Thứ sáu, 10/01/2025
   

Tăng cường kết nối và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác dữ liệu dân cư để thúc đẩy thanh toán số

Hiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số đã phát triển mạnh, tạo nền móng cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Thời gian tới, để tăng tính kết nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thanh toán, thúc đẩy thanh toán số, cần tiến tới triển khai thí điểm các giải pháp kết nối, khai thác cơ

Hiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán số đã phát triển mạnh, tạo nền móng cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Thời gian tới, để tăng tính kết nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thanh toán, thúc đẩy thanh toán số, cần tiến tới triển khai thí điểm các giải pháp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ hoạt động ngân hàng, đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.

Hinh anh CSDL Dan cu

Hạ tầng công nghệ thanh toán góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thời gian qua liên tục được nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, kết nối với các hệ thống khác trong nền kinh tế. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính hoạt động ổn định, an toàn.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo việc xây dựng và chính thức vận hành Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) (từ tháng 7/2020) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24x7, xử lý giao dịch đa kênh, chính thức vận hành. Tiêu chuẩn kỹ thuật được triển khai xuyên suốt trong toàn bộ hạ tầng ACH dựa trên tiêu chuẩn ISO 20022 với khả năng mở rộng nhanh và dễ dàng tích hợp giữa các hệ thống.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển; POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... Đến cuối tháng 12/2022, tổng lượng thẻ lưu hành đạt gần 145,2 triệu thẻ (tăng 12,23% so với năm 2021); số lượng ATM trên toàn thị trường đạt 21.038 máy, số lượng POS đạt 410.743 máy (tăng tương ứng 3,11% và tăng 26,94% so với năm 2021).

Trong bối cảnh ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông vào hoạt động thanh toán, nhiều phương thức thanh toán mới tương tự như thanh toán qua POS, QR Code đã được nghiên cứu, ứng dụng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”, quy định các yêu cầu đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán nhằm thúc đẩy, khuyến khích thanh toán qua thiết bị di động.

Triển khai thực hiện Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020, trong đó có quy định việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thiết lập quy trình nhận diện và xác minh khách hàng trong môi trường số không cần tương tác hay tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương tiện và dịch vụ thanh toán ngày càng phát triển, đa dạng hoá và đã dần đi vào cuộc sống, góp phần và tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân. Các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…

Đến nay, có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 48 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 45 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử với gần 30 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Các Ngân hàng Thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đến cuối năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2021. Cụ thể: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 89,05% về số lượng và 32% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 98,54% và 50,24%; qua kênh điện thoại di động tăng 139,32% và 106,54%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 225,36% và 243,92%. Giao dịch qua POS tăng 51,66% về số lượng và 46,10% về giá trị.

Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông (MobiFone, VNPT-Media, Viettel) được triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội. Đến cuối tháng 12/2022, số lượng tài khoản Mobile - Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,8 triệu tài khoản, hơn 8,8 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập.

Mặc dù cơ sở hạ tầng cho thanh toán số đã phát triển mạnh, tạo nền móng cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập.          

Trước hết là vấn đề quy hoạch chưa nhất quán và đồng bộ hệ thống thanh toán số. Hiện vẫn còn không ít các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, do vậy, vừa lãng phí lại không tận dụng được hạ tầng chung. Thêm nữa, hệ thống thanh toán hiện đại còn chưa phổ cập tới các vùng miền, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa thì hầu như không có sự hiện diện. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán số trên di động như hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường. Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hang còn chưa thực sự phổ biến do thói quen sử dụng tiền mặt và hạ tầng kỹ thuật còn chưa sẵn sàng trong việc kết nối giữa các trường học, công ty nước và ngân hàng; chưa có hệ thống dữ liệu tập trung, chuẩn hóa dẫn đến khó khăn trong triển khai tích hợp, kết nối…

Với dịch vụ Mobile -Money, một trong những khó khăn với các doanh nghiệp viễn thông là việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế. Chưa kể, nhiều trường hợp khi đăng ký, nạp tiền vào Mobile -Money phải đến tận điểm kinh doanh, đại lý của nhà mạng cũng là một điều khiến người dùng e ngại.

Cần tăng tính kết nối, quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng thanh toán

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho thanh toán số, cần sự hoàn thiện về hành lang pháp lý và đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính. Do đó, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính.

Ở tầm vĩ mô, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhân tố quan trọng giúp các đơn vị liên quan có thể kết nối, đồng bộ, từ đó hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thanh toán số.

Một số đơn vị trong ngành Ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, PVCombank… đã và đang phối hợp với Bộ Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; (iii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành… Từ đầu tháng 5/2022, các ngân hàng tham gia thử nghiệm đã bắt đầu cung cấp giải pháp xác thực người dân qua thẻ CCCD tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn sau khi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ ban hành; tiếp tục phối hợp Bộ, ngành liên quan xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai thí điểm các giải pháp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ hoạt động ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng… Mới đây, Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, do Chính phủ xây dựng đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghị định cũng là tiền đề để nghiên cứu, xây dựng thành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch bán lẻ (ACH) hoạt động 24x7, xử lý thanh toán tức thời (real-time) và tăng cường khả năng tích hợp, kết nối hạ tầng, với các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo an ninh bảo mật trong cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Về phía các Ngân hàng Thương mại, tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của CMCN 4.0 để cải tiến, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng; tiến tới chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số dựa trên công nghệ mới và phân tích dữ liệu.

Về lâu dài, việc quy hoạch, thiết kế xây dựng "Hạ tầng thanh toán số quốc gia" đồng bộ, thống nhất, dùng chung là cần thiết. Hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung này đáp ứng mọi phương tiện thanh toán được phát hành bởi các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức tài chính, các tổ chức thanh toán trong và ngoài nước. Trên cơ sở sử dụng hạ tầng chuyển mạch bù trừ để kết nối, các thành phần tham gia không cần phải đi lắp đặt riêng các thiết bị máy POS, QRCode… do đó giảm thiểu chi phí đầu tư của xã hội và đạt được mức chi phí thấp cho người dân.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay