Thứ năm, 14/11/2024
   

Thông tin kết quả Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27

Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27 đã ra tuyên bố chung về hỗ trợ DNNVV phục hồi từ đại dịch Covid-19; Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các DNNVV bền vững, có khả năng phục hồi; hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới để phục hồi và phát triển.

Trong khuôn khổ hợp tác Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2021, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) APEC lần thứ 27 với chủ đề “Giải pháp ứng phó của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với đại dịch Covid-19 và cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững hơn” đã được tổ chức thành công vào ngày 09/10/2021 với sự chủ trì của nền kinh tế chủ nhà New Zealand và Ban Thư ký APEC. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Phát triển doanh nghiệp xin gửi quý Đơn vị báo cáo kết quả chính của Hội nghị như sau:

Chủ đề Hội nghị:

“Giải pháp ứng phó của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với đại dịch Covid-19 và cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững hơn”.

Thành phần tham dự Hội nghị:

Thành phần Hội nghị có sự tham gia đầy đủ của các Bộ trưởng, trưởng đoàn của 21 nền kinh tế APEC. Trong đó có Bộ trưởng một số nền kinh tế như: Bộ trưởng Stuart Nash Bộ Doanh nghiệp nhỏ New Zealand (chủ tọa), đồng thời với các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Australia, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông-Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philipines, Liên bang Nga, Singapore, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan, và Mỹ. Về phía đoàn Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Trưởng đoàn và thành phần tham gia gồm Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Cục Phát triển doanh nghiệp, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Cục Đầu tư nước ngoài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Những nội dung chính thảo luận tại Hội nghị:

Hội nghị diễn ra gồm 02 phiên chính như sau:

- Phiên họp số 01 với tiểu chủ đề “Chuyển đổi số là nòng cốt kích thích phục hồi kinh tế”. Có 14 nền kinh tế (Australia, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông-Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, New Zealand, Philipines, Liên bang Nga, Singapore, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam) đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn về các phương pháp tối ưu nhất để kích thích phục hồi kinh tế thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu đại dịch.

Tại phiên thảo luận này, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Đoàn Việt Nam, đã có bài phát biểu với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025”, chia sẻ với Hội nghị về các chính sách và giải pháp Việt Nam đã và đang triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế.

- Phiên họp số 02 với tiểu chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh doanh bao trùm tại Việt Nam” có 12 nền kinh tế (Australia, Brunei Darussalam, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn về thúc đẩy kinh doanh bao trùm và kinh doanh bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Tại phiên thảo luận này, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có bài phát biểu với chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh doanh bao trùm tại Việt Nam”, chia sẻ với Hội nghị về các chính sách và giải pháp Việt Nam đã và đang triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bao trùm, kinh doanh bền vững, hỗ trợ các doanh nhân nữ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tuyên bố chung của Hội nghị:

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng của 21 nền kinh tế đã thông qua bản Tuyên bố chung nhằm thực hiện các hành động hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, tập trung vào các nội dung chính như sau:

(i) Hỗ trợ DNNVV phục hồi từ đại dịch Covid-19:

Cùng với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc kinh tế chưa từng có. Các khó khăn đặc thù của DNNVV sẽ tiếp tục được giải quyết thông qua các chương trình hỗ trợ khi chúng ta đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo nhằm ứng phó và phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Tại thời điểm gián đoạn chưa có tiền lệ này, 21 nền kinh tế cần cam kết tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực và chia sẻ các thông lệ tốt nhất thông qua APEC. Từ đó thừa nhận vai trò thiết yếu của môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, dễ dự đoán và cởi mở trong việc: tăng cường khả năng tham gia của các DNNVV và các doanh nghiệp khởi nghiệp vào thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng, chống lại các tác động của đại dịch Covid-19, và giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

(ii) Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các DNNVV bền vững, có khả năng phục hồi; hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới để phục hồi và phát triển:

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình hợp tác đổi mới và chuyển đổi số. Việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số không còn là sự lựa chọn, mà là một công cụ cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do vậy, để hỗ trợ DNNVV phục hồi, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tăng tốc chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, cũng như hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng dữ liệu và củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với các giao dịch kỹ thuật số; hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thế hệ tiếp theo giữa các DNNVV để thúc đẩy sự khác biệt hóa và chuyển đổi số.

Tập trung vào các nỗ lực phục hồi mang lại cơ hội kinh tế cho tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm các DNNVV, doanh nghiệp do nữ làm chủ và những đối tượng khác có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác; hoan nghênh công việc của APEC trong việc thực hiện Lộ trình La Serena cho Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm; khai thác tiềm năng kinh tế của các DNNVV do người dân tộc thiểu số làm chủ.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay