 đảm bảo nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, đồng thời không gây bất ổn xã hội. kinh nghiệm của SHB trong thực hiện Nghị quyết 42 là triển khai đánh gia, phân loại tài sản nợ của khách hàng thành nhiều “lớp” khác nhau, loại tài sản nào ít ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì thu h trước để xử lý, tạo điều kiện nâng cao nguồn lực cho xã hội, giảm áp lực cho doanh nghiệp. SHB cũng phân luồng ưu tiên khách hàng nào có dòng tiền trả nợ thì đề xuất biện pháp cụ thể, cơ cấu lại nợ; khách hàng chây ì thì áp dụng biện pháp thu giữ tài sản; khách hàng không đủ điều kiện trả nợ thì xử lý theo thủ tục rút gọn hoặc bán nợ. Quan trọng nhất đối với việc xử lý nợ xấu là quy định pháp luật phải đồng bộ, bên vay và bên cho vay phải có thông tin trao đổi, chia sẻ thì mới mang lại hiệu quả cao.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho răng, quá trình triển khai Nghị quyết 42 đã mạng lai những mặt được, đó là: đã xử lý được nợ xấu gộp từ thời gian trước khi có Nghị quyết; thể chế ngày càng được hoàn thiện, thiện chí của khách hàng ngày càng tăng lên; sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
2. Khó khăn, vướng mắc:
Theo Hiệp hội Ngân hàng, bên cạnh kết quả mang lại rất tích cực, xử lý nợ xấu với khối lượng lớn thì, quá trình thực hiện Nghị quyết 42 còn phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc mà các tổ chức tín dụng đang rất cần được tháo gỡ.
Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các tổ chức tín dụng cho thấy:
1. Về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giaotài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm: Mặc dù Tòa án đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án gặp nhiều khó khăn. Thực tế, đến nay các cơ quan Tòa án chưa giải quyết vụ việc nào theo thủ tục rút gọn và cácTCTD phải khởi kiện theo thủ tục thông thường để giải quyết, vì vậy, thời gian tố tụng kéo dài.
2. Về việc thu giữ tài sản bảo đảm: Nghị quyết 42 cho phép TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) để xử lý nợ xấu, tuy nhiên, trên thực tế, phương thức thu giữ TSBĐ vẫn đang gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản, trong khi một số địa phương, các cơ quan chức năng chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực cùng TCTD. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết 42, các TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ đi kèm với điều kiện trong hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ TSBĐ. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết pháp luật không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBĐ theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán với bên vay điều chỉnh lại hợp đồng, nhưng khách hàng thường không hợp tác (không ký). Vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ TSBĐ theo Điều 7 Nghị quyết 42.
3. Về việc mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các TCTD còn thấp do trong quá trình mua bán, các TCTD gặp một số khó khăn, hầu hết không thể thực hiện được do trong quá trình thu giữ tài sản, phần lớn các chủ tài sản đều không ký biên bản bàn giao tài sản... Do đó, bên mua TSBĐ không có đầy đủ hồ sơ để làm thủ tục sang tên theo quy định tại Văn phòng đăng ký đất đai. Trường hợp, TSBĐ đã được thu giữ thành công, một số Văn phòng đăng ký đất đai không chấp nhận Biên bản thu giữ TSBĐ theo quy định tại Nghị quyết 42, từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản.
4. Việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự: Các thủ tục, quy trình về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD hiện chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, sự phối hợp cơ quan thi hành án, công an… về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD có khoản nợ xấu chưa chặt chẽ. Do đó, công việc này kéo dài thời gian, các TCTD chậm nhận được tài sản để chủ động bán hay phát mại, xử lý, thu hồi vốn của các khoản nợ xấu.
