Thứ tư, 22/01/2025
   

Tập huấn về “Xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”

Ngày 18/05/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức tập huấn kết hợp tham quan thực địa về nội dung “Xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” tại Ninh Bình cho học viên đến từ

Ngày 18/05/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức tập huấn kết hợp tham quan thực địa về nội dung “Xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” tại Ninh Bình cho học viên đến từ các tổ chức tín dụng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Ông Sơn 180523

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Tham gia buổi tập huấn kết hợp tham quan thực địa có bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung ương, Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp; Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng nhà thầu dự ấn Bảo vệ Động vật Hoang dã nguy cấp, WWF; Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương; Ông Phạm Văn Thông, Trưởng phòng Nghiên cứu bảo tồn, Tổ chức Save Việt Nam Wildlife (SVW);… cùng với 65 học viên đến từ các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Trong đó, các giảng viên của buổi tập huấn là bà Nguyễn Thị Minh Thơ, bà Trần Thị Hoài Thu, ông Đỗ Văn Lập (Vườn quốc gia Cúc Phương) và ông Phạm Văn Thông.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, mục đích của buổi tập huấn vào 2 mục tiêu chính, thứ nhất Nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các ngân hàng, các công ty Fintech về rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; Tuyên truyền thông điệp về nỗ lực phòng chống buôn bán động vật hoang dã, khuyến khích các tổ chức tài chính, công ty Fintech có lập trường không khoan nhượng đối với buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật;

Thứ hai, tiếp tục vận động các ngân hàng trở thành Đại sứ chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và ủng hộ việc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền đối với tội phạm về động vật hoang dã và tuân thủ theo Quy tắc ứng xử của doanh nghiệp về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua các trường hợp kinh doanh cụ thể.

Ba Thơ 180523

Giảng viên Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trình bày tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) với kinh nghiệm đào tạo thực tế nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đã cung cấp cách nhìn tổng quan về tính hiệu quả của hệ thống quản lý tội phạm tài chính của ngân hàng trong việc nhận diện và xử lý với các dấu hiệu cảnh báo. Đồng thời, đưa ra các đánh giá, nhận diện và giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, bà Thơ cũng đưa ra phương pháp sàng lọc các giao dịch thương mại.

Bà Thơ cho biết, có 6 nội dung cần lưu ý trong thẩm định giao dịch thương mại như sau:

Thứ nhất, trong khả năng cho phép, các ngân hàng nên thực hiện sàng lọc riêng biệt liên quan đến thương mại, xem xét rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố ML/TF, áp đặt lệnh trừng phạt và các rủi ro phổ biến khác. Điều này bao gồm sàng lọc hàng hóa sử dụng có công dụng kép (cho dân sự lẫn quân đội), cập nhật danh sách áp đặt trừng phạt và danh sách đen nội bộ.

Thứ hai, chính sách sàng lọc của ngân hàng nên trình bày rõ ràng dữ liệu nào phải được sàng lọc và khi nào chúng phải được sàng lọc.

Thứ ba, tuyến phòng thủ thứ nhất sẽ kích hoạt quy trình sàng lọc khi nhận được hướng dẫn xử lý giao dịch thương mại;

Thứ tư, chuẩn hóa một quy trình (bao gồm các biểu mẫu liên quan) đối với các tên bắt buộc cần được truy xuất từ các tài liệu giao dịch thương mại để sàng lọc.

Thứ năm, tất cả các lượt truy cập sàng lọc phải trải qua kiểm tra bởi hai người trước khi bị xóa. Ghi lại cơ sở quyết định cho mục đích kiểm toán.

