Theo TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03 tuy muộn song đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức tín dụng (TCTD), giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các TCTD trong các hoạt động như: cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp…
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam
Phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Phóng viên: Quan điểm của ông và Hiệp hội với việc NHNN ban hành thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 01 như thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN là bước đi phù hợp, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các TCTD và các khách hàng.
Thực tế cho thấy, dù Việt Nam đã chống dịch rất tốt nhưng dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của các TCTD vẫn hết sức khó khăn. Bản thân các TCTD cũng đang lúng túng trong việc xử lý các khoản vay của khách hàng như thế nào và chờ đợi NHNN ban hành thông tư mới.
Do đó, việc ban hành Thông tư 03 (ngày 2/4/2021) tuy muộn song đáp ứng được kỳ vọng của các TCTD, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các TCTD trong các hoạt động như: cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp… Như vậy, Thông tư 03 sẽ có tác dụng tích cực.
Phóng viên: Điểm nhấn trong Thông tư 03 vừa được NHNN ban hành có thể kể đến như: ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi được kéo dài đến ngày 31/12/2021, và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm. Ông có đánh giá như thế nào về những điều chỉnh này? Những điều chỉnh đó sẽ tạo thuận lợi gì cho các tổ chức hội viên của Hiệp hội?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, ấn định thời điểm đến ngày 31/12/2021 là phù hợp, đảm bảo được hài hòa giữa thực tế và hoạt động của các TCTD, của khách hàng. Đây cũng là nguyện vọng của các TCTD, cũng như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Về trích dự phòng rủi ro, với thời hạn trích lập là 3 năm đối với khoản nợ được cơ cấu sẽ giảm bớt được áp lực cho các TCTD khi hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tóm lại, việc quy định mốc thời gian ngày 31/12/2021 và trích dự phòng rủi ro trong 3 năm theo mức 30%, 60%, 100% phù hợp, tạo điều kiện cho các TCTD và khách hàng được triển khai đồng bộ và đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đặc biệt còn phải chịu tác động “trực tiếp và gián tiếp” từ đại dịch COVID-19. Do vậy, theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào từ Chính phủ, các bộ, ngành (nhất là liên quan đến các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) để giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) vượt qua khó khăn, từ đó có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch COVID-19?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cụ thể: NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN để hướng dẫn các TCTD thực hiện. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của NHNN, cũng như các TCTD trong việc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn chống dịch COVID-19.
Về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng đến nay ngân hàng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ, kể cả việc cấp vốn điều lệ với NHTM nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới… cho khách hàng và phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng.
Việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 sửa đổi bổ sung sẽ không chuyển nhóm nợ tương ứng đối với khách hàng và được xem xét cho vay mới nếu dự án có tính khả thi và đáp ứng được điều kiện của các TCTD. Song về bản chất khoản nợ đó là nợ dưới chuẩn và phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình là 3 năm. Do vậy, khi cho vay mới, nếu xảy ra rủi ro thì sẽ quy trách nhiệm về thiếu tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ như thế nào?.
Hơn nữa, trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tôi cho rằng, các TCTD sẽ không có nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Áp lực của ngân hàng là rất lớn.
Do vậy, để giải quyết dứt điểm các khó khăn cho các TCTD, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tôi cho rằng, Chính phủ cũng phải có một Nghị định tương tự Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, về khoanh nợ, với thời hạn khoanh nợ tối đa là 2 năm. Nếu được như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các TCTD và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!