5. Về việc ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của các TCTD: Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42 thì số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của các TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan thuế vẫn yêu cầu TCTD hoặc bên nhận chuyển nhượng tài sản phải nộp thay thuế thu nhập cá nhân của bên bảo đảm mới thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, sang tên trước bạ, làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế. Ngoài ra, một số nơi, Cơ quan thi hành án vẫn tiến hành thu án phí từ việc xử lý tài sản bảo đảmcủa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Điều này không phù hợp với quy định tạiNghị quyết 42, hạn chế các TCTD trong công tác xử lý nợ xấu.
6. Về việc bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường: Việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa TCTD với VAMC, DATC thiếu nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; thanh khoản của các khoản nợ rất thấp; việc định giá khoản nợ gặp nhiều khókhăn, bất cập, nhất là việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm.
7. Sự tham gia của các Chính quyền địa phương: Mặc dù Nghị quyết 42 đã tạo sức ảnh hưởng và lan truyền mạnh mẽ đến nhận thức của xã hội về xử lý nợ xấu, tuy nhiên ở một số nơi việc chỉ đạo, vào cuộc của Chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp phường, xã) trên thực tế còn rất chậm, dẫn đến nhiều khó khăn cho TCTD khi thực thi các biện pháp xử lý nợ xấu; Ngoài ra, công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự, mặc dù đã có Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp về hoạt động thi hành án dân sự, tuy nhiên, tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc kéo dài… phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ.
8. Về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ theo quy định tại Điều 7 Nghịquyết số 42. Hiện Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.
9. Tranh chấp tài sản đang là vấn đề phức tạp nhất, gây khó khăn nhất đối với các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ nếu không có quy định rõ ràng. Đối với vấn đề này, tại điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42 quy định, nhưng hiện chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định TSBĐ nào đang tranh chấp khi xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42.
10. Điều 14 Nghị quyết 42 mới chỉ quy định về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD mà chưa quy định về việc hoàn trả TSBĐ là tang vật của các vụ việc hành chính cho các TCTD. Trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc TSBĐ là phương tiện vận tải bị cơ quan công an tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Các cơ quan nhà nước không hoàn trả các TSBĐ này cho TCTD do chưa có văn bản pháp luật quy định về nội dung này.
Theo lý giải của TS. Cấn Văn Lực, những vướng nêu trên đều có nguyên nhân, đó là: Sự vào cuộc các các ngành, các cấp chưa thật sự đồng bộ, có nơi còn dửng dưng; Việc hướng dẫn văn bản và triển khai còn chậm, sau 1 năm Hội đồng Thẩm phán tối cao mới có văn bản hướng dẫn về áp dụng thủ tục rút gọn, trong khi thi hành án mỗi nơi hiểu mỗi khác; Khâu thẩm định giá, định giá còn chưa rõ ràng, thiếu năng lực thực hiện; Chưa có thị trường mua bán nợ nên thông tin về khoản nợ chưa công khai, minh bạch.
II. Xử lý nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19
1. Đại dịch Covid-19 tiềm ẩn rủi ro tín dụng:
Theo đại diện Hiệp hội vận tại Hà Nội, nếu như xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thì dịch Covid-19 lại đang kéo theo nhiều hệ lụy sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát nợ xấu tín dụng. Dich kéo dài, dẫn đến ì chệ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không có doanh thu không đóng được thuế, không trả được nợ vay dẫn đến chất lượng tín dụng kém. Vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp tục cần có giải pháp hựu hiệu tháo gỡ.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp đang rất cần có sức để vượt lên, dịch Covid-19 đang ảnh hương cực kỳ nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp). Một doanh nghiệp trong chuỗi doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ bị đứt sẽ kéo theo sự sụp đổ của hệ thống. Vì thế, ngân hàng cần tháo gỡ thủ tục, lãi suất, cần có chính sách giãn, khoanh nợ dài hạn vì sự phục hồi có độ trễ rất lớn; mặt khác ngân hàng nên có chia sẻ về lợi nhuân, chi phí giúp doanh nghiệp bảo toàn vốn. Đề xuất với Chính phủ có quyết sách về tài chính tổng thể, doanh nghiệp nào yếu kém cho giải thể, phá sản; cần có “Vac-xin doanh nghiệp” đảm bảo sức khỏ để sản xuất, xuất khẩu; ngân hàng có cơ chế chăm sóc, ưu đãi, sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa: đề xuất Chính phủ cần có cơ chế tín dụng chính sách, ưu đãi lãi suất thấp để doanh nghiệp trụ được, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có cơ chế khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.