Thứ sáu, trong phạm vi có thể, xác định và sàng lọc tất cả các bên liên quan và hãng vận chuyển trong suốt giao dịch - không chỉ ở giai đoạn đầu (ví dụ: đối với thư tín dụng, sàng lọc trong quá trình phát hành, sửa đổi, nhận chứng từ và thanh toán hoặc quyết toán)…

Trình bày về Luật phòng, chống rửa tiền 2022, bà Thơ cho biết, có 16 nội dung cơ bản trong Luật các học viên cần phải hiểu rõ như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng báo cáo về PCRT; Về hợp tác quốc tế về PCRT; Quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; Về hợp tác quốc tế về PCRT; Quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; Quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Về trách nhiệm của đối tượng báo cáo khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới; Về giám sát một số giao dịch đặc biệt; Về minh bạch thông tin của pháp nhân, thỏa thuận pháp lý, minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận; Về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền; Về báo cáo giao dịch đáng ngờ; Về giao dịch chuyển tiền điện tử; Về việc lưu trữ, trách nhiệm báo cáo, bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; Về thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về PCRT và áp dụng các biện pháp tạm thời; Về áp dụng các biện pháp tạm thời; Về quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT; Về điều khoản thi hành…

Về khuôn khổ pháp lý liên quan đến phòng chống rửa tiền nói chung, Việt Nam đã có Luật phòng chống rửa tiền số 14 ban hành ngày 15/11/2022; Nghị định số 19 của Chính phủ ban hành ngày 28/4/2023 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022; Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng chống rửa tiền hiện cũng đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, hoàn thiện và sắp ban hành.

Trong đó, khuôn khổ pháp lý chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã, đã có Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định rõ về các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 06 năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84 năm 2021) quy định chi tiết về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES; Nghị định số 35 năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07 năm 2022) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

Theo nhận định chung, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền và chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Bà Michelle Owen 180523

Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng nhà thầu dự ấn Bảo vệ Động vật Hoang dã nguy cấp, WWF phát biểu tại buổi tập huấn

Theo Liên Hợp Quốc ước tính hàng năm thế giới thất thoát khoảng 48-153 tỷ USD do nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu mỗi năm. Số tiền này bao gồm các chi phí gây thiệt hại cho nhà nước và an ninh công cộng, như chi phí phòng vệ, chi phí liên quan đến vận hành hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật, tổng thiệt hại về sinh thái, tài sản bị đánh cắp… Đồng thời, nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có thể ngăn cản đầu tư và làm suy yếu năng lực của các chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vì vậy, việc bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ các loài động vật hoang dã đã mang tính cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã lại đang là một vấn đề rất phức tạp. Việt Nam được nhận định là một trong những điểm đến, điểm trung chuyển chính trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Ong Lap 1805

Ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương chia sẻ trong buổi tập huấn

Buôn bán trái phép động vật hoang dã là một loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nghiêm trọng, có liên quan tới các loại tội phạm khác như: rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng. Các tổ chức tội phạm này thường lợi dụng các điểm yếu trong lĩnh vực tài chính để vận chuyển, cũng như che dấu các khoản tiền bất chính. Do đó, điều tra tài chính là công tác quan trọng để đánh giá và ngăn chặn tội phạm rửa tiền trong buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Đặc điểm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là thông qua nhiều khâu, với nhiều đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả vận chuyển xuyên quốc gia. Do đó, việc theo dõi dòng tiền của các đối tượng tham gia vào đường dây này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị như: hải quan, công an, ngân hàng, các công ty tài chính... Về hình thức chuyển tiền, các đối tượng sử dụng cả hình thức phi chính thức và chính thức như chuyển tiền qua ngân hàng, qua các trung tâm chuyển tiền, chuyển qua di động...

Toan canh 180523

Quang cảnh buổi tập huấn

Thông qua tập huấn, các học viên đã biết cần theo dõi để đảm bảo các loại giao dịch khớp với hồ sơ là bước đầu tiên để kiềm chế hoạt động buôn bán động vật bất hợp pháp. Ngoài ra, học viên được hiểu rõ thêm về quy trình thẩm định khách hàng để chắc chắn đảm bảo các công ty không dùng vỏ bọc che giấu các hoạt động trái phép như buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã...

Nhờ đó, buổi tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã cho các học viên. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố cho giai đoạn 2018-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.

Luu niem 1805

Các đại biểu tham dự khóa tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

T.Đ - VNBA News

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay