Ngày 05/8/2021, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cuộc họp trực tuyến với 74 tổ chức hội viên, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đại diện nhóm các ngân hàng nước ngoài, các quỹ tín dụng không phải là hội viên nhằm chia sẻ vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) để từ đó, đóng góp với Ngân hàng Nhà nước giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trụ vững, vượt qua đại dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: đây là cuộc họp rất quan trọng bởi tính cấp bách, nhiều vướng mắc, bất cập nếu không sớm được khơi thông, sẽ gây nên ách tắc cho hoạt động của tổ chức tín dụng khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN được coi như một chính sách tín dụng phù hợp, toàn ngành cùng cả nước chung tay chống dịch, góp phần tích cực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khắc phục khó khăn trả nợ vốn vay ngân hàng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã giảm bớt gánh nặng chi phí hàng trăm nghìn tỷ đồng để tập trung sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tâm thế bước vào trận đánh cuối cùng, Thông tư 01 (ngày 13/3/2020) và Thông tư 03 (ngày 02/4/2021) không lường trước được còn có biến thể Delta, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khoẻ và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Trong khi dịch Covid-19 thì vẫn chưa biết đến khi nào kết thúc, thì thời hạn chót của Thông tư 03 lại đang đến gần, nếu các quy định không nhanh chóng sửa đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của các tổ chức tín dụng, hậu quả rất khó lường.
Khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng – Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp tới cả chục vướng mắc của các tổ chức hội viên khi triển khai thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03. Tuy chưa đầy đủ, song các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí cho rằng, đó là những vướng mắc, bất cập mang tính cốt lõi, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Ví dụ:
Ngân hàng Nhà nước cho phép không căn cứ vào số lần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nhợ theo Thông tư 01 khi thực hiện phân loại lại để xác định số tiền dự phòng cụa thể trích bổ sung; Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021; Cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch; Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch Covid-19; Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng cơ chế số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Về trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm áp lực tài chính cho các tổ chức tín dụng giúp cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn; Về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mang tính đặc thù, trong trường hợp khách hàng đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02…
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng Nguyễn Thành Long, Thông tư 01, Thông tư 03 có mục tiêu là hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì thế chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp cận cơ cấu nợ theo khách hàng thay vì theo dư nợ/khoản vay, để phù hợp với diễn biến của đại dịch tác động ảnh hưởng đối với toàn bộ nền kinh tế, không phân biệt đối tượng, ngành nghề, chỉ khác nhau về mức độ ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trừ dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi tính xác định nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi xếp hạng tổ chức tín dụng.
Chính sách kịp thời, thiết thực
Với tinh thần khẩn trương, thẳng thắn, trách nhiệm, đại diện các tổ chức tín dụng tham dự cuộc họp bên cạnh việc phản ảnh đầy đủ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Thông tư 01 và Thông tư 03, đã bày tỏ mong muốn đóng góp ý kiến với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng chính sách tín dụng phù hợp với thực tiễn, vừa thiết thực thể hiện trách nhiệm xã hội đối với nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của các tổ chức hội viên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên cũng chính là Hiệp hội đang bàn giải pháp hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Vì thế, mong muốn đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước tham dự cuộc họp tiếp thu đầy đủ ý kiến của các tổ chức hội viên, sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thống đốc ban hành chính sách mới đảm bảo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện.