Thứ bảy, 14/12/2024
   

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 24/04/2023, Quyết định 853/QĐ-TTg 17/07/2023 và Công văn số 126/TTg-QHĐP ngày 07/02/2024 Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, ngày 26/02/2024 đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thành viên Chính phủ đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long.
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
Dự buổi làm việc có Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Đồng chí Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN; đại diện các Bộ ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài chính; Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đại diện một số đơn vị thuộc NHNN; đại diện các Sở, Ngành có liên quan và NHNN chi nhánh trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đồng chí Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long đã báo cáo về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các nước trên thế giới duy trì lãi suất mức cao… Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát còn đối diện với yếu tố tiềm ẩn rủi ro...

Mặc dù vậy, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực quản lý để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Kết thúc năm 2023, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, GRDP tăng 2,01% so với năm 2022 (thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 5,05%); thu ngân sách vượt dự toán được giao; giải ngân đầu tư công tăng dần qua các quý, đến hết năm 2023 lũy kế giải ngân đầu tư công là 4.319,85 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 90,17% (thấp hơn so với toàn quốc 95%); các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế được tập trung thực hiện kịp thời, các khu vực kinh tế nhìn chung có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2022 (Giá trị nông lâm thủy sản tăng 3,08%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 3,81%; Khách du lịch theo tour tăng 76,73%...).

Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ rõ khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội do sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng qua từng tháng nhưng mức tăng còn chậm, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo nên lũy kế sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm so với năm trước. Hoạt động xuất khẩu dần được cải thiện, tuy nhiên ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng chung của tình hình thế giới và trong nước, chưa có thể tạo ra chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Đồng chí Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long báo cáo tại buổi làm việc
Đồng chí Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long báo cáo tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế,NHNN, năm 2023 NHNN thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã thực hiện từ 5-10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động nên lãi suất cho vay đã từng bước giảm từ 1%-1,5%/năm so với cuối năm 2022 tùy theo đối tượng khách hàng, với một số gói tín dụng cụ thể có mức lãi suất giảm cao hơn.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 31/12/2023 đạt 50.986 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 46.873 tỷ đồng, tăng 11,49% so với năm 2022; trong đó tập trung cho vay vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Tỷ lệ nợ xấu là 2,76% so với tổng dư nợ cho vay.

Về thực hiện và giải ngân các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG, tổng kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là 500,371 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương là 236,573 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 141,656 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 94,917 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh là 263,798 tỷ đồng; tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn cụ thể như sau:

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: Đến nay toàn tỉnh hiện có 75/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 86,21% (toàn quốc là 78%); trung bình đạt tiêu chí trên xã là 17,5 tiêu chí/xã (toàn quốc là 16,9 tiêu chí). Kế hoạch vốn được phân bổ là 421,401 tỷ đồng; đã thực hiện và giải ngân đạt 91,59% kế hoạch (trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 80,53%, vốn ngân sách địa phương đạt 98,23%).

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững: Tỷ lệ hộ nghèo là 0,95% (2.808 hộ) (thấp hơn so với toàn quốc là 2,93%), hộ cận nghèo là 2,4% (7.105 hộ) (thấp hơn so với toàn quốc là 2,78%). Kế hoạch vốn được phân bổ là 48,624 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương); đã thực hiện và giải ngân đạt 7,39% kế hoạch (trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 100%).

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 30,346 tỷ đồng; đã thực hiện và giải ngân đạt 74,14% (trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 73,62%, vốn ngân sách địa phương đạt 100%).

Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 8 kiến nghị Chính phủ và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, NHNN, Tài chính, Công Thương. Trong đó 4 kiến nghị về đầu tư, xây dựng; 2 kiến nghị về chính sách tín dụng; 1 kiến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí; 1 kiến nghị về hỗ trợ thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại.

Theo đó, 5 kiến nghị đã được các bộ, ngành xử lý, bao gồm các kiến nghị về tín dụng, thị trường xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại... 3 kiến nghị đã và đang xử lý do các quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung có liên quan như: điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật quy hoạch nông thôn,... Năm 2024 tỉnh bổ sung thêm hai kiến nghị về chương trình 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao và Vĩnh Long kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu (được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) để đảm bảo tính tuân thủ và thực thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước ta khi an ninh lương thực tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong những năm tới.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, với 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao thì vấn đề bảo quản và đầu ra cần tính toán kỹ. Để thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án này, NHNN sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung Nghị định 116/2018/NĐ-CP về cho vay nông nghiệp nông thôn. Theo đó, những tỉnh có tỷ lệ nông nghiệp, nông thôn cao sẽ được hưởng lợi sau khi nghị định sửa đổi, bổ sung được Chính phủ thông qua. Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm thiệt hại cho thiên tai, dịch bệnh. Ngành ngân hàng sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu mô hình khả thi để đẩy mạnh hơn nữa vốn tín dụng vào các hợp tác xã.

Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM có vốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị của mình ở Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là các khoản vay trung dài hạn.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành và đại diện các Vụ, Cục của NHNN đã trao đổi một số vấn đề tỉnh quan tâm, tình hình xử lý những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của tỉnh Vĩnh Long đã nêu ra tại cuộc họp tháng 11/2023. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, lập quy hoạch, tín dụng cho vay, hỗ trợ lãi suất, nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN kết luận buổi làm việc
Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đ/c Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long trong phát triển kinh tế xã hội và các kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đối với các kiến nghị của tỉnh tại buổi làm việc, đã được NHNN và các bộ ngành giải đáp, NHNN sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đồng quan điểm về việc khi triển khai các dự án nông nghiệp cần đảm bảo sản phẩm làm ra phải có người mua; và cần phát triển nhà ở công nhân phù hợp với nhu cầu người dân. Thống đốc yêu cầu đại diện các bộ ngành hữu quan trong đoàn công tác nghiên cứu để có chính sách phù hợp với đời sống tập quán của người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thống đốc NHNN thông tin, năm 2024, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trước những biến động kinh tế thế giới làm cho sức cầu suy giảm, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường trong chuỗi cung ứng xuất khẩu…

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay