Thứ năm, 14/11/2024
   

Tọa đàm trực tuyến góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 07/9/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến góp ý vào Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Ngày 07/9/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến góp ý vào Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (chủ trì) và đại diện các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, các vụ, cục Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ban chuyên môn của Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ: buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực vào việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Thông tư 22/2016/TT-NHNN, những quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần giúp các tổ chức tín dụng làm tốt công tác quản trị nguồn vốn, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Song, đến nay, từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng đã bộc lộ một số bất cập, cần được bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp. Việc tích cực tham gia đóng góp đối với Dự thảo thông tư thay thế này, một phần thể hiện trách nhiệm của Hiệp hội trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức hội viên; mặt khác sẽ góp phần làm lành mạnh hóa nghiệp vụ mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn hơn, công bằng và minh bạch.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết, cơ sở và định hướng của NHNN trong việc xây dựng dự thảo Thông tư này, với mong muốn thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng phát triển trong thời gian tới theo đúng lộ trình mà chính phủ đề ra. Cụ thể, định hướng mà Thủ tướng chính phủ đề ra trong lộ trình phát triển trái phiếu vào năm 2025, với dư nợ của thị trường lớn hơn 20%. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ là một thành phần tham gia chứ không phải tham gia toàn bộ cả thị trường. Theo đánh giá  của WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn tương đồng với nhóm các nước đang phát triển. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng khoảng 9,8 triệu tỷ đồng tương đương khoảng 145% GDP (theo phương pháp cũ) trong đó với hơn 50% là dư nợ tín dụng không thời hạn. Mặt khác nguồn vốn của ngành ngân hàng Việt Nam là rất hạn hẹp nhưng gần 50% là dư nợ trung, dài hạn. Như vậy rủi ro tín dụng của Việt Nam được đánh giá là có rủi ro cao. Trong thời gian tới với rất nhiều quy định chặt chẽ và thông lệ quốc tế được đưa vào áp dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vì vậy dự thảo này ra đời với việc trao quyền và trách nhiệm cho TCTD nhằm tăng cường kiểm soát việc mua/bán TPDN của TCTD có mức độ rủi ro tương đương với việc TCTD cấp tín dụng cho doanh nghiệp (như cho doanh nghiệp vay). Do dự thảo Thông tư mở ra cho TCTD trong việc cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp dưới 2 hình thức là đầu tư trái phiếu và cho vay. Vì vậy, quan điểm của NHNN nhìn nhận điều kiện chuẩn của hai hình thức trên là như nhau. Tuy vậy, bản chất của TPDN là giấy tờ có giá và được mua bán trên thị trường nhưng NHNN đã đưa ra chuẩn cao hơn nhằm giúp quản lý và xử lý rủi ro tín dụng an toàn hơn…

Theo Dự thảo, đối tượng không chỉ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua TPDN, các ngân hàng chính sách cũng được mua, bán TPDN theo quy định của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tổ chức tín dụng không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua TPDN.

Dự thảo cũng quy định: tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua. Tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Mặt khác, tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Trường hợp các doanh nghiệp phát hành TPDN đã thay đổi phương án sử dụng vốn thì các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu khi doanh nghiệp có lãi liên tục trong 3 năm gần nhất và xếp hạng tín dụng cao nhất.

Ngoài ra, dự thảo cũng có thêm một số quy định khác nhằm quy định rõ các trường hợp các tổ chức tín dụng không được mua TPDN, hạn chế tình trạng lách chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng phải xây dựng quy định nội bộ về mua bán TPDN phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình. Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua TPDN bao gồm giới hạn mua TPDN của một doanh nghiệp phát hành, mua trái phiếu của doanh nghiệp và doanh nghiệp liên quan; mua TPDN có bảo đảm, không có bảo đảm; mua TPDN với mục đích để bán, để kinh doanh, để nắm giữ tới ngày đáo hạn.

Dự thảo còn quy định giới hạn mua TPDN, theo đó, tổng số dư mua TPDN được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với khách hàng và người liên quan theo quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động. Đối với TPDN đã niêm yết, tổ chức tín dụng trích lập dự phòng giảm giá và xử lý khoản dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với TPDN chưa niêm yết, các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng theo quy định của NHNN.

Về điều khoản chuyển tiếp, đối với các hợp đồng ký kết trước ngày Thông tư có hiệu lực, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho phù hợp với các quy định tại Thông tư này. 

Tọa đàm đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ thực tiễn hoạt động của các TCTD nhằm góp phần giúp cơ quan quản lý hoàn thiện dự thảo để dự thảo có tính khả thi cao trong quá trình áp dụng. Đối với những ý kiến đưa ra trong hội thảo nhưng chưa được điều chỉnh trong dự thảo thì NHNN sẽ có giải đáp, giải thích rõ để tạo ra đồng thuận về sau trong quá trình thực hiện.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay