Thứ tư, 11/12/2024
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về quản lý thị trường vàng

Là "Tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ.
thị trường vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong/ VnExpress

Sáng 11/11, Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Là "Tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ.

Phát biểu trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn Quốc hội, cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua, đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại kỳ họp thứ 8 này. Đây là dịp để Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước được lắng nghe những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri của cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng. Từ đó giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

Đấu thầu vàng cho thấy hiệu quả

Trả lời chất vấn Đại biểu Lưu Văn Đức (Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội) về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo bình ổn thị trường vàng của Chính phủ ra sao. Ông cũng hỏi việc quản lý thị trường vàng của nhà điều hành tác động đến giá vàng, thị trường hiện tại và tương lai như thế nào.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng của Việt Nam biến động phù hợp diễn biến chung thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và cũng khiến giá trong nước tăng theo.

Từ tháng 6/2024, giá vàng của quốc tế lập đỉnh. Lúc trước khi can thiệp, giá vàng dao động 2.300-2.400 USD một ounce. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tâm lý kỳ vọng của thị trường dâng lên cao. Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế đang ở 15-18 triệu đồng một lượng giờ chỉ còn ba đến bốn triệu đồng.

Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng", Thống đốc nói,

Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn giá vàng được nhân dân người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. "Nếu người dân muốn bán vàng để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không", ông Hòa đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ vì sao chỉ Hà Nội và TP HCM áp dụng chính sách này mà không thực hiện trên cả nước.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh và nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đặt vấn đề mua lại.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. "Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua bán vàng bình thường. Chuyện doanh nghiệp mà không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối tiền", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời.

Về việc chỉ thực hiện chính sách ở Hà Nội và TP HCM, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.

"Qua tổng hợp từ chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố, nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, TP HCM và đô thị lớn. Tỉnh thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

thị trường vàng
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Không khuyến khích người dân giữ vàng

Nhắc lại chủ trương chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết "không khuyến khích người dân giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao".

"Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất, đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", bà Hồng phân tích.

Đây cũng là lý do, theo Thống đốc, cơ quan quản lý đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán kim loại quý.

Thực tế, diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua luôn trong tình trạng sốt nóng. Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung để giảm chênh lệch giá với thế giới. Song giá không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.

Hồi tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng, buộc nhà điều hành có biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Họ chuyển bán tăng cung cho thị trường qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC. Mức chênh giữa giá trong nước và quốc tế dần thu hẹp, từ 18-20 triệu đồng rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng vào cuối tháng 10.

Tuy nhiên, thị trường vàng diễn biến khó lường. Bà Hồng giải thích do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế.

Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách can thiệp khi cần thiết, ổn định thị trường vàng", bà nói.

Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

"Mục tiêu là chống vàng hóa trong nền kinh tế, nên các chính sách đưa ra phải làm sao để kim loại quý không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm.

Sẽ tiếp tục nghiên cứu việc lập sàn giao dịch vàng

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không.

Bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Sẽ bán ngoại tệ khi thị trường ngoại hối biến động quá lớn

Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu TP HCM, chất vấn về giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất, nhằm người dân tiếp cận được dễ hơn tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Sau thời gian thắt chặt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.

Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được", bà Hồng nói.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%. "Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.

Sau phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các đại biểu hỏi ngắn gọn, không hỏi trùng ý của các đại biểu trước đã hỏi. Việc này nhằm có thêm thời gian để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời được nhiều vấn đề.

T.H

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay