Ngày 21/9/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên phía Nam.
Tham dự hội nghị có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên (phía Nam) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tại Hội nghị, các tổ chức tín dụng hội viên đã cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh, cùng với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng thời nêu bật những khó khăn, vướng mắc và có những kiến nghị lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để kịp thời tháo gỡ nhằm giúp các tổ chức tín dụng hội viên có đủ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng, hội viên trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đã tham gia góp ý, phản biện cơ chế chính sách có hiệu quả, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các tổ chức hội viên. Đây là một bước thành công, tạo sức mạnh và sức thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã triển khai hiệu quả trong công tác truyền thông với sự đổi mới rõ nét. Hiệp hội Ngân hàng đã chủ động nắm bắt để triển khai, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho các tổ chứ hội viên. Đặc biệt, trong công tác truyền thông đã chủ động tìm hiểu thông tin và quảng bá các thông tin, hình ảnh của hội viên qua cổng thông tin điện tử của Hiệp hội (www.vnba.org.vn) và Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, với đa dạng các thông tin như thay đổi nhân sự, hoạt động thường niên, hoạt động văn hóa thể dục thể thao đều được thực hiện và cập nhật đày đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo đã tổ chức những khóa đào tạo với nội dung mang sức hút lớn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của hội viên. Từ đó, kết quả số học viên tham gia đông đảo, đáp ứng tốt nhu cầu của hội viên. Tiêu biểu là các khóa học về nhận biết tiền thật, tiền giả đã thu hút được nhiều người tham dự, kịp thời cung cấp các thông tin, kiến thức cho hội viên.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng mong muốn các tổ chức tín dụng hội viên cần chủ động phản hồi những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là khi Thông tư 06 đã được sửa đổi, ban hành. “Các tổ chức hội viên trên tinh thần thẳng thắn góp ý với Hiệp hội Ngân hàng để Hiệp hội Ngân hàng có kế hoạch phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện”, TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị và cho biết Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ tích cực cho các tổ chức hội viên.
Báo cáo kết quả tổng hợp công tác, ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tại Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 21/9/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 28 tổ chức hội viên khu vực phía Nam, bao gồm: 21 hội viên chính thức và 7 hội viên liên kết, trong đó chia thành 3 nhóm hội viên: Nhóm 1 gồm 16 ngân hàng; Nhóm 2 gồm 6 công ty tài chính; Nhóm 3 gồm 6 tổ chức trung gian thanh toán và công nghệ tài chính (Fintech).
Năm 2023 được xác định là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng khi tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hậu quả của đại dịch Covid-19, khiến sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Trước diễn biến tình hình tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; triển khai các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, với nhóm ngân hàng và nhóm Công ty tài chính, 9 tháng đầu năm 2023, đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, phát triển công nghệ mới, đặc biệt triển khai các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, quyết liệt, phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, thông suốt, xử lý nợ xấu song song việc tuân thủ quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước.
Riêng nhóm Tổ chức trung gian thanh toán và Công nghệ tài chính trong những tháng đầu năm 2023, các hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nhìn chung hoạt động an toàn, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 64,26% và 7,65% về số lượng và giá trị; qua QR code tăng đột biến 151,14% và 30,41% về số lượng và giá trị…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhán thành phố Hồ Chí Minh, trong ngắn hạn, các hội viên cần thực hiện tốt quy định của Ngân hàng Trung ương như tỷ giá, ngoại hối để thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ, tuân thủ các quy định mới đảm bảo được thị trường hoạt động tốt. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi. Khi doanh nghiệp đã hồi phục sẽ giúp cho nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được giảm bớt. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần phải thực tốt các công tác truyền thông, chính sách của đơn vị kịp thời, minh bạch.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết: Trong thời gian vừa qua, SCB cũng dần ổn định và đạt được nhiều kết quả ổn định. Tuy nhiên, SCB cũng có gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, ổn định hoạt động kinh doanh, giải quyết tranh chấp. Để thực thi được thì có sự nhất quán từ bên trên xuống bên dưới, việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, SCB cũng cần có hướng dẫn cụ thể về các quy định xử lý tài sản, xử lý nợ. SCB chưa có cơ chế áp dụng và quy định cụ thể đối với các tổ chức đang bị xử lý đặc biệt, cụ thể như phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,… Vì vậy, SCB mong muốn có sự hướng dẫn, giúp đỡ của cả Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng cơ quan quản lý.
Đại diện đến từ Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) cho biết, hiện nay các quy định, hướng dẫn đối với xác thực trong giao dịch điện tử chưa có tính đồng nhất trong xác thực điện tử, như: OTP, SMS, xác thực sinh trắc học nên trong hoạt động gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là công tác xác thực bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đối với vấn đề thu giữ tài sản hiện nay, nợ quá hạn tăng cao, việc triển khai thu nợ, thu giữ tài sản rất khó khăn, chưa kể các khách hàng cũng nắm được "kẽ hở" pháp luật để đối phó nên rất khó trong công tác thu giữ tài sản.
Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sẽ tập hợp các đề xuất/kiến nghị tháo gỡ khó khăn được nêu ra tại hội nghị, để báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, trong 3 tháng cuối năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tăng cường và đẩy mạnh công tác đào tạo về truyền thông tới các hội viên, tập huấn, nâng cao kỹ năng phòng, chống và xử lý khủng hoảng truyền thông cho các cán bộ, nhân viên của các tổ chức hội viên… góp phần lan tỏa hình ảnh, các kết quả tích cực của các tổ chức hội viên tới đông đảo công chúng và toàn ngành, toàn xã hội.