Đại diện SHB nêu quan điểm: doanh nghệp và ngân hàng cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ khó khăn của nhau bởi đều là doanh nghiệp kinh doanh. SHB đã chủ động rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nợ, việc thu hồi nợ xấu trong thời Covid cần xem xét nhiều dòng tiền của doanh nghiệp, từ đó tư vấn những dòng tiền nào ít bị ảnh hưởng, doanh nghiệp có thể thu xếp trả nợ, làm thế nào tránh được tiêu hao nguồn lực; đồng thời có biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch khắc phục như tung các gói tín dụng lãi suất thấp, ưu đãi, giảm bớt chi phí giao dịch… nhằm khôi phục từng phần hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm đã cho doanh nghiệp có doanh thu, thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Đại diện Techcombank nhìn nhận: nợ xấu do dịch Covid-19 là một nguy cơ tiềm ẩn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp hỗ trợ, nhưng ảnh hưởng của dịch thì đang ở phía trước. Theo Techcombak, để xử lý nợ xấu, cần sàng lọc, phân loại khách hàng, giãn nợ, gia hạn nợ; một số khách hàng khó khăn khó có khả năng phục hồi nên tư vấn trả nợ để cắt lỗ; một số khác chây ì mượn có covid thì cần biện pháp mạnh xử lý. Khi ngân hàng thu được xấu thì mới tăng được nguồn vốn cho vay, mới có cơ hội giảm lãi suất. Ngân hàng cũng nên có danh mục cấp tín dụng tốt, có chương trình cho vay mới với những gói tín dụng phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
2. Đề xuất, kiến nghị
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gầnđây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã và đang đồng thuận tiếp tục tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm một số phí dịch vụ để chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng.
Mặc dù, nợ xấu trong quý I/2021 đã có chuyển biến khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp; tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây làthách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất:
1. Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc Luật hóa các quy định về xửlý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản Luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
2. Trong trường hợp đại dịch Covid vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.
3. Việc triển khai Nghị quyết 42 còn rất nhiều vướng mắc, bất cập như đã nêu ở trên, cần thiết tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật để giải quyết kịp thời vướng mắc của các ngân hàng trong triển khai Nghị quyết 42 hiện nay:
- Đối với Tòa án Nhân dân tối cao: Tiếp tục rà soát, chỉ đạo Tòa án các cấp đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 8 Nghị quyết số 42 để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu, tiết kiệm thời gian chi phí cho cả khách hàng và Ngân hàng.
- Đối với Bộ Công an: Cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, bảo đảm việc thu giữ diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật; sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời điểm/thời hạn hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo quy định tại Nghị quyết 42.
- Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý TSBĐ, đăng ký biến động, đăng bộ sang tên đối với TSBĐ xử lý nợ xấu; Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ sau khi trừ đi các chi phí xử lý TSBĐ thì ngân hàng được quyền ưu tiên thu nợ trước (ưu tiên thu nợ trước tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của chủ TSBĐ/Bên thế chấp đối với cơ quan nhà nước) để áp dụng đúng theo tinh thần, quy định của Nghị Quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán.
- Bộ Tư pháp: cần rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ, đồng thời chỉ đạo các Cục thi hành án dân sự ở địa phương cần giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án;
- Ngân hàng Nhà nước: kiến nghị các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong triển khai Nghị quyết 42, hỗ trợ TCTD thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu.
Hiện nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng nên việc báncác khoản nợ xấu của TCTD đã gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước vàcác cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.