Chủ nhật, 13/04/2025
   

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dự thảo được cập nhật nhiều quy định mới về mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại.
Vay tiền tỷ không cần tài sản bảo đảm

Theo Dự thảo, sửa đổi khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 116/2018/NĐ-CP) như sau: 2. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau: a) Tối đa 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; b) Tối đa 500 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; c) Tối đa 03 tỷ đồng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại...

Theo NHNN, mức cho vay này đã được cân nhắc trên cơ sở khảo sát hoạt động cho vay theo Nghị định số 55 tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận…

Kết quả khảo sát cho thấy, các hạn mức cho vay theo quy định hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay của từng nhóm khách hàng trong phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản. Việc tăng hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo sẽ tháo gỡ khó khăn về vốn cho hàng nghìn hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX trong lĩnh vực tam nông; tạo cơ hội cho các mô hình này có nguồn vốn phát triển các kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong hoàn cảnh thiếu tài sản thế chấp là bất động sản.

Theo Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN), hiện nay riêng đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong số 3,3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng cho vay theo Nghị định 55 (tính đến cuối năm 2024), tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo đang chiếm tỷ trọng khoảng 20-21%. “Nếu các mức cho vay không có tài sản đảm bảo được tăng lên như đề xuất của dự thảo sửa đổi Nghị định số 55, thì cơ hội vay vốn tín chấp của nhóm khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX sẽ rộng mở và hiệu quả hỗ trợ vốn ở mức cao hơn”, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định.

Về phía ngân hàng, đại diện một số chi nhánh NHTM tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, hiện nay các ngân hàng đang khá chú trọng cho vay vào các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, trong đó có nhiều gói tín dụng chấp nhận tài sản thế chấp là các giấy tờ có giá ngoài bất động sản. Nếu quy định cho phép các NHTM tăng mức cho vay tín chấp sẽ giúp nhiều HTX, hộ kinh doanh, nhất là các chủ thể thực hiện những mô hình OCOP (mô hình mỗi xã một sản phẩm) hoặc các HTX đang tham gia các chương trình, đề án lớn của Chính phủ (như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản trọng điểm…) tiếp cận được nguồn vốn lớn, để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn của các ngân hàng là cơ chế để xử lý nợ đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55 chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, nếu Nghị định mới sắp ban hành cập nhật và luật hóa thêm được những cơ chế này thì khả năng tăng trưởng thêm các khoản vay tín chấp đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khá lớn.

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi
Tăng quy mô tín chấp vào sản xuất nông nghiệp gắn liền với quản trị rủi ro của các khoản vay
Nhu cầu “bắt tay” chặt hơn trong chuỗi giá trị

Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng tại các HTX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho thấy, nhu cầu vay vốn không cần tài sản thế chấp của nhóm khách hàng hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX là khá lớn. Tại một số HTX, như HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ (Phụng Hiệp – Hậu Giang); HTX Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Đà Lạt – Lâm Đồng)… các ngân hàng đã triển khai cho vay nhiều khoản vay tín chấp có giá trị lớn, được địa phương đánh giá là có hiệu quả hỗ trợ cao.

Về tín dụng chính sách, một số tỉnh khu vực Đông Nam bộ, như Đồng Nai đang triển khai chính sách hỗ trợ vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện các mô hình OCOP với mức vay tối đa 200 triệu đồng/hộ, không cần tài sản đảm bảo. Các HTX, liên hiệp HTX tại Đồng Nai (nếu đủ điều kiện vay tín dụng chính sách) có thể vay tối đa 4 tỷ đồng/dự án để tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Các khoản vay này được cân nhắc tỷ lệ tài sản đảm bảo ở mức thấp và được ngân sách địa phương hỗ trợ tối đa về lãi suất vay vốn.

Tuy nhiên, về tín dụng thương mại các tổ chức tín dụng đều cho rằng hoạt động cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có rủi ro lớn, nhất là những năm gần đây sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh; và giá nông sản luôn biến động mạnh.

Chính vì vậy, để các NHTM mạnh dạn mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, ngoài việc có thêm cơ chế pháp lý “mở” hơn, thì không chỉ ngành Ngân hàng mà cả các bộ ngành, địa phương và tất cả các doanh nghiệp, HTX, trang trại cũng cần chung tay hoàn thiện những “mắt xích” trong chuỗi liên kết các “nhà” để tạo thuận lợi cho việc cung ứng vốn tín dụng cho tam nông, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương và tăng GDP của cả nước.

Các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong suốt các khâu từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, tạo cơ sở để ngân hàng cho vay theo dòng tiền liên kết, giải ngân theo từng giai đoạn, từng đầu mối. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định, quay vòng sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 2 vừa qua Bộ Tài chính đã có những đánh giá về kết quả triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi chính sách này bằng việc ban hành Nghị định mới, sớm hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ chế pháp lý này cần được đẩy nhanh để xây dựng “lá chắn” hỗ trợ các mô hình kinh tế nông nghiệp và tạo cơ hội vững chắc cho các NHTM tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực tam nông.

Dự thảo cũng bổ sung Điều 15a vào Nghị định số 55/2015/NĐ-CP như sau: “Điều 15a. Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn 1. Khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoặc theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án. 2. Trường hợp khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoặc theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được xử lý tương tự như đối với trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này”.